Ảnh minh họa.
Tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Bộ luật Lao động không đề cập đến vấn đề thưởng Tết nên có thể hiểu quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đối chiếu quy định trên, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Và pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên.
Như vậy, việc thưởng Tết cho nhân viên do doanh nghiệp tự quyết định, phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của doanh nghiệp, cũng như hiệu quả làm việc của nhân viên trong suốt một năm qua.
Mặt khác, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ hiện nay là 6 tháng, trong khi đó thưởng Tết là khoản tiền ghi nhận công sức, hiệu quả làm việc trong suốt một năm. Mức thưởng Tết như thế nào do doanh nghiệp tự xem xét, quyết định, dựa vào nhiều yếu tố như: Thời gian làm việc, hiệu quả làm việc, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,...
Do đó, trường hợp lao động nữ đang nghỉ chế độ thai sản, doanh nghiệp vẫn có thể căn cứ vào các yếu tố này để xét thưởng Tết cho nhân viên.