Tin giả - rủi ro toàn cầu hàng đầu thế giới và cuộc rượt đuổi lấy lại niềm tin (28/11/2023-12:54)
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Tin giả nằm trong số những rủi ro toàn cầu hàng đầu thế giới. Thực tế cho thấy, tin giả có thể gây tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế trong những giai đoạn nhạy cảm...
Giữa năm 2022, loạt tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về việc một số doanh nghiệp ngoài nhà nước là các công ty đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán bị thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu và việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế, chứng khoán đã gây hoang mang cho nhà đầu tư. Điều này khiến cổ phiếu các doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh: Báo Đấu Thầu).
Các cuộc rượt đuổi
Mark Twain - Nhà văn nổi tiếng người Mỹ đã từng nói: “A lie can travel halfway around the world while the truth is still putting on its shoes" - nghĩa là: "Trong khi lời nói dối đã đi được nửa hành trình mới, thì sự thật vẫn còn đang buộc dây giày". Cho thấy tốc độ của sự lan truyền tin giả, tin đồn thất thiệt là vô cùng đáng sợ.
Theo một nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, tin giả tiếp cận được với độc giả nhanh hơn và nhiều hơn rất nhiều lần so với tin thật, 1% tin tức giả hàng đầu tới tay tối đa là 100.000 người, trong khi con số này với tin tức thật chỉ vỏn vẹn là 1.000 người mà thôi.
Tại sao người đọc thường xuyên "dính" đến tin giả?
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), bản chất của tin giả là mới lạ, đề cập đến chủ đề nóng bỏng tại thời điểm đó. Những người tạo nên tin giả thường có mục đích trục lợi cá nhân hoặc công kích người khác vì thế họ thường tạo những tiêu đề hết sức giật gân, gây chú ý.
"Tất cả mọi người đều có quyền bày tỏ, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Rất tiếc là sau khi những thông tin sai sự thật đã được chia sẻ rộng rãi thì các cơ quan quản lý mới tiến hành kiểm tra, xác minh xem thông tin đó có đúng hay không? Đây là cuộc rượt đuổi liên tục và khó khăn", ông Lê Quang Tự Do cho biết,
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Lê Quang Tự Do, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dùng. Muốn hạn chế tin giả thì phải có những chương trình nâng cao ý thức của người dùng tạo không gian văn minh, văn hoá mạng.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập MoMo, cùng với sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng, tin tức đến với công chúng quá nhiều, và mọi người thường có thói quen "chỉ đọc cái tựa", không quan tâm đến những nội dung sau đó. Họ lập tức có phản hồi, hoặc share những thông tin đó.
Ông Nguyễn Bá Diệp nhắc tới một nghiên cứu vui của một số nhà báo trên thế giới, họ lập một trang web với tên gọi là Underground News Report và sáng tạo ra những bài báo khác nhau với nội dung rất kỳ quái. Sau 2 tuần đã có 1 triệu lượt share của trang web này trên tất cả các nền tảng, mặc dù ngay trong bài báo, các nhà báo đều đã ghi bên dưới “đây là những nội dung được thêu dệt - không phải sự thật”. "Nhưng hầu như người đọc không hề đọc được đến câu đó, mà share ngay lập tức. Vấn đề là thói quen hiện nay của người đọc là chỉ đọc lướt, họ thấy giật gân, thú vị là share", ông Nguyễn Bá Diệp cho biết.
Thông tin giả, tin đồn thất thiệt, có tác động vô cùng lớn đến niềm tin thị trường
Thị trường tài chính là một thị trường rất nhạy cảm - thị trường về "niềm tin". Khi các thông tin giả được tạo ra và thiết kế rất tinh vi, nó đánh trực tiếp vào niềm tin của người đọc, gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm mất niềm tin vào các định chế lớn, làm tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Trong cuốn Thinking fast and slow của Daniel Kahneman - một nhà tâm lý học và nhà kinh tế học người Mỹ gốc Israel đã đạt giải Nobel cho rằng, con người có 2 hệ thống, hệ thống thứ nhất thiên về cảm xúc còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức. Hệ thống 2, là thiên về logic còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi ít nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic có tính toán và ý thức.
Trong một loạt thí nghiệm tâm lý mang tính tiên phong, Kahneman chứng minh rằng, con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Chính vì lẽ đó, con người có xu hướng tin vào những gì vừa hiện ra trước mắt mà không tìm hểu một cách kỹ càng.
Tin giả tác động như nào đến tài chính của các công ty?
Nghiên cứu của Đại học Baltimore cùng CHEQ tổng hợp năm 2019 cho thấy, riêng tin giả đã gây thiệt hại cho thị trường tài chính của Mỹ là 7,8 tỷ đô trong đó 70% số tiền này làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Diệp, người đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo - ứng dụng ví điện tử lớn nhất Việt Nam nhắc đến một trong những ví dụ điển hình, người giàu nhất thế giới Elon Musk - Chủ tịch Công ty sản xuất xe điện Tesla.
