Khu vực nghỉ của đoàn tác nghiệp vỏn vẹn trong lều trại 10m2, khi đó, các đoàn quốc tế đã rút dần. Vào buổi tối không có điện, không có nước, không có khu vực vệ sinh. Tuy nhiên, lá cờ Việt Nam còn bay ở đây vẫn khiến cho 4 nhà báo trong đoàn giữ vững một khí thế làm việc hăng say…
Nhà báo Phan Hải Tùng Lâm bắt đầu câu chuyện về chuyến tác nghiệp đáng nhớ cùng đồng nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ như vậy.
Nửa vòng trái đất đến đại địa chấn
Một ngày giữa tháng 2, nhận được cuộc gọi giao nhiệm vụ tới Thổ Nhĩ Kỳ, Phan Hải Tùng Lâm - Biên tập viên Truyền hình Nhân Dân thường trú tại Đà Nẵng không khỏi bất ngờ và lo lắng. Ngay ngày hôm sau anh đáp chuyến bay ra Hà Nội và chỉ vài ngày sau đó khi các thủ tục đã được gấp rút hoàn thành, anh cùng 3 cộng sự bắt đầu đến Thổ Nhĩ Kỳ - nơi vừa xảy ra trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richter , hơn 50.000 người đã ra đi mãi mãi, hàng chục nghìn toà nhà đổ sập, ước tính thiệt hại lên tới trên 100 tỷ USD, đau thương mất mát là tột cùng…
Hành trình bắt đầu với 4 nhà báo nhiệt huyết, mỗi người một tâm trạng với những suy nghĩ khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng quyết tâm trực tiếp đưa những thông tin sinh động dưới nhiều góc độ khác nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ đến với công chúng.
Vượt 10.000km với 3 chặng bay đến Adana cách địa điểm tác nghiệp là Hatay khoảng 200km, 12 kiện hành lý là những gì các anh mang theo đó là quần áo, thuốc men, nhu yếu phẩm và không thể thiếu máy móc, trang thiết bị tác nghiệp. Việc kiểm đồ sau mỗi chuyến bay, cất đồ, chuyển đồ, sau mỗi lần xuống xe thực sự là việc không hề đơn giản.
Sencer - một lái xe người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống ở vùng Adana được sự giới thiệu của Đại sứ quán, anh đến sân bay từ tờ mờ sáng và lái xe xuyên đêm đưa đoàn tác nghiệp đến với vùng thảm hoạ. “Sencer giống như một thành viên thứ 5 của đoàn” - Phan Hải Tùng Lâm nói.
Sau 2 tiếng rưỡi, đoàn đã đến sân vận động Hatay, hàng trăm chiếc lều tạm dần hiện ra dưới màn sương sớm. Đây là nơi tập trung của đoàn cứu nạn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các đoàn hỗ trợ quốc tế.
Phan Hải Tùng Lâm chia sẻ: “Chúng tôi trò chuyện với những người lính Việt trong những ngày vừa qua thực hiện nhiệm vụ quốc tế và chuẩn bị trở về nhà sau 10 ngày ròng rã chiến đấu với hàng triệu mét khối đất đá ở Hatay. Trưởng đoàn Phạm Văn Tị tỏ ra bồi hồi khi ngày chúng tôi đến cũng là ngày ông và các đồng chí, đồng đội trở về sau nhiệm vụ cao cả mà các ông gọi đó là “nhiệm vụ từ trái tim” - tìm những người mất tích, người bị thương chính là tìm người thân của mình. Đoàn Việt Nam trở về không quên chia sẻ thức ăn và nhu yếu phẩm còn lại cho những người dân Thổ Nhĩ Kỳ may mắn sống sót sau thảm hoạ”.
Tại thời điểm Phan Hải Tùng Lâm và cộng sự có mặt tại Hatay, phía địa phương đã bắt đầu hạn chế cho phép các nhà báo quốc tế tiếp cận hiện trường, bất chấp việc đã được cấp thẻ tác nghiệp trước đó.
“Các đoàn trước đây của Việt Nam, bao gồm cả báo chí và cứu hộ, cứu nạn được nước chủ nhà bố trí xe để tới các khu vực tác nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc hỗ trợ này đã bị ngưng lại. Thêm vào đó, chúng tôi rất bất ngờ khi rất ít người dân tại khu vực động đất có thể nói được tiếng Anh - một thách thức rất lớn trong quá trình giao tiếp thực hiện việc tác nghiệp” - Biên tập viên Tùng Lâm cho biết.
Tuy nhiên, Sencer với lòng tốt đến kỳ lạ, lại vượt 200km để đồng hành cùng đoàn công tác. Điểm đến ngày hôm đó của Tùng Lâm và cộng sự là Aatakya, thủ phủ của vùng Hatay cổ kính. Xe đi vào trung tâm thành phố, hình ảnh của những toà nhà bị đổ sập hiện ra trước mắt các anh. Tại đây, công việc đưa tin được bắt đầu một cách nhanh chóng.
Do các đoàn quốc tế đã rút về, nên toàn bộ điện nước bị cắt. Việc quay phim, viết bài, dựng video, xử lý ảnh làm hao hụt lượng pin nhanh chóng, đoàn đã phải liên hệ xin sạc nhờ các thiết bị tại các khu vực lều, trại của lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như lực lượng quân đội nước bạn.
