Cần có cách nhận thức mới về làm truyền thông chính sách (28/11/2023-12:44)
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông): “Cơ quan nhà nước cũng cần thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí… đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương”.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo. Ảnh: Lê Tâm
Nâng ngân sách tuyên truyền báo chí từ 0,65% GDP lên 1% GDP
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh việc truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của người dân về các đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Tiếp tục bám sát tình hình, thông tin kịp thời các vấn đề thời sự được công chúng quan tâm.
Hiện nay cả nước hiện có hơn 800 cơ quan báo, tạp chí, 77 kênh phát thanh trong nước và 57 kênh nước ngoài. Nguồn nhân lực của các cơ quan báo chí cả nước hiện khoảng 41.000 người, trong đó có 20.283 nhà báo được cấp thẻ.
Trong đó có 6 cơ quan báo chí chủ lực (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân), 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Đây là nguồn lực lớn, đóng góp quan trọng vào việc truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) chia sẻ: Trước kia, với cách làm cũ, việc làm truyền thông chính sách thường tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện, chỉ cung cấp thông tin mà ít chú ý tới câu chuyện. Cách làm này cũng chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách.
Một trong những vấn đề của cách làm truyền thông chính sách trước đây là nặng về “định tính” hơn “định lượng”, chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình. Không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá.
Về kinh tế báo chí, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay, trong khối báo chí có 39% đơn vị tự chủ hoàn toàn, 25% đơn vị ngân sách nhà nước đảm bảo và 36% đơn vị tự chủ một phần.
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, “Bộ trưởng TT&TT rất trăn trở về vấn đề báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước, sản xuất tin bài theo định hướng của Đảng và Nhà nước nhưng không có sự hỗ trợ nào. Bộ trưởng cũng đang giao cho Cục Báo chí cùng các cơ quan chức năng xem xét để có những chính sách hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí”.
Thực tế hiện nay tổng ngân sách dành cho tuyên truyền báo chí hiện chỉ chiếm khoảng 0,65% GDP. Bộ TT&TT đang hướng tới nâng tỷ lệ này lên 1% GDP. Báo chí là kênh chủ lực cho truyền thông chính sách. Vì thế nhà nước phải cần cơ chế và phải hỗ trợ. Nếu cơ quan báo chí dựa hoàn toàn vào thị trường thì sẽ thành báo chí thị trường.
Thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí
Luôn luôn năng động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu hướng của truyền thông hiện đại, rất nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã cố gắng thực hiện việc truyền thông chính sách. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo thông tin sâu sát, quyết liệt, tạo sự phối hợp chặt chẽ, chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác truyền thông báo chí.
Các tòa soạn đã ứng dụng nhiều loại hình báo chí hiện đại, ứng dụng công nghệ truyền thông số, đăng phát trên các nền tảng đa phương tiện. Đã có những cơ quan báo chí truyền tải trên các nền tảng đa truyền thông, bao gồm các nền tảng truyền thông số, các mạng xã hội, youtube để đưa thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước không chỉ đến với công chúng trong nước mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên việc thực hiện truyền thông chính sách nếu chỉ đến từ phía cơ quan báo chí mà không có sự phối hợp chủ động từ các cấp chính quyền thì hiệu quả sẽ không cao. Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Thị Phương Thảo cho hay, những năm gần đây, nhận thức về truyền thông chính sách đã thay đổi. Theo đó, truyền thông chính sách giờ đây là việc của cơ quan hành chính nhà nước. Báo chí và các phương tiện truyền thông khác là những phương tiện, công cụ để thực hiện công tác truyền thông.
Do đó, các cơ quan chính quyền cần phải bố trí nhân lực, bộ máy chuyên trách về truyền thông, phải bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách như dành cho các lĩnh vực khác y tế, giáo dục…
Trong ngân sách cho truyền thông chính sách, cần có ngân sách dành cho báo chí và các phương thức truyền thông mới, phù hợp với xu thế. Cách nghĩ, cách làm mới hiện nay là muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được (đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin...). Chính quyền cần truyền thông đi trước, bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng cho hay, một số sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách gần đây đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước.
Để giải quyết câu chuyện này, cơ quan nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ không ảnh hưởng, mâu thuẫn với cơ chế tự chủ của cơ quan báo chí.
“Cơ quan nhà nước cũng cần thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình, tổ chức họp báo thường xuyên hơn, cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn hoặc đầu tư cho những câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương” - bà Đặng Thị Phương Thảo thông tin thêm.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com