Trong video chiếu một xe Tesla tự lái đâm vào robot đã tạo ra một cuộc bàn luận vô cùng sôi nổi trên khắp các diễn đàn lớn nhỏ, rằng Tesla có thể tiêu diệt thế giới. Sau đó, sự thật được hé lộ, video đó là giả vì tại thời điểm đó, Tesla chưa có xe tự lái và video đó được setup một cách có chủ đích.
"Điều này không chỉ tác động đến Tesla mà còn tác động đến toàn bộ ngành taxi, bởi ở Mỹ, hai ông lớn là Uber và Lyft chủ trương sử dụng Tesla để chở khách, tiết kiệm chi phí", ông Nguyễn Bá Diệp cho hay.
Cũng trong thời gian gần đây, một video cho thấy hình ảnh xe Tesla cháy bùng ở gala Thượng Hải. Elon Musk đã lên Twiter và nói rằng: "Hàng năm có mấy triệu chiếc xe bị cháy, trong khi đó Tesla mới cháy có 1 cái mà không gây tử vong, đã thành câu chuyện của toàn thế giới".
Tại Việt Nam, vừa qua rất nhiều những thông tin xuyên tạc, tin đồn thất thiệt xung quanh việc các lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng, tập đoàn lớn bị bắt. Các đơn vị gặp sự cố kỹ thuật thông thường nhưng được biến hoá thành bị “hacker đánh sập”. Các đợt kiểm tra định kỳ của các công ty thì bị đồn thổi lên thành công ty, doanh nghiệp đó đang bị điều tra…
Điều này khiến cổ phiếu các doanh nghiệp xuất hiện trong tin đồn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số công ty đã có thông cáo báo chí để đính chính, trấn an các cổ đông, nhà đầu tư về tin đồn này nhưng cổ phiếu của các công ty này vẫn theo đà tiếp tục giảm mạnh.
Ông Nguyễn Bá Diệp nhắc về vụ cháy kinh hoàng tại một chung cư mini tại Hà Nội với thông tin ban đầu xác định nguyên nhân là do sạc xe điện. Dẫn tới việc ngay lập tức tất cả các nơi không cho sạc xe điện, người dân loay hoay tìm cách sạc bên ngoài. Doanh nghiệp xe điện thời điểm đó cũng vô cùng lao đao. Cuối cùng kết luận vụ cháy là do xe xăng.
"Những thông tin giả, tin đồn thất thiệt, có tác động vô cùng lớn đến niềm tin thị trường - và thị trường tài chính là thị trường của niềm tin. Thiệt hại về uy tín về thương hiệu là không thể đo đếm được, có những tác động không thể khắc phục khi niềm tin đã in hằn, cố hữu trong tâm trí mọi người", ông Nguyễn Bá Diệp nhận định.
Quay lại thời gian vào năm 2016, vụ việc nổi tiếng chi phối toàn cầu lúc đó, liên quan đến việc sử dụng dữ liệu của Facebook do Cambridge Analytica thực hiện. Theo đó, Cambridge Analytica đã khai thác dữ liệu người dùng trên mạng xã hội Facebook để nghiên cứu cử tri, từ đó đưa ra chiến lược truyền thông tập trung vào các nhóm đối tượng cử tri, tạo lợi thế cho ông Donald Trump.
Alexander Nix - Giám đốc điều hành Cambridge Analytics đã nói rằng: "If doesn't matter if is true or not as long as they believer it" - "Đúng hay sai không quan trọng, miễn là họ tin vào điều đó".
Khắc phục tin giả với 3 câu hỏi
Theo kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết giải pháp khắc phục tin giả với 3 câu hỏi. Thứ nhất, khi có một thông tin gì đó, phải tự đặt câu hỏi rằng mình đã nhìn thấy sự vật, vụ việc đó chưa?
Thứ 2, trước khi ấn share, hãy nghĩ đến việc liệu chính mình hay gia đình mình có thể là nạn nhân của những tin tức méo mó ấy hay không?
Thứ 3, toàn bộ những thông tin giả mạo được lan truyền trên mạng thì một trong những mục tiêu là thao túng với các mục đích khác nhau, trước khi share thông tin đó nên đặt câu hỏi, mình có đang bị ai thao túng hay không?
Ông Nguyễn Bá Diệp nêu thêm một trong những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam rất hay gặp phải khi đối mặt với tin giả là đôi khi mọi người ngần ngại không dám đối diện.
"MoMo có những lúc bị lỗi do hệ thống bảo trì, kể cả đối với những công ty công nghệ lớn trên thế giới việc gián đoạn dịch vụ, thậm chí cả ngày là điều rất bình thường. Một thông báo sẽ được viết rõ ràng trên website giải thích cho người dùng hiểu. Vậy nên phải dũng cảm, không né tránh, thông tin tốt hay xấu đều phải xác nhận", ông Nguyễn Bá Diệp đưa ra lời khuyên.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com