Để báo chí phát huy vai trò của kênh truyền thông chủ đạo, dẫn dắt (26/10/2023-16:40)
Nhận định về công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong những năm gần đây có thể thấy, hoạt động truyền thông chính sách được thực hiện khá bài bản, công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời, có nhiều sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với tình hình, điều kiện và bối cảnh địa phương.
Trung tâm truyền thông Quảng Ninh sau 4 năm hoạt động đã thực hiện tốt vai trò chủ lực truyền thông chính sách.
Điển hình là hoạt động truyền thông chính sách trên các hạ tầng báo chí của tỉnh.
Công tác truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng dân
Đánh giá về công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hồng Dương – Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Đối với tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, công tác truyền thông được quan tâm lãnh đạo chỉ đạo và xác định truyền thông là kênh chủ lực trong công tác triển khai thực hiện truyền thông chính sách. Tỉnh đã thực hiện mô hình trung tâm truyền thông trên cơ sở hợp nhất báo, truyền hình và các đơn vị tạp chí để thành trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh, từ đó tạo sự nhất quán trong công tác truyền thông của tỉnh.
Quảng Ninh là một địa bàn có rất nhiều cơ quan báo chí với hơn 70 cơ quan đại diện văn phòng và các phóng viên thường trú trên địa bàn đã phối hợp rất tốt với tỉnh trong công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện nhiệm vụ kênh truyền thông thông qua mạng xã hội và mạng lưới tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở hiệu quả.
“Đối với tỉnh, thuận lợi là có sự nhất quán đồng thuận, đảm bảo trung thực, khách quan, kịp thời đối với truyền thông chính sách. Đồng thời, với mô hình là trung tâm truyền thông, tòa soạn hội tụ nên công tác truyền thông chính sách có thuận lợi trên đa phương tiện đa nền tảng. Sự phối hợp, đoàn kết của các cơ quan báo chí trên địa bàn cũng tạo thuận lợi trong triển khai truyền thông chính sách. Bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn, bất cập.
Thứ nhất là sự nhận thức từ cấp ủy, chính quyền từ địa phương đơn vị trong truyền thông chính sách đôi chỗ còn chưa thực sự đầy đủ, đảm bảo kịp thời. Thứ hai là công tác phân tích dự báo để đảm bảo tính kịp thời, sự sâu rộng trong công tác chính sách còn hạn chế. Thứ ba là, ở một số vụ việc, các sự kiện nóng chưa được truyền thông chính sách kịp thời để giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập trong chính sách và đảm bảo tính đồng thuận của người dân” – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Về góc độ này, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho rằng, một trong những yếu tố góp phần tạo nên những thành tựu của tỉnh là công tác tuyên truyền, trong đó có công tác truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng dân, từ đó thực hiện thành công các chủ trương, chính sách đề ra.
Từ năm 2012, với việc duy trì chương trình hợp tác truyền thông với khoảng 30 cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Quảng Ninh đến với du khách, bạn bè, nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời hỗ trợ tỉnh phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin sai trái trên môi trường mạng.
Trong những năm qua, công tác thông tin, truyền thông chính sách được Quảng Ninh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, sử dụng đa dạng các kênh thông tin như: Báo chí, mạng xã hội, đội ngũ báo cáo viên, từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường.
Đặc biệt, đánh giá cao Trung tâm truyền thông tỉnh, bà Lê Ngọc Hân cũng cho rằng, Trung tâm Truyền thông tỉnh là cơ quan báo chí duy nhất của tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 4 năm thành lập đã khẳng định được đây là một mô hình phù hợp, trở thành một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, vận hành ngày càng nhuần nhuyễn, trong thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò chủ lực truyền thông chính sách, đã phát huy cao hiệu quả hạ tầng truyền thông của đơn vị để tuyên truyền trước, trong và sau khi ban hành chính sách.
Trong đó, trang tổng hợp Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh – kênh cung cấp thông tin chính thống của tỉnh do Trung tâm Truyền thông tỉnh quản trị trong những năm qua là địa chỉ tin cậy để các cơ quan báo chí cũng như người dân tiếp cận để tiếp nhận thông tin về các chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như bày tỏ ý kiến (thông qua mục hỏi đáp). Kênh truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử cũng được Trung tâm Truyền thông tỉnh căn cứ vào từng nội dung cụ thể cần tuyên truyền để lựa chọn hình thức thể hiện phù hợp.