Phan Hải Tùng Lâm đóng vai trò “all in one”, anh tận dụng mọi khoảng vắng để đọc lời bình, từ một căn lều trống kế bên, nhà vệ sinh hay trên xe ô-tô…
“Giải thưởng quý giá nhất”
Trong những ngày tất bật chuẩn bị cho chuyến công tác lịch sử, Phan Hải Tùng Lâm đã có ý tưởng về những tác phẩm mình làm sẽ là sự vươn lên, niềm tin về sự sống đang nhen nhóm và sẽ được hồi sinh mạnh mẽ sau những mất mát đau thương đã quá lớn lao.
Là người nói tiếng Anh thành thạo nhất trong đoàn, anh trao đổi với Sencer bằng tiếng Anh, Sencer nói chuyện với những người dân địa phương rồi phiên dịch lại cho anh.
10 ngày có mặt trên nước bạn, Phan Hải Tùng Lâm cùng đồng đội đã rong ruổi hàng nghìn km, gặp gỡ cả trăm người ở nhiều vùng thảm họa. Đó là những gia đình người Syria tị nạn ở vùng biên giới cực nam Thổ Nhĩ Kỳ hay nhiều gia đình bản xứ sống quần cư trong các trại tạm cư sau đại địa chấn. Có người vừa thoát chết diệu kỳ, có người đã mất đi toàn bộ người thân…
Đi tới đâu, đoàn công tác cũng nhận được những tình cảm chân thành từ chính những nhân vật của mình.
Tùng Lâm gặp gỡ, trò chuyện cùng họ, là người chủ xưởng giày lâu năm; là những em bé nhỏ với đôi mắt hồn nhiên, đi lại xung quanh anh, bắt tay anh và chào một tiếng thân thiện; là một người đàn ông già lái xe 10km từ nơi tập trung về ngôi nhà đã đổ nát, ông tìm thấy 5 con gà vẫn còn sống - một nguồn lương thực vô cùng quý giá. Ông ấy đưa ngay 1 con cho người hàng xóm của mình, với niềm hy vọng họ sẽ cùng vượt qua khó khăn một cách tích cực nhất.
“Lịch làm việc thường xuyên của cả nhóm là ăn sáng, tác nghiệp cả ngày, ăn tối, đêm sản xuất rồi truyền thông tin về nhà. Có những buổi gặp sự cố về sóng, có thành viên đã thức cả đêm để kịp phát tin vào khung giờ vàng sáng hôm sau. Mỗi người đều đặt mục tiêu mỗi ngày ít nhất có vài tác phẩm đặc sắc được đăng tải. Sức ép ấy đã được duy trì cho tới tận ngày cuối cùng khi đoàn ra sân bay trở về nước” - Phan Hải Tùng Lâm chia sẻ.
Và cứ thế, cái buốt giá đôi khi xuống đến âm độ, những vết nứt hằn trên nền bê tông chạy qua túp lều sau những lần di chấn trở nên quen thuộc, những khi mặt đất chao đảo đã không còn đáng sợ nữa.
Đi tới đâu, đoàn công tác cũng nhận được những tình cảm chân thành từ chính những nhân vật của mình. Sencer - người dẫn đường tại Hatay đã từ chối nhận thù lao ngày làm việc cuối cùng dù chiếc xe đã chạy đến hơn 1.000 km. Và chiếc bật lửa quý giá còn lại duy nhất, anh cũng đã tặng cho đoàn công tác báo Nhân Dân để nhóm bếp, nấu ăn và sưởi ấm. “Đến giờ chiếc bật lửa đó đang được đặt ở nơi trang trọng nhất tại ngôi nhà của tôi” - Biên tập viên Tùng Lâm nói.
Trong quãng thời gian ít ỏi tại hành trình, phía Đại sứ quán giới thiệu cho đoàn tác nghiệp về những phụ nữ người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong những ngày qua, họ đã rong ruổi trên mọi nẻo đường nối liền 2 châu lục lan toả và chia sẻ những tấm lòng vàng của người Việt Nam đến với những người dân trong thảm họa lịch sử.
Ngày lên máy bay về Việt Nam sau chuyến tác nghiệp đầy ý nghĩa, Phan Hoàng Tùng Lâm và cộng sự nói với nhau rằng: Chuyến công tác lần này là “Giải thưởng quý giá nhất” từ trước đến giờ trong sự nghiệp làm báo, giá trị hơn rất nhiều những danh hiệu, hiện vật, những tấm bằng khen trước kia.
“Nếu được hỏi tôi tìm thấy điều gì sau chuyến đi? Tôi thấy tôi đã tìm được những điều chạm đến trái tim. Bên trong đống đổ nát vẫn còn đó những nỗi đau… nhưng bên trên đống đổ nát là sự chia sẻ, đoàn kết, là niềm tin của một sự hồi sinh…” - Phan Hoàng Tùng Lâm chiêm nghiệm.
Theo Hoàng Anh/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/nhung-dieu-cham-den-trai-tim-trong-chuyen-tac-nghiep-lich-su-post278709.html