Miếng bánh quảng cáo đang “chảy vào túi” các nền tảng mạng xã hội do việc xâm phạm bản quyền báo chí (20/09/2023-19:37)
Khi nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí với các phương tiện truyền thông số ngày càng khốc liệt, vấn đề bản quyền báo chí càng cần được nhìn nhận rộng mở hơn, đặc biệt, khi nó gắn với kinh tế báo chí.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cho biết, việc bảo vệ bản quyền là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự công bằng và chính xác của thông tin được phát hành cũng như giá trị của lao động báo chí.
Thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, nguồn thu của các cơ quan báo chí, ngoài nguồn thu từ kí hợp đồng quảng cáo với doanh nghiệp, thực hiện truyền thông theo đơn đặt hàng của Nhà nước, thì nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến, bán các sản phẩm kỹ thuật số như: sách điện tử, bài viết độc quyền, video, podcast…, nguồn thu từ việc độc giả đăng ký thành viên để đọc các nội dung độc quyền hoặc có tính chất riêng tư ngày càng được coi là các nguồn thu lớn, quan trọng, là cách thức để báo chí phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Khi nhu cầu, tâm lý, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng thay đổi mạnh mẽ, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí với các phương tiện truyền thông số khác ngày càng khốc liệt, vấn đề bản quyền báo chí càng cần được nhìn nhận rõ nét hơn, với góc nhìn rộng mở hơn, đặc biệt, khi nó gắn với kinh tế báo chí.
Phân tích về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cho biết, xét dưới góc độ kinh tế, việc sao chép bài viết một cách thiếu kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến phong cách của một tờ báo, tờ báo bị sao chép bị mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của những người làm báo khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm.
Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, bị đánh cắp thì vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc vi phạm bản quyền, mà những thông tin bị cắt cúp, sao chép, vi phạm này còn làm méo mó, sai lệch thông tin. Đối với các cơ quan báo chí, việc vi phạm này một mặt ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, xâm hại đến công sức, thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền, của nhà báo, đồng thời gây thất thu lớn về mặt kinh tế.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức đưa ra một ví dụ cụ thể về thiệt hại kinh tế mà rất nhiều cơ quan báo chí đã và đang đối mặt đó là, hiện nay, có hai kênh cơ bản mà nguồn thu của các đơn vị nắm bản quyền bị “chảy ngược” vào những trang web vi phạm bản quyền.
Thứ nhất, theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, không ít trang tin, tờ báo và cả những trang “3 không” - không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội, do yêu cầu về số lượng lớn tin bài hằng ngày, áp lực về lượng “view” để có thể bán quảng cáo và “bán click” đã đi “vợt” lại nguyên bài hoặc một phần rồi “chế bản” từ các đơn vị báo chí có bản quyền dẫn tới hiện tượng những đơn vị không trực tiếp sáng tạo nội dung lại được nhận tiền quảng cáo, còn đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm không nhận được giá trị tương xứng mà họ bỏ ra.
Kênh thứ hai được nhà báo Nguyễn Minh Đức nhận định là phức tạp, khó kiểm soát và tràn lan nhất là việc các tài khoản cá nhân, trong đó đặc biệt là các tài khoản ảo, tài khoản không xác thực trên các mạng xã hội Facebook và Youtube, thường cắt cúp thông tin, hình ảnh, phim trên các kênh báo chí, truyền hình chính thống và tạo ra những thông tin theo chủ đích cá nhân với mục đích “câu view”, “câu follow”, do đó, thông tin thường được chế bản theo hướng càng giật gân, tạo bức xúc, tranh luận thì càng dễ tăng “follow”.
Khi đạt một lượng “follow” đủ lớn, các nền tảng công nghệ như Facebook và Youtube sẽ phân chia doanh thu quảng cáo từ các nhãn hàng, trong đó chủ yếu là nhãn hàng trong nước. Như vậy, nguồn thu quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam đã, đang có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo, nhưng theo cách… dùng “chùa”.
"Tuy chưa có một cuộc điều tra chính thức từ thiệt hại kinh tế về việc xâm phạm bản quyền tác giả hay sở hữu trí tuệ, nhưng theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, doanh thu bất hợp pháp từ hoạt động ăn cắp bản quyền có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm", ông Đức cho hay.
