Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trao thưởng cho em Lê Viết Hoàng Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2023. (Ảnh nhà trường cung cấp).
"Bảng vàng" đất học
Bàn về truyền thống hiếu học, khoa cử của người Thanh Hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Hải đã từng viết: “Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, truyền thống đó có những lúc thịnh, lúc suy nhưng thời nào cũng sản sinh ra những vị đại khoa, làm rạng danh nền văn hóa nước nhà”.
Mạch nguồn chảy mãi. Sự học xưa và nay đều gắn liền với vận mệnh phát triển của đất nước nên đều được coi trọng. Ở mỗi giai đoạn, thời kỳ, đặt ra nhiều khó khăn, thử thách nhưng “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Đánh giá gần đây nhất, tại báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ: “Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98% trở lên. Giáo dục mũi nhọn giữ vững trong tốp đầu cả nước tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế”.
Và cũng trong nhiều năm liên tiếp, Thanh Hóa giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong cả nước về chất lượng giáo dục. Những thành tích này, khẳng định, ngành giáo dục Thanh Hóa đã bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Đảng, của tỉnh, vận dụng sáng tạo, tìm hướng đi đúng trong chỉ đạo, điều hành. Thành tích lớn càng nâng cao vị thế chất lượng GD&ĐT của tỉnh trên bản đồ giáo dục nước nhà.
Cũng từ thập niên 80 đến nay, nói đến học sinh giỏi quốc gia, quốc tế không thể không nhắc đến Thanh Hóa. Nhắc đến Thanh Hóa lại phải nói đến Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Ngôi trường với “bảng vàng” thành tích về giải quốc gia, quốc tế. Tính đến hết năm học 2022-2023, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã có 72 giải Olympic khu vực và quốc tế (trong đó có 48 giải quốc tế, 24 giải khu vực). Đồng thời, có tới 1.923 học sinh đoạt giải quốc gia.
Từ ngôi trường này, nhiều học sinh đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các Anh hùng Lực lượng vũ trang... Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Ly đã chia sẻ về ngôi trường ông từng theo học: “Trường tôi học là trường nổi tiếng, có lẽ không phải vì cơ sở vật chất, mà trước hết vì có những người thầy uyên bác”. Tham dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Trường THPT Chuyên Lam Sơn, trong bài phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng đã nhấn mạnh: “Đây là ngôi trường lâu đời và có bề dày thành tích về truyền thống “dạy tốt, học tốt” bậc nhất xứ Thanh. Ngôi trường này đã ươm mầm giáo dục, bồi dưỡng, tạo nên nhiều cán bộ, trí thức, các nhà khoa học,... làm rạng danh truyền thống hiếu học và khoa bảng của quê hương Thanh Hóa anh hùng”.
Tài năng, trí tuệ tạo thành công. Nhưng trên con đường của thành công không thể không nói đến sự đóng góp quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài. Có thể khẳng định, hội khuyến học các cấp đã luôn sát cánh và đồng hành cùng với ngành giáo dục Thanh Hóa, trở thành một lực lượng nòng cốt trong xã hội hóa giáo dục, tiếp thêm sức mạnh cho ngành thực hiện các mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng GD&ĐT của tỉnh nhà. Thanh Hóa đã huy động được hơn 380 tỷ đồng quỹ khuyến học, đạt bình quân 103 nghìn đồng/người dân. Riêng Quỹ Khuyến học của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly qua 16 năm thành lập cùng Tập đoàn Sun Group đã trao tặng hơn 70 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.
Gần đây nhất, tại lễ kỷ niệm 41 năm thành lập Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023, gia đình Giáo sư Lê Viết Ly cùng Tập đoàn Sun Group đã trao học bổng gần 2 tỷ đồng cho 444 học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi đồng thời vinh danh 50 cán bộ, giáo viên giỏi làm khuyến học xuất sắc trên địa bàn tỉnh. Sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện lòng tự hào với những thành quả đã đạt được trong công cuộc “trồng người” và chăm lo sự học của đất Thanh, vừa là dịp để động viên, cổ vũ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh ngày càng có chất lượng và hiệu quả.
“Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Nhân lên truyền thống hiếu học, tiếp tục nâng tầm vị thế đất học xứ Thanh là nhiệm vụ của hôm nay, ngày mai nhưng để thực hiện hiệu quả thì thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ.
Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt
Khó khăn lớn nhất trong những năm qua đối với giáo dục Thanh Hóa đó là tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh vẫn đang thiếu hơn 10.000 giáo viên ở các cấp học, là tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, giáo dục Thanh Hóa đã vượt qua khó khăn để đạt nhiều thành tích tự hào. Như đã đề cập ở trên, thì thành tích thể hiện ở chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được giữ vững trong tốp đầu cả nước; là tỉnh thường xuyên có học sinh đoạt giải quốc tế và khu vực... Thành quả này, trước hết là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh tỉnh nhà đã vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học.
Để tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, để tiếp tục khẳng định vị thế đất học mà trước hết là thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì phải có giải pháp khắc phục những hạn chế mà ngành giáo dục tỉnh nhà đã và đang phải đối diện. Ngoài tình trạng thiếu giáo viên, bất cập về số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học còn thiếu và lạc hậu, xuống cấp; chất lượng giáo dục còn chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các trường công lập và ngoài công lập...
Tại báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện GD&ĐT đã tập trung vào một số vấn đề: đẩy mạnh xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở GD-ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo...
Về những giải pháp căn cơ, lâu dài, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, về vấn đề thiếu giáo viên, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Về lâu dài, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế mỗi năm 2% là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là đối với ngành giáo dục.
Về vấn đề thu hút, đào tạo học sinh giỏi, đoạt giải cao, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó đề cập đến vấn đhttps://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/viec-hoc-khong-bao-gio-cung/200166.htmề tham mưu với UBND tỉnh về cơ chế khen thưởng cho giáo viên và học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, quốc tế; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Trường THPT Chuyên Lam Sơn trở thành trường THPT chất lượng cao trọng điểm quốc gia, ngang tầm với các trường trong khu vực và thế giới... Cũng theo Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Hoành, cựu giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn, người đã bồi dưỡng cho 15 học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, hơn 100 học sinh đoạt giải quốc gia thì: “Để có học sinh đoạt giải cao, phải thỏa mãn 4 điều kiện. Thứ nhất là tài năng học sinh, thứ hai phải đam mê, thứ ba là được đào tạo bài bản và thứ tư là phải có sự động viên, khích lệ...”.
“Việc học không bao giờ cùng”. Vậy nên, “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Chất lượng tốt thì thành tích tốt và ngược lại. Tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, tiếp tục khẳng định vị thế đất học xứ Thanh, tại buổi tuyên dương và trao thưởng cho em Lê Xuân Mạnh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), quán quân đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành GD&ĐT tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”. Từ đó, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục của các địa phương và toàn tỉnh; lan tỏa tinh thần hiếu học, trọng học trong xã hội, góp phần đào tạo được nhiều học sinh giỏi, phát hiện và bồi dưỡng nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.
Theo Vi An/Báo Thanh Hóa Điện tử