Ảnh minh họa.
Thực ra thì vợ chồng ông Hách khá hòa đồng. Bao nhiêu năm sống ở nông thôn, lề thói thế nào vợ chồng ông đem hết về khu phố. Có những hôm khu phố còn chưa dậy, vợ chồng ông đã đánh thức bằng những tiếng động mạnh của chổi tre quét phố, tiếng nồi niêu va chạm... Một số người dân trong khu phố thấy vui vì vợ chồng ông đã làm giúp một phần việc cho họ. Vui nhất là khi vợ chồng ông nghe được bất cứ thông tin nào liên quan đến khu phố cũng đến từng nhà thuật lại.
Nhưng sự xuất hiện của gia đình ông Hách không phải đều làm cho tất cả mọi người vui. Bởi sự xuất hiện của gia đình ông cũng đem đến một hình thức sinh hoạt dị biệt. Đáng nói nhất là chiếc bếp dã chiến trên hè phố. Một chiếc bếp được kê lên bởi 3 ông đầu rau. Hết nấu cơm, sang nấu nước uống, nước tắm. Vợ chồng ông còn đặt vấn đề ai có nhu cầu sẽ phục vụ nước sôi miễn phí. Những lần công ty môi trường đô thị cắt tỉa cây xanh, vợ chồng ông đưa về phơi kín cả một đoạn đường.
Con cái ông Hách dù trang bị cho bố mẹ cả bếp gas, bếp từ mi ni, nhưng ông không dùng. Ông nói sống ở quê quen với bếp lửa rồi. Nấu bếp thì có thể hỗ trợ nước nóng cho nhiều nhà trong khu phố. Thế nhưng không phải ai trong khu phố cũng vui vẻ với lòng tốt ấy, nhất là những gia đình có ô tô. Việc phơi củi trên đường gây ra khó khăn cho việc di chuyển, nhưng vì nể vợ chồng ông cao tuổi nên không nói. Vậy nhưng xe ô tô là tài sản lớn, chúng có thể bị cháy bất cứ lúc nào nếu tàn lửa từ chiếc bếp nhà ông Hách bay tới. Ông Hách thì lại tin rằng chiếc bếp dã chiến nhà ông không thể làm hại ai được vì nó đã được che bằng tấm phên tre, gió thổi chiều nào ông che chiều đó. Nhưng đến một ngày chính chiếc phên tre ấy cũng cháy, bén vào đống củi khiến nhiều người phải vội đánh xe ô tô đi nơi khác. Sau hôm ấy có người góp ý ông Hách nên bỏ việc nấu bếp trên hè phố. Ông giận, nói rằng: Các anh có sống ở quê đâu mà biết bếp lửa quan trọng thế nào.
Ông Hách dừng nấu bếp được ít hôm, và dường như điều đó làm ông buồn, nên lại nổi lửa trở lại. Chỉ khác là ông đã thay bằng một chiếc bếp đẹp hơn, nấu xong ông đưa vào nhà cất. Có lần ông nói toáng lên cốt cho người trong phố nghe đại ý rằng, từ nay không làm phiền đến ai nữa. Các anh, chị tưởng có xe ô tô mà to à. Cũng từ hôm ấy ông không nói chuyện với người trong phố nữa. Nhiều người thấy ông Hách thay đổi cách sống như thiếu đi điều gì. Nhưng nhiều người thì nói rằng, không sao cả. Sự an toàn của khu phố mới là trên hết. Thiếu sự tham gia của một gia đình còn hơn là xảy ra điều không mong muốn cho nhiều gia đình. Ông Hách phải hiểu rằng đô thị có nguyên tắc sống khác với nông thôn. Chỉ khi chúng ta chấp nhận được điều đó thì hãy nghĩ đến chuyện trở thành công dân đô thị.
Có câu rằng “đất có lề”, được hiểu là lề luật, quy tắc, thông lệ... Ở nông thôn không gian rộng, không có nhiều công trình, phương tiện, cho phép người dân nấu bếp củi, phơi nông sản, chất đốt quanh nhà, thậm chí nổi lửa ở nơi công cộng để phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng như một thói quen. Nhưng ở đô thị, không gian chật hẹp, yêu cầu về mỹ quan, an toàn cháy nổ rất cao, mọi người phải chấp hành. Chọn cuộc sống đô thị đồng nghĩa phải tuân thủ các quy tắc sống mà chính quyền đô thị đề ra, không thể nói rằng thói quen của tôi như thế nên tôi cứ làm thế, mọi người phải chấp nhận. Đó là điều hoàn toàn không thể.
Theo Hạnh Nhiên/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/dat-co-le/197456.htm