Công an huyện Hoằng Hóa tuyên truyền, cảnh báo về những hiểm họa do pháo gây ra.
Trước tình hình nói trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo. Qua đó liên tiếp phát hiện, bắt nhiều đối tượng, thu giữ số lượng lớn tang vật liên quan. Chỉ tính từ ngày 1/11/2023 đến ngày 20/12/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 16 vụ, 18 đối tượng liên quan đến pháo, trong đó đã khởi tố 7 vụ; thu giữ 800 kg pháo các loại, 29 kg thuốc pháo và nhiều tang vật, phương tiện khác có liên quan.
Công an huyện Nông Cống phát hiện, thu giữ tại căn hầm bí mật của đối tượng Hoàng Xuân Thành nhiều vật liệu và máy móc dùng để sản xuất pháo.
Điển hình, ngày 29/11/2023, Công an huyện Nông Cống đã bắt giữ 3 đối tượng Lê Văn Anh, sinh năm 1985; Nguyễn Quang Dũng, sinh năm 1985 và Hoàng Xuân Thành, sinh năm 1991 đều ở xã Tân Phúc, huyện Nông Cống về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ và pháo. Khám xét khẩn cấp tại nơi ở của Hoàng Xuân Thành, cơ quan Công an phát hiện Thành đã thiết kế một căn hầm bí mật khá kiên cố với chỉ một cửa đủ một người ra vào và sử dụng khóa điện tử có bảo mật để làm nơi sản xuất pháo. Tại căn hầm bí mật này, lực lượng Công an đã thu giữ 64,8kg các loại chất bột tạo màu cho pháo; 2,2kg thuốc nổ; 7kg ống pháo bằng giấy; 2 thiết bị làm hạt tạo màu cho pháo và làm dây cháy chậm cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan dùng cho việc sản xuất pháo...
Tuyên truyền và tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, mua bán pháo trái phép.
Mới đây nhất, Công an TP Thanh Hóa đã liên tiếp bắt giữ 3 vụ buôn bán, sản xuất pháo nổ với quy mô lớn, liên tỉnh do nhiều đối tượng tham gia, thu giữ hàng tấn pháo nổ, thuốc pháo, bột thuốc pháo và các dụng cụ để sản xuất pháo. Cụ thể, ngày 04/12/2023, Công an TP Thanh Hoá đã đồng loạt bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây buôn bán pháo nổ trên không gian mạng, gồm: Võ Công Phước, sinh năm 1997 ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1984 ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; Bùi Khắc Lâm, sinh năm 1998 ở huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình; Đỗ Văn Long, sinh năm 1989 ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội và Lý Đình Khang, sinh năm 2001 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tang vật thu giữ gồm: 70 kg pháo nổ các loại và 20kg thuốc pháo. Theo lời khai của các đối tượng, chỉ tính từ tháng 10/2023 đến khi bị bắt, các đối tượng đã nhập lậu pháo từ Trung Quốc về Việt Nam và bán ra thị trường hơn 5 tấn pháo nổ các loại.
Công an TP Thanh Hoá liên tiếp bắt giữ 3 vụ chế tạo, mua bán pháo trái phép với quy mô lớn.
Cũng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an TP Thanh Hoá đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là pháo hoa của Bộ Quốc phòng để bán ra thị trường do đối tượng Trịnh Đức Anh, sinh năm 1987 ở phường Long Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội trực tiếp điều hành. Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, Trịnh Đức Anh đã câu kết với các đối tượng Vũ Thị Trang, sinh năm 1988 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá là đối tượng chuyên quảng cáo, mua bán pháo hoa giả; Trần Văn Vũ, sinh năm 1998 ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là đối tượng trực tiếp gia công, sản xuất pháo hoa giả và Phạm Thị Nụ, sinh năm 1988 ở Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội là đối tượng chuyên cung cấp vỏ hộp, tem nhãn mác giả cho các đối tượng sản xuất pháo hoa giả.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ 500 giàn pháo hoa các loại với tổng trọng lượng 600 kg; 400 kg các thành phẩm dùng để sản xuất pháo, 2 kg bột thuốc pháo hoa, hơn 50 nghìn tem nhãn giả pháo hoa của Bộ Quốc phòng và nhiều vật chứng khác phục vụ cho việc sản xuất pháo hoa giả.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng là nghiên cứu mẫu mã các sản phẩm pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, sau đó tìm mua nguồn nguyên liệu, đặt sản xuất tem nhãn mác giả để gia công, dán bên ngoài sản phẩm làm giả để người tiêu dùng tin và mua sản phẩm. Sau đó, câu kết với những đối tượng bán hàng online để bán ra thị trường. Chỉ tính từ tháng 10/2023 đến khi bị bắt, bọn chúng đã câu kết với nhau để sản xuất và tung ra thị trường nhiều tấn pháo hoa giả của Bộ Quốc phòng với tổng số tiền giao dịch hơn 4 tỷ đồng.
Công an TP Thanh Hoá liên tiếp bắt giữ 3 vụ chế tạo, mua bán pháo trái phép với quy mô lớn.
Qua các vụ án liên quan đến pháo đã điều tra làm rõ cho thấy, hiện nay hoạt động chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Pháo với nhiều chủng loại được thẩm lậu vào tỉnh ta để tiêu thụ từ nhiều nguồn khác nhau (từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan...) và bằng nhiều phương thức. Thủ đoạn mua bán pháo rất tinh vi, các giao dịch chủ yếu trên không gian mạng; đối tượng thường có hoạt động chuẩn bị mua bán, vận chuyển từ rất sớm để cung cấp cho người sử dụng vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó còn xảy ra các trường hợp tự chế tạo pháo nổ trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp gây ảnh hưởng đến ANTT, an toàn xã hội.
Việc chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình ANTT. Vì vậy, để đón một cái Tết an toàn và hạnh phúc trọn vẹn, mỗi người dân hãy tuân thủ pháp luật, không vì một vài niềm vui nhỏ trước mắt mà đánh đổi sức khỏe và tính mạng của mình và những người xung quanh... Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm, mỗi người dân hãy thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hãy nói không với các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ, để mỗi dịp Tết đến, Xuân về mỗi nhà, mỗi người đều được hưởng một cái Tết an lành, hạnh phúc.
Theo Mai Hà/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/phap-luat/thanh-hoa-quyet-liet-dau-tranh-voi-cac-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-ve-phao/202586.htm