Theo Tổng Biên tập Báo HàNộiMới, do hầu hết các trang web, trang điện tử không chính thống hiện nay do Google giới thiệu vì các trang này trả tiền cho Google nên Google cũng thường cho chạy quảng cáo trên các trang có dấu hiệu vi phạm. "Miếng bánh quảng cáo lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại “chảy vào túi” các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nguồn thu của không ít cơ quan báo chí ngày càng thấp đi, còn các “ông lớn” mạng xã hội Google, Facebook lại kiếm đậm từ chính việc xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí chính thống", ông Nguyễn Minh Đức nêu thực trạng.
Đi tìm giải pháp
Các hành vi vi phạm bản quyền hiện đang được thực hiện với những cách thức hết sức tinh vi, luôn thay đổi, và khó khăn khi xử lý đối với hoạt động vi phạm được thực hiện xuyên biên giới, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, của các tổ chức, đại diện chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu quyền trong công tác phối hợp, nhưng diễn biến vi phạm bản quyền gia tăng đòi hỏi phải có giải pháp thực tế có tính khả thi hơn.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, phát hiện vi phạm bản quyền không khó, nhưng xử lý các hành vi này sao cho hiệu quả thì không đơn giản, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện một cách tổng thể và đồng bộ.
Về phía các cơ quan báo chí, theo ông Đức, có thể hướng tới phát triển dịch vụ bán bản quyền tác phẩm báo chí. Dịch vụ này cho phép các đối tác khác sử dụng các tác phẩm của cơ quan báo chí giữ bản quyền với điều kiện phải mua bản quyền trước. Các tác phẩm báo chí có thể bao gồm các bài viết, hình ảnh, video và âm thanh được xuất bản hoặc sản xuất bởi các cơ quan báo chí.
"Khi các đối tác khác muốn sử dụng các tác phẩm này, họ phải mua bản quyền từ các cơ quan báo chí. Việc này giúp đảm bảo rằng các tác phẩm được sử dụng theo đúng quy định về bản quyền và các cơ quan báo chí nhận được mức phí phù hợp cho việc sử dụng tác phẩm của mình", nhà báo Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Tổng Biên tập Báo HàNộiMới cũng đưa ra kiến nghị các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền và tham gia chặt chẽ vào quá trình thực thi, góp ý sửa đổi các văn bản.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết, Cục Báo chí, Bộ TT&TT đang tiếp tục tham mưu với chính phủ và quốc hội sửa đổi Luật Báo chí, trong đó có nội dung rất quan trọng đó là Luật Báo chí trên không gian số, để cập nhật hoạt động báo chí trong tình hình mới, tiếp tục có những kiến nghị liên quan đến bản quyền.
Xây dựng quy trình chuẩn để đấu tranh với những việc vi phạm bản quyền báo chí - đó là một điều băn khoăn lớn của các cơ quan báo chí. Cục Báo chí sẽ kiến nghị lên Bộ TT&TT để xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn, nhất là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số và bảo vệ bản quyền bằng giải pháp công nghệ.
"Về phía bộ TT&TT, các cơ quan báo chí khi phát hiện vi phạm bản quyền, chúng tôi sẽ có phân loại xử lý kịp thời không chỉ là những trang thông tin điện tử, trang thông tin không chính thống mà kể cả những nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới", bà Thảo nhấn mạnh.
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, trong thời gian qua, Cục Báo chí và Bộ TT&TT đã tiến hành tháo gỡ, xử lý rất nhiều những vi phạm bản quyền báo chí, tuy nhiên thực tế các cơ quan báo chí vẫn thực sự chưa vào cuộc, vẫn có sự ngần ngại trong cuộc đấu tranh này. Các đơn vị báo chí cần tiếp tục hợp tác hơn nữa trong việc phát hiện và cung cấp thông tin những vi phạm.
Trên thực tế, tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí trên môi trường số không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các tờ báo, mà nguồn thu nhập của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng.
Nếu mỗi cơ quan báo chí tự mình thực hiện các giải pháp bảo vệ theo cách riêng thì sẽ giống như đang tham gia vào một cuộc chiến không cân sức. Nhưng nếu có sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ từ các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước và sự phối hợp đồng lòng giữa các cơ quan báo chí thì đây như là một cơ hội để các cơ quan báo chí trưởng thành hơn về bản lĩnh, vững vàng hơn về nghiệp vụ và hiệu quả hơn về chuyên môn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com