Nước ngập sâu trên đường Lê Quý Đôn, TP Thanh Hóa trong buổi sáng 27-9-2023.
Một luồng quan điểm cho rằng năng lực hạ tầng tiêu thoát nước của thành phố quá yếu, không theo kịp sự phát triển của đô thị. Hình ảnh nhiều kênh tiêu, cống thoát bị đào lên, hạ xuống trong những năm qua đã quá quen với người dân đô thị, nhưng rồi nhiều địa bàn nước vẫn ngập sâu và rút rất chậm.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nếu cứ tiếp tục cách ứng xử như hiện nay thì sẽ không có hạ tầng tiêu thoát nước nào đáp ứng được. Mọi nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng sẽ trở nên nhỏ bé trước lối sống tùy tiện của người dân. Không khó để nhận thấy điều này khi ngày càng có nhiều vật liệu rắn được vứt bỏ tùy tiện ra môi trường làm tắc hệ thống thoát nước. Nhiều nắp cống bị người dân lấp lại nhưng không được khơi thông trở lại khi mùa mưa đến.
Liên quan đến tiêu thoát nước cho TP Thanh Hóa, từ năm 2009 đến 2016, Dự án tiêu úng Đông Sơn được triển khai nhằm tiêu úng cho 13.356 ha của các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư trên 733 tỷ đồng, trong đó đất đô thị là 7.798 ha. Cùng với đó, Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung (Tiểu dự án Thanh Hóa) đã xây dựng 5 tuyến thoát nước mưa với tổng chiều dài 14,7 km; Dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa đầu tư hệ thống tuyến cống thu gom nước, hồ điều hòa của các phường trung tâm và Nhà máy Xử lý nước thải tại phường Quảng Thịnh có công suất 15.000 m3/ngày đêm...
Con số thống kê cho thấy đã có một nguồn lực rất lớn được đầu tư nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước cho thành phố. Vấn đề đặt ra là khai thác, sử dụng hạ tầng này như thế nào mà thôi. Để có một sự đồng bộ và hiệu quả hơn trong việc giải bài toán thoát nước đô thị cho TP Thanh Hóa chắc chắn cần phải tính toán kỹ, đầu tư đồng bộ hơn, mà điều đó thì chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều.
Thay cho chê trách, lên án các công trình thoát nước được đầu tư chưa phù hợp, không phát huy khả năng, thì mỗi người trước tiên phải có sự ứng xử phù hợp trước đã. Công trình có được đầu tư hiện đại đến mấy, mà ý thức của con người không đồng bộ theo thì cũng rất khó để phát huy tác dụng, làm lãng phí tiền của. Chắc chắn không chỉ có một trận mưa như ngày 27-9, mà sẽ còn nhiều trận mưa lớn nữa. Vậy nên hãy sớm thay đổi cách ứng xử với môi trường thay cho tranh cãi và đỗ lỗi, bởi nó sẽ không đi đến đâu cả, còn làm phức tạp vấn đề hơn.
Theo Thái Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tranh-cai-sau-mua/196117.htm