Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Để không “mất bò mới lo làm chuồng” (22/09/2023-17:45)
    Một lần nữa người ta lại nhắc đến thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng” sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Hà Nội mới đây.

 Ảnh minh họa.

Năm 2015, sau nhiều vụ cháy xe ô tô, Bộ Công an đã có Thông tư số 57/2015/TT-BCA, trong đó quy định xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ phải trang bị 1 bình chữa cháy theo quy chuẩn ban hành. Lập tức chủ xe đổ xô đi mua các loại bình chữa cháy. Nhưng vì người đi mua cơ bản với mục đích đối phó nhằm tránh bị phạt, nên việc mua với nhiều người cốt chỉ cho có, không biết cách sử dụng thế nào, cũng không biết chất lượng ra sao, có đảm bảo quy chuẩn không.

Bình chữa cháy sau đó bị vứt lăn lóc trên xe, ít người để ý. Đến khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 148/2020/TT-BCA, xe ô tô từ 4 đến 9 chỗ ngồi không phải trang bị bình chữa cháy nữa, dụng cụ này lập tức bị bỏ ra khỏi xe, mà không cần biết nếu xảy ra cháy xe sẽ chữa cháy bằng gì.

Chỉ chừng ấy thời gian quy định tồn tại nhưng đã tạo ra sự xáo trộn, trong đó cho thấy ý thức chữa cháy của nhiều lái xe, chủ xe rất thấp. Hậu quả của hỏa hoạn là rất tàn khốc, nhưng ít người chủ động để phòng tránh, giảm nhẹ tác hại. Xe ô tô là tài sản có giá trị lớn, cần được bảo vệ bằng nhiều cách. Từ khi mua xe, được giao xe, chủ xe, lái xe đã phải nghĩ đến việc phòng cháy. Một bình cứu hỏa quy chuẩn cho xe ô tô không quá đắt, nhưng tỷ lệ chủ xe, lái xe chủ động trang bị có thể nói là rất ít. Họ chỉ đổ xô đi mua khi có quy định bắt buộc và đây là thời điểm để thị trường tăng nhiệt vô tội vạ, chất lượng hàng hóa trở nên thật giả lẫn lộn. Từng có bình chữa cháy không đảm bảo chất lượng phát nổ khi để dưới nhiệt độ quá nóng ngoài trời làm ảnh hưởng đến xe.

Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại Hà Nội làm 56 người ở một chung cư mi-ni thiệt mạng, người dân, nhất là những người đang ở chung cư, nhà tập thể đã đổ xô đi mua thiết bị chữa cháy, mặt nạ dưỡng khí, thang thoát hiểm. Dù cơ quan quản lý thị trường đã tăng cường quản lý, nhưng cũng sẽ khó để kiểm soát được hết hành vi găm hàng, tăng giá, trà trộn hàng kém chất lượng để bán.

Thời gian qua các tỉnh, thành phố đều ban hành quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn, trong đó yêu cầu mỗi nhà trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình. Với loại hình chung cư còn có những quy định khắt khe hơn. Nếu người dân chủ động trang bị phương tiện chữa cháy và thoát hiểm từ khi vào ở, thì đã có thể hạn chế được các vụ hỏa hoạn, cũng không dẫn đến tình trạng phải đổ xô đi mua hàng hóa với giá cả đắt đỏ hơn, chất lượng cũng khó để mà được kiểm soát như hiện nay.

Hy vọng qua những vụ việc như thế này sự chủ động của mỗi người sẽ được nâng cao hơn, không còn bị động theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, ít nhất là trong việc trang bị các thiết bị chữa cháy, thoát hiểm.

Theo Tuệ Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-khong-mat-bo-moi-lo-lam-chuong/195608.htm

 

Các tin khác:
  • Ngăn chặn, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (22/09/2023-17:43)
  • Cảnh sát giao thông được kiểm tra 4 loại giấy tờ khi dừng ô tô (21/09/2023-10:47)
  • Bộ Thông tin & Truyền thông quyết liệt ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến (20/09/2023-10:21)
  • Nếu cứ xử phạt cho tồn tại, sẽ còn nhiều ‘quả bom’ chung cư chờ nổ (20/09/2023-10:11)
  • Góp phần nâng cao ý thức về an toàn giao thông cho học sinh tỉnh Thanh Hóa (19/09/2023-12:56)
  • Triển khai nghiêm túc, làm thực chất (17/09/2023-19:49)
  • Lòng tốt trong lẫn lộn thật giả (16/09/2023-22:48)
  • Hoàn thành tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy các chung cư trước ngày 15-11 (16/09/2023-22:43)
  • Tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông (16/09/2023-22:39)
  • Những "lỗ hổng" chết người (15/09/2023-10:45)