Nhiều hình thức thể hiện mới như infographic, E-magazine, video ngắn... được sử dụng linh hoạt góp phần tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách của tỉnh đến với người dân. Đáng kể, tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 vừa qua của tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã thực hiện livestream phiên chất vấn trên trang fanpage của đơn vị, thu hút hơn 26.000 lượt xem và hơn 1 nghìn tương tác và ý kiến do cử tri trực tiếp gửi về - là một hình thức mới, hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách trên mạng xã hội do cơ quan báo chí của tỉnh thực hiện.
Báo chí phải “đi trước mở đường”
Tại Diễn đàn Tổng biên tập với chủ đề “Truyền thông chính sách – góc nhìn từ các cơ quan báo chí” diễn ra cuối tháng 9 tại Quảng Ninh do báo Nhà báo & Công luận tổ chức, Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Quảng Ninh cho rằng: “Quảng Ninh luôn đặc biệt coi trọng truyền thông chính sách, nhìn nhận báo chí không chỉ là nguồn lực phát triển mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ là tuyên truyền đơn thuần, tuyên truyền một chiều, nói hay nói tốt cho mình, Quảng Ninh cho rằng báo chí phải “đi trước mở đường”, tức là không tuyên truyền một chiều cũng không dùng chỉ để nói hay nói tốt cho mình. Báo chí cũng cần “đi trong và đi cùng” trong quá trình xây dựng chính sách để có thể giúp chính sách”.
“Đi trong và đi cùng” hay chính là việc đẩy mạnh truyền thông chủ động trước, trong và sau quá trình ban hành chính sách. Xác định có “bột mới gột nên hồ” để đẩy mạnh thông tin chính thống trên báo chí, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện công tác cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh triển khai đa dạng các hình thức cung cấp cho các cơ quan báo chí mà theo thông tin từ bà Lê Ngọc Hân chia sẻ thì hiện nay, tỉnh cung cấp thông tin qua hệ thống email, qua các Group thông tin trên mạng xã hội mà thành viên là phóng viên thường trú, văn phòng đại diện, đầu mối phóng viên các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông, phóng viên được cử theo dõi, nắm bắt thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, hằng tháng, tỉnh cung cấp đến phóng viên từ 20 - 40 lượt thông tin, là nguồn nguyên liệu để các cơ quan báo chí tham khảo, tuyên truyền. Đồng thời, tỉnh duy trì thực hiện Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì thực hiện và thứ 3 hàng tuần; hội nghị giao ban báo chí hàng tháng. Qua hội nghị, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cung cấp thông tin định hướng tuyên truyền các nội dung trọng tâm đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp cung cấp cho các cơ quan báo chí các vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm; trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí các vấn đề.
Duy trì tổ chức họp báo thường kỳ, họp báo cung cấp thông tin về các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, theo đó, căn cứ vào thực tế và nhu cầu cung cấp thông tin để tổ chức họp báo cung cấp thông tin kịp thời. Hằng năm, ngoài các hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ tổ chức, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức từ 5 – 10 cuộc họp báo, cung cấp thông tin đến phóng viên các cơ quan báo chí các nội dung trọng tâm, trọng điểm, các sự kiện nổi bật trên địa bàn tỉnh.
Duy trì cung cấp thông tin qua Cổng TTĐT của tỉnh, của các sở, ngành địa phương và hệ thống fanpage DDCI qua mạng xã hội Facebook, giúp phóng viên các cơ quan báo chí kịp thời tiếp cận, nắm bắt thông tin chính thống.
Tất nhiên, đồng thời với đó, bà Lê Ngọc Hân cũng nhấn mạnh: “Để báo chí phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong truyền thông chính sách, Quảng Ninh xác định luôn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các cơ quan báo chí. Trong đó, các cơ quan ban hành chính sách phải chủ động kết nối với các cơ quan báo chí, bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới phát huy tốt được vai trò của kênh truyền thông chủ đạo, dẫn dắt”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com