Theo Luật Căn cước 2023, có một số hành vi sẽ bị nghiêm cấm trong quản lý và sử dụng Căn cước.
Theo luật, những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước không chỉ người dân mà các cán bộ, những người tham gia vào công tác quản lý cũng như thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước cũng có quy định.
Theo Điều 8 Luật Căn cước 2023, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
- Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.
- Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước công dân; sử dụng thẻ căn cước công dân giả.
- Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước trái với quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan.
- Thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
- Mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Việc thực hiện những hành vi trên là trái với quy định pháp luật, mọi công dân dù mang quốc tịch Việt Nam hay người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch… cũng cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật Căn cước.
Việc đổi tên luật và tên thẻ từ Căn cước công dân thành Căn cước sẽ phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với người dưới 14 tuổi, việc làm căn cước là không bắt buộc và được thực hiện theo nhu cầu của người dân bởi với trẻ em thì nhân dạng chưa ổn định, thậm chí vài tháng có thể thay đổi.
Do đó, khi cấp căn cước công dân cho trẻ em thì việc nhân dạng phải có quy định rất rõ ràng, phù hợp với đặc tính của độ tuổi. Mặt khác, từ trước đến nay, chỉ với một giấy khai sinh đã có thể xử lý hết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Vì vậy, việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải làm sao để thuận lợi hơn cho chủ thể được cấp.
Theo PV/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/nhung-hanh-vi-bi-cam-trong-luat-can-cuoc-post276049.html