Khi xem video ghi lại khung cảnh bên trong máy bay của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines đang bốc cháy trên đường băng, tôi thấy khói mờ mịt, có thoáng tiếng trẻ con khóc, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nháo nhào, hỗn loạn, chen lấn, kêu thét.
Tất cả đều ngồi yên tại ghế làm theo hướng dẫn của phi hành đoàn. Bình tĩnh đến mức đáng ngạc nhiên, đáng nể. Giọng nói to duy nhất phát ra trong cabin là từ các tiếp viên đang hướng dẫn hành khách thoát hiểm.
Trong một tuyên bố chiều 3/1, giới chức Japan Airlines khẳng định chính việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khẩn cấp đã giúp cứu sống toàn bộ 379 hành khách.
Phi hành đoàn tuân thủ quy tắc xử lý sự cố khẩn cấp. Hành khách tuân thủ hướng dẫn của phi hành đoàn. Họ lần lượt rời khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy một cách trật tự. Không ai dừng lại để cố lấy hành lý xách tay. Ai cũng làm đúng trách nhiệm của mình và tất cả đều sống sót.
Có thể nói toàn bộ 379 người thoát chết trong vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy là may mắn, kỳ tích. Đúng là may mắn, nhưng trong trường hợp này, may mắn chỉ xuất hiện nhờ tất cả đều có tính kỷ luật. Chỉ cần một vài người phá vỡ cái kỷ luật đó, mọi chuyện chắc sẽ khác.
Trong khi đó, tại nhiều nước mà tính kỷ luật, trật tự không cao như ở Nhật Bản, đã có nhiều thảm họa mà người ta phải trả giá bằng rất nhiều mạng sống. Vụ giẫm đạp do đám đông chen lấn nhau tại khu phố hẹp đã khiến trên 150 người chết ở Hàn Quốc vào đêm 29/10/2022. Cũng đầu tháng đó, những cổ động viên vô tổ chức đã tràn xuống sân bóng đá ở Indonesia, gây ra vụ giẫm đạp khiến ít nhất 125 người chết…
Tại Việt Nam, may mắn là chưa ghi nhận một vụ giẫm đạp gây chết người nào dù chúng ta có rất nhiều sự kiện đông người, nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy thì là “đặc sản”.
Ví dụ như ở trên máy bay, khi phương tiện này chạy với tốc độ chầm chậm trên đường băng, sẽ có không ít người bất chấp quy tắc an toàn mà tháo dây bảo hiểm, bật dậy lấy hành lý, nhanh chân chen ra vị trí cửa xuống để chờ sẵn. Đó là lần hạ cánh bình thường, còn khi chẳng may phải hạ cánh bất thường, chắc sẽ có người chen lấn, chắc sẽ có người cố lấy chiếc vali.
Khi lái xe trên đường, người ta tranh nhau từng cm đường, thậm chí vỉa hè để đi cho nhanh. Đèn đỏ ở các ngã tư nhiều khi cũng giống đèn xanh. Người ta sẵn sàng chờ vài tiếng để mua một chiếc bánh đồng xu đang “hot”, một cốc trà chanh giã tay vị là lạ, nhưng không chờ nổi vài giây cho hết tín hiệu đèn đỏ.
Tại cửa thang máy, người ở trong chưa kịp bước ra thì người ở ngoài đã xô nhau vào.
Ở các điểm dừng xe buýt, người ta vội vã lên xe, lên cả ở cửa sau – nơi mà người muốn xuống chưa kịp xuống.
Tại các cổng trường mùa tuyển sinh, không hiếm cảnh phụ huynh xô đẩy, cãi vã để giành cho con một suất học.
Tại các lễ hội đông người, người ta chen nhau “bẹp ruột” để tranh giành một vật gì đó cầu may…
Đặc biệt là tại các sự kiện miễn phí hay giảm giá, sẽ luôn có những người bất chấp xô đẩy để vào cho bằng được.
Còn vô vàn những ví dụ khác mà chắc chắn mỗi người trong chúng ta ít nhất đã có lần rơi vào tình huống chen lấn hoặc bị chen lấn.
Có nhiều lý do mà người ta đưa ra để bao biện cho hành vi không đẹp, một phần cũng do tâm lý đám đông, nhưng gốc rễ của hành vi vẫn là vấn đề ý thức, vấn đề chấp hành kỷ luật.
Trong xã hội văn minh, văn hóa xếp hàng luôn là một điều đương nhiên, hiển nhiên, buộc phải có. Chỉ cần nhìn xem người dân có thói quen xếp hàng nơi công cộng hay không là ta có thể đánh giá được rất nhiều vấn đề của một quốc gia. Văn hóa xếp hàng thể hiện lối sống, thước đo trình độ nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật, quy định, luật pháp nơi công cộng của người dân.
Không những thế, văn hóa xếp hàng nói riêng và kỷ luật, trật tự công cộng nói chung chính là những thứ có thể cứu mạng sống trong những trường hợp khẩn cấp, mà tình huống ở Nhật Bản vừa rồi là một ví dụ dễ nhận thấy.
Người dân chen lấn, tranh giành nhau trong tục giằng bông tại lễ hội đình làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, dù nước ta may mắn chưa xảy ra một vụ chen lấn gây chết người, nhưng khi chứng kiến những sự kiện đông người hỗn loạn, ai cũng có thể nhận thấy nguy cơ, rủi ro là rất cao. Nếu không có kỷ luật nơi công cộng, sự cố có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Sau một số sự cố giẫm đạp nghiêm trọng ở một số nước, báo chí và các nhà chức trách đã bàn tới nguy cơ tương tự trong các sự kiện đông người ở Việt Nam – vốn có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ mỗi năm. Nhờ công tác tuyên truyền, nhắc nhở, tăng cường biện pháp siết chặt kỷ luật nơi công cộng, nhận thức và ý thức của nhiều người đã được nâng cao. Bên cạnh những bộ phận không nhỏ có thói quen chen lấn, vẫn có nhiều người luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định nơi công cộng.
Từ sau thời đại dịch COVID-19, thói quen giãn cách, xếp hàng chờ đợi dường như đã được củng cố mạnh hơn nhờ những biện pháp như chăng dây, kẻ vạch, kẻ ô… Hình ảnh người dân kiên nhẫn xếp hàng đã trở nên dễ bắt gặp hơn.
Đặc biệt là sau nhiều năm thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hình ảnh nơi công cộng đã dần cải thiện.
Nói rộng ra, tính kỷ luật, trật tự nơi công cộng hay văn hóa xếp hàng đều thuộc về quy tắc ứng xử nơi công cộng mà mỗi cá nhân cần xây dựng cho bản thân và người xung quanh. Kỷ luật, trật tự công cộng chính là biểu hiện tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình, đôi khi còn có tầm quan trọng cứu mạng sống.
Để hình thành thói quen đẹp nơi công cộng, các hành vi phải được giáo dục, rèn giũa hàng ngày, từ những điều nhỏ nhất và ở mọi nơi, mọi lúc.