Ảnh minh họa.
Đáng chú ý nhất là cấm phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt; xây dựng, cải tạo nhà ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, không đúng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích đối với từng loại nhà ở mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quy định phải áp dụng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở.
Cùng với đó, cấm chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc của chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; cải tạo, xây dựng lại nhà ở đang thuê, thuê mua, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý mà không được chủ sở hữu đồng ý. Cấm ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở. Nhất là, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng.
Đây là những vấn đề đang gây bức xúc ở nhiều địa phương. Nhà đã xây nhưng chưa thể ở vì không đảm bảo trình tự, thủ tục pháp lý. Thậm chí có chủ đầu tư còn phải đứng trước nguy cơ phải phá dỡ công trình hoặc người mua nhà đã nộp tiền nhưng không thể sử dụng... Liên quan đến những nội dung này đã xảy ra rất nhiều tranh cãi, khiếu kiện làm phức tạp xã hội.
Một loại hình nhà ở xuất hiện nhiều ở đô thị gần đây là chung cư cũng được quy định cụ thể trong luật với các hành vi bị cấm. Theo đó, cấm cố ý gây thấm dột, tiếng ồn, độ rung quá mức quy định; xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc không đúng nội quy quản lý, sử dụng chung cư; sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; chăn, thả gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc trong khu vực chung cư. Gây mất trật tự, an toàn cháy, nổ trong chung cư; kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ và ngành, nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng chung cư theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar; kinh doanh sửa chữa xe có động cơ...
Phức tạp, bức xúc liên quan đến đời sống chung cư đã gây ra nhiều vụ xung đột không chỉ làm mất trật tự trị an của chung cư, mà nhiều vụ việc còn đi quá xa, thậm chí gây chết người. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm từ khi mới hình thành nhằm ngăn chặn hiểm họa còn khó vì thiếu chế tài. Với việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), những hành vi này đã được luật hóa. Nói cách khác là cơ quan soạn thảo đã đưa được cuộc sống vào luật và bây giờ là lúc để các cơ quan thực thi pháp luật cho thấy trách nhiệm đưa luật vào cuộc sống như thế nào, để luật phát huy tác dụng tốt nhất.
Theo Thái Minh/Báo Thanh Hóa Thanh Hóa
https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/luat-da-cam-chi-con-cho-thuc-hien-nghiem/200904.htm