Từ các mối liên kết, lượng khách kết nối từ các điểm đến trong tỉnh và trong nước đến Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) có sự tăng trưởng rõ rệt.
Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, xu hướng, nhu cầu, thị hiếu của du khách đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nổi bật nhất là xu hướng du lịch nội địa, du lịch ngắn ngày với dịch vụ chất lượng, đảm bảo an toàn. Theo đó, hướng tiếp cận khách hàng của chính các doanh nghiệp và cả điểm đến cũng đã thay đổi. Các hoạt động liên minh, liên kết mở rộng thị trường, không gian du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đối với du lịch nội tỉnh, cùng với đẩy mạnh các liên minh kích cầu du lịch, tỉnh đã nhanh chóng công bố các sản phẩm mới, tour du lịch liên kết các địa phương, điểm đến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chất lượng dịch vụ và sản phẩm khác biệt được coi là yếu tố then chốt để tạo nên thành công của mỗi hành trình. Chỉ nói riêng về tuyến du lịch kết nối các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân cũng đã thấy rõ điều đó. Đây là tuyến du lịch dựa trên thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, mới lạ. Cùng với tour du lịch “truyền thống”: Làng du lịch Yên Trung - Thành Nhà Hồ - Suối cá thần Cẩm Lương - Lam Kinh, thì nay sự liên kết đã tạo nên những hành trình mới như: Làng du lịch Yên Trung - Đền Đồng Cổ - Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường - Di tích Phủ Cẩm - Di tích lịch sử Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang; Thành Nhà Hồ - Chùa Giáng - Đàn Tế Nam Giao - Động Hồ Công - Phủ Trịnh - Danh thắng Kim Sơn - Suối cá thần Cẩm Lương; Lam Kinh - Đền thờ Lê Hoàn - Chùa Quảng Phúc - Làng nghề bánh gai Tứ Trụ - Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn.
Nhận định về sự liên kết 4 huyện này, một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, nếu tự bản thân mỗi điểm đến hay mỗi huyện quảng bá về điểm đến thì thực sự nhiều điểm sẽ rất khó thu hút khách. Trong khi đó, từ các điểm du lịch nổi tiếng của mỗi huyện như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... sẽ là cơ sở để tạo sức hút cho các tour liên kết mới.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Việc liên kết du lịch nội tỉnh, nội địa cũng như tuyến các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của Thành Nhà Hồ nói riêng và các điểm đến khác nói chung. Những năm trước đây du lịch Thành Nhà Hồ phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách từ các khu du lịch biển, vì vậy du lịch hè kết thúc thì Thành Nhà Hồ cũng gần như vắng khách. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nay không còn tình trạng khách du lịch giảm đột ngột, lượng khách đi tour nội tỉnh và từ các tỉnh phía Nam có sự tăng trưởng rõ rệt. Nhờ đó, chỉ trong 10 tháng Thành Nhà Hồ đã đón 210 nghìn lượt khách và mục tiêu đón 250 nghìn lượt khách trong năm 2023 là hoàn toàn có thể đạt được”.
Và bất cứ doanh nghiệp nào “phá giá” hay cạnh tranh không lành mạnh đều dễ dàng bị loại khỏi “cuộc chơi”. Việc liên kết, thống nhất trong hoạt động kinh doanh không những giúp các doanh nghiệp “đi xa” mà còn “đi nhanh”, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.
|
Cùng với sự liên kết giữa các địa phương, giờ đây giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động hợp tác với nhau và tìm kiếm đối tác để tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Theo đó, tình trạng “mạnh ai nấy làm” hay cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá nhằm hút khách dần bị loại bỏ.
Nhận định về thực trạng này, Giám đốc Vietravel chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nga cho biết: “Việc thống nhất, liên kết giữa các doanh nghiệp đã mang đến hướng kinh doanh chuyên nghiệp, văn minh. Mặc dù mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược cạnh tranh riêng, phân khúc khách hàng riêng, song không còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Kể từ khi du lịch mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 đến nay, nếu du khách khảo sát sẽ thấy rõ một điều rằng, hiện nay mức giá dịch vụ ở các doanh nghiệp du lịch là tương đương nhau, giá cả sẽ tương đương với chất lượng, không có chuyện khách hàng mua được giá rẻ mà chất lượng cao. Và bất cứ doanh nghiệp nào “phá giá” hay cạnh tranh không lành mạnh đều dễ dàng bị loại khỏi “cuộc chơi”. Việc liên kết, thống nhất trong hoạt động kinh doanh không những giúp các doanh nghiệp “đi xa” mà còn “đi nhanh”, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Ngành du lịch Thanh Hóa đang thực hiện chiến lược đẩy mạnh liên kết nội tỉnh, mở rộng mạng lưới liên kết đến các trọng điểm du lịch cả nước nhằm thu hút nguồn khách và phát triển tour, tuyến du lịch mới. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong định hướng liên kết, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra sự thống nhất trong tổ chức và hoạt động du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Theo Bài và ảnh: Lê Anh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/du-lich/muon-phat-trien-du-lich-ben-vung-thi-khong-the-manh-ai-nay-lam/198843.htm