Mới đây, khi phá vụ án cướp ngân hàng tại phòng giao dịch Ngân hàng Sacombank ở huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng phát hiện ra rằng cả ba đối tượng liên quan đều không hề biết tên tuổi, thân nhân của nhau ngoài đời thực mà chỉ kết bạn thông qua việc tham gia một hội nhóm kín trên mạng xã hội và sau đó bàn bạc, lên kế hoạch thực hiện vụ cướp. Một vụ việc tương tự xảy ra hồi năm 2022 khi công an thành phố Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ liên quan đã vây bắt thành công hai đối tượng sử dụng vũ khí giống súng cướp ngân hàng ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Cơ quan điều tra xác định, đây là những đối tượng tham gia nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên facebook và cùng lên kế hoạch cướp tài sản để trả nợ và lấy tiền tiêu. Đây chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ về những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng ngoài đời thật xuất phát từ việc tham gia các hội nhóm ảo trên mạng xã hội.
Quả thực, trên các nền tảng mạng xã hội, từ facebook, zalo, whatsapp cho tới telegram đã và đang xuất hiện tràn lan nhiều nhóm kết nối có tính bạo lực, tiêu cực với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người. Tên những hội nhóm này cũng thường được đặt theo chiều hướng phản cảm, bạo lực, trái đạo đức, song cũng đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhiều người dùng mạng xã hội với những cái tên khiến dư luận không khỏi “giật mình” như: “Hội những người thích đâm thuê chém mướn”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội bùng app vay tiền online”, “Hội những người muốn tự tử", "Nhóm đòi nợ thuê", “Hội những người đi tù”…..hoặc “Hội ngoại tình và vụng trộm”, “Hội chán sống”, “Hội ghét cha mẹ”…. Đấy là chưa kể tới các hội nhóm của những thanh niên mới lớn tham gia đua xe, “thông chốt”, thách thức lực lượng chức năng. Nguy hiểm hơn, đó là những hội nhóm qui tụ các thành phần phản động, chống phá nhà nước, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Các hội nhóm trên thường phát tán trong “nội bộ” những nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, kích động bạo lực, cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội hoặc những hoạt động chống phá. Những người tham gia các hội nhóm kín có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội đa phần thường có cùng chung tâm lý hành vi, bộc lộ những sở thích khác thường, hoặc là những người đang có những bế tắc trong cuộc sống, chán nản, tuyệt vọng, sẵn sàng thực hiện những hành vi liều lĩnh có thể gây ra những hệ lụy không lường và do là những nhóm kín nên nhiều thành viên không ngần ngại kể về các hành vi sai trái của mình, cũng như kêu gọi và khuyến khích người khác cùng tham gia. Và điều đáng nói hơn là dưới những bài đăng là những dòng chia sẻ, bình luận mang tính cổ súy, khuyến khích hoặc kích bác để người viết bài cụ thể hóa hành vi lệch chuẩn hoặc vi phạm pháp luật. Rõ ràng sự tồn tại của các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an thường xuyên đưa ra những cảnh báo về trào lưu lập nhóm kín trên mạng xã hội để rủ nhau thực hiện hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Nhiều đối tượng quản lý các hội nhóm kín trên mạng xã hội cũng đã bị xử lý theo đúng qui định của pháp luật. Cho dù việc thành lập hội nhóm trên mạng xã hội không bị pháp luật nghiêm cấm song pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Người nào cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc… có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ không phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa mà còn không phù hợp các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng 2018.
Mặc dù vậy, đến nay nhiều hội nhóm có tính chất tiêu cực trên mạng xã hội vẫn duy trì hoạt động, các thành viên vẫn thường xuyên cập nhật và chia sẻ trạng thái có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây nguy hiểm cho xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật. Dù chỉ là những hội nhóm ảo nhưng hệ lụy lại là thực và nếu người tham gia không tỉnh táo nhận diện được thì đây sẽ là con dao hai lưỡi gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Rõ ràng cần phải có những biện pháp mang tính toàn diện hơn để kiểm soát hoạt động của các nhóm kín trên mạng xã hội, hạn chế tối đa những hệ lụy từ những “hội nhóm đen”. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải tăng cường thanh tra, quản lý và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an ninh an toàn không gian mạng trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác một cách hiệu quả hơn với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam để kiểm soát những hội nhóm không lành mạnh được lập trên các nền tảng mạng xã hội, đảm bảo để đảm bảo rằng những tác động tiêu cực được ngăn chặn và môi trường trực tuyến vẫn là một nơi an toàn cho mọi người.
Bên cạnh đó, vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức thông qua cơ chế giám sát cũng hết sức cần thiết, qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Mặt khác, mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội cần có ý thức trách nhiệm, cần cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm để tham gia cũng như biết lựa chọn thông tin để tiếp nhận. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn, hạn chế những hệ lụy từ các hội nhóm không lành mạnh, mới có thể xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn, tích cực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.