Chung cư mini - nơi xảy ra đám cháy nằm giữa khu dân cư đông đúc. (Ảnh:Tuấn Anh/TTXVN)
Chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình có diện tích đất hơn 200 m2, cao 10 tầng với khoảng 150 người dân sinh sống trong 45 phòng có rào sắt kiên cố ở phía sau, không có thang thoát hiểm. Lửa bốc lên từ tầng 1 là nơi để xe máy và lan lên các tầng trên, nhưng xe cứu hỏa không vào được hiện trường vì đường chật hẹp. Theo thông tin ban đầu, chung cư này chỉ được cấp phép xây dựng 6 tầng, song chủ đầu tư đã tự ý làm thêm 4 tầng, nhưng đã không được chính quyền và cơ quan chức năng giám sát thi công theo đúng giấy phép.
Vụ cháy này đã lộ ra những lỗ hổng rất nghiêm trọng. Đó là công tác phòng, chống cháy nổ dường như đã không được chú ý hoặc là có nhưng chỉ mang tính đối phó, làm cho phải phép. Chủ đầu tư bất chấp, chính quyền sở tại cũng dễ dãi, qua loa. Ở vụ việc này, và nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra trước đó, tính mạng con người đã trở nên rất mong manh trước sự vô cảm của chủ đầu tư, sự tính toán thực dụng của những người chỉ biết xem lợi nhuận là trên hết.
Theo một số chuyên gia, vì chung cư này không phải dự án đầu tư nên không được thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra thường xuyên về an toàn, phòng cháy chữa cháy. Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trước hết và trên hết phải đảm bảo đúng nguyên tắc, những gì linh hoạt được trong điều kiện thì có thể mới linh hoạt. Nhưng tòa nhà cao tới 10 tầng mà không có lối thoát nào là một “sự linh hoạt” mang tính “giết người”. Những điều đơn giản như thế nhưng đều dễ dàng bị bỏ qua, cho đến tận khi phải trả cái giá đắt nhất mới nhìn ra.
Từ vụ hỏa hoạn ở chung cư này chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, Hà Nội, rộng hơn là nhiều đô thị lớn, đô thị tỉnh lỵ, khu công nghiệp... không chỉ có một chung cư bất cập như chung cư mini tại số nhà 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ. Loại hình chung cư mini này đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng vì diện tích vừa phải, giá bán, cho thuê phù hợp túi tiền của các gia đình trẻ, người có thu nhập trung bình, lại đáp ứng được vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, học hành, nên được nhiều người lựa chọn. Tiện lợi nhưng lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Cũng từ vụ cháy này tiếp tục đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người lao động ở phân khúc thấp và trung bình. Trong khi nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng này là rất lớn, nếu như các dự án nhà ở xã hội không đáp ứng được, thì những chung cư mini tự phát sẽ còn mọc lên nhiều hơn, nguy cơ hỏa hoạn và các tai nạn khác cũng sẽ gia tăng.
Điều rất đáng nói là, trước khi vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này xảy ra, công tác rà soát phòng cháy đã được lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện rất gắt gao. Thế nhưng cũng trong thời gian này nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng.
Tại Thanh Hóa, cách đây 2 tháng, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại một nhà dân thuộc khu phố Xuân Phú, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) làm 2 người tử vong. Gần 5 tháng trước, tại TP Thanh Hóa xảy ra cháy tại số nhà 08 đường Nguyễn Văn Huyên, phường Ba Đình, làm 2 người chết. Căn nhà xảy ra cháy là nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh. Theo quy định, để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh kết hợp nơi ở, đòi hỏi bên cạnh hướng dẫn, giám sát của cơ quan chức năng, vai trò của chính quyền cơ sở trong đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống cháy nổ là rất quan trọng. Nhưng vượt lên tất cả, điều xấu nhất đã xảy ra.
Giải trình tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-9, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, các đơn vị đã có sự quyết liệt trong tổ chức kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cũng như cơ quan, doanh nghiệp, đình chỉ hoạt động của một số đơn vị không đảm bảo. Dù vậy, số liệu thống kê cho thấy vẫn còn trên 38.000 cơ sở chưa thể khắc phục được. Đây là con số đem đến nỗi lo không hề nhỏ về nguy cơ hỏa hoạn bất cứ lúc nào.
Hỏa hoạn từ xưa đã được xếp vào hàng thứ hai trong các loại giặc, thế nhưng nhiều người vẫn quan niệm rằng đây là chuyện “không may” thôi mà. Vì suy nghĩ ấy mà thời gian qua rất nhiều cơ sở dịch vụ dù bị yêu cầu đóng cửa để hoàn thiện các tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ, nhưng ở một số thời điểm chủ nhân vẫn lén lút mở cửa đón khách. Có người còn khoe họ có mối quan hệ riêng để đi hát karaoke, thậm chí trong đó có cả những cán bộ Nhà nước. Những vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra là mất mát rất lớn, không ai muốn cả, nhưng cũng là lời cảnh báo thực tế nhất cho xã hội. Vì thế, hãy hành động ngay và đúng cách để danh sách những vụ hỏa hoạn không còn nối dài.
Ngay sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại số nhà 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, ngày 13-9-2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 796/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó yêu cầu bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy, phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra thực tế hiện trường vụ hỏa hoạn, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, quy chế phòng cháy, chữa cháy với các chung cư mini, khu vực đông dân cư nhưng đường giao thông chật hẹp; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng ứng phó cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra các sự cố. Đây mới là vấn đề căn cốt nhằm chủ động giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, nhất là ở các địa bàn dân cư.
Thay vì trông chờ vào sự may mắn, hãy chủ động hành động. Theo đó, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải quyết liệt tạm đình chỉ, đình chỉ các công trình, dự án đang triển khai, hoạt động có xảy ra vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, để không còn cảnh... “mất bò mới lo làm chuồng”.
Theo Thái Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-lo-hong-chet-nguoi/195002.htm