Ảnh minh họa.
Sau hơn 5 năm Trung ương đặt ra vấn đề cải cách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, lần cải cách tiền lương có tính lịch sử cũng sắp diễn ra.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã thảo luận về lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, dự kiến việc cải cách sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã dự kiến các bảng lương mới thay thế cho bảng lương hiện hành thực hiện gần 20 năm nay. Theo đó, gồm có bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong 3 năm (từ năm 2024 đến 2026). Dự kiến từ ngày 1/7/2024, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công; đồng thời tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Mọi việc đã sẵn sàng, tuy nhiên người lao động vẫn cần phải chờ quyết định của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây cũng là một trong những chính sách được người lao động đặc biệt quan tâm. Cải cách tiền lương để tăng thu nhập từ lương dĩ nhiên là người lao động vui rồi. Nhưng để niềm vui ấy lâu dài, thì cải cách tiền lương phải gắn với việc kiểm soát hiệu quả diễn biến thị trường, tránh tái diễn tình trạng lương tăng một, giá tăng hai như thường thấy sau mỗi lần tăng lương cơ sở. Nhất là, việc cải cách tiền lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, sự đóng góp thực tế của người lao động, càng đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sao cho vừa phát huy được hiệu quả của tiền lương, vị trí việc làm, lại tiết kiệm được ngân sách mới là điều cần hướng tới.
Theo Lam Vũ/Báo Thanh Háo Điện tử
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cho-doi-tu-cai-cach-tien-luong/198273.htm