Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Mỗi tòa soạn cần tận dụng AI để phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hơn (15/02/2024-8:26)
    Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh: “Để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách thành công, người lãnh đạo cơ quan báo chí cần dùng AI hàng ngày, câu chuyện AI cũng như câu chuyện chuyển đổi số, nó bắt nguồn từ người lãnh đạo, người lãnh đạo thích thú và thúc đẩy điều này sẽ truyền tải đến nhiều người hơn...”.

 Nhà báo Ngô Trần Thịnh là khách mời tại Hội thảo quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng ở các tòa soạn, cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí đang xây dựng theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, AI càng chứng minh được những ưu thế của nó.

Để hiểu rõ hơn về hiện trạng sử dụng AI của người làm báo, hiệu quả lâu dài cho tòa soạn như thế nào? những giá trị cốt lõi của báo chí khi tận dụng công nghệ AI ra sao...? Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng bộ phận nội dung số - Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TP.HCM để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

AI giúp nâng cao được chất lượng nội dung

+Anh đánh giá như thế nào về hiện trạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí hiện nay?

-Trong năm 2023 chúng ta thấy rằng không có cơ quan báo chí nào đứng ngoài cuộc trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động báo chí. Ở góc độ công nghệ chuyên sâu, một số cơ quan báo chí đã sử dụng AI thu thập thông tin từ nhiều nguồn, phân tích và tổ chức dữ liệu,... hay đơn giản là nhiều phóng viên sử dụng robot cho sản xuất các bài báo, thiết lập bản thảo, gợi ý tít bài. Có thể nói không ai đứng ngoài cuộc chơi này cả.

Qua các hội thảo về AI ở các nước, tôi thấy rằng AI đã tích hợp vào nhiều lĩnh vực của đời sống hàng ngày, vì thế trong báo chí chúng ta không thể nói không với AI được nữa. Cái quan trọng chúng ta sử dụng AI nào, ở vị trí nào sao cho hiệu quả, phát huy những ưu thế mà AI mang lại. Các cơ quan báo chí bảo thủ nhất vẫn thấy được những ưu điểm mà AI mang lại.

Thực hiện nhiệm vụ đó, trong thời gian qua tôi cũng được Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ giảng dạy lớp bồi dưỡng về ứng dụng AI, chat GPT trong tác nghiệp báo chí. Qua đó hướng dẫn các anh chị phóng viên cách tác nghiệp ứng dụng AI vào trong quá trình tác nghiệp hàng ngày.

+ Cũng là người làm báo, giờ truyền đạt lại cho đồng nghiệp kiến thức một lĩnh vực khá mới mẻ này, anh có thể chia sẻ rõ hơn việc bồi dưỡng về ứng dụng AI, chat GPT cho người làm báo hiện nay?

-Công cụ AI cho báo chí rất nhiều, qua lớp học tôi thấy đa số anh em báo chí cũng rất cởi mở, linh hoạt để sử dụng, họ biết áp dụng một phần vào các khâu của quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên trước lớp học mọi người vẫn chưa biết cách sử dụng sao cho thấy hiệu quả, đã tốn nhiều thời gian. Thực tế có công nghệ rồi mà sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ sẽ còn mất nhiều thời gian và tốn kém hơn.

Để giải bài toán đó, chúng tôi hướng dẫn các anh chị dùng những phần mềm miễn phí, cách sử dụng các ứng dụng dùng miễn phí. Lớp học trang bị cho anh chị những kỹ năng, cách sử dụng sao cho hiệu quả mà không tốn thời gian đi tìm hiểu. Ngay sau đó lớp học, AI được nhiều phóng viên sử dụng vào trong công việc.

Tuy nhiên AI có hai vấn đề mà mỗi nhà báo cần nắm được đó là công cụ nào sử dụng AI một cách hiệu quả nhất và sâu nhất. Sau khi phóng viên tiếp cận được, sử dụng được thì câu hỏi đặt ra là liệu phóng viên có lạm dụng AI nhiều không. Thực tế công việc của các phóng viên khá bận rộn, họ nhận thấy AI có thể làm thay mình viết kịch bản, viết bài, đặt tít... điều này nẩy sinh vấn đề lạm dụng AI để tiết kiệm thời gian. Đó là nguy cơ có thể xảy ra. Khi sử dụng AI người làm báo phải giữ được cái tâm về nghề.

 

moi toa soan can tan dung ai de phat trien nhanh hieu qua va ben vung hon hinh 2Nhà báo Ngô Trần Thịnh (đeo kính) và đồng nghiệp trước giờ lên sóng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

 

Nếu ở các trường đào tạo báo chí có hướng dẫn sinh viên sử dụng AI thì rõ ràng sau khi ra trường các bạn sẽ dễ dàng triển khai ở cơ quan báo chí mình làm việc, sẽ không phải mất thời gian làm quen ban đầu. Bên cạnh đó, bản thân những người duyệt bài ở cơ quan báo chí cũng cần hiểu và sử dụng để biết được bài viết, nội dung tác phẩm này có sử dụng AI hay không, sử dụng bao nhiêu phần trăm...? tất cả sẽ nhằm nâng cao được chất lượng nội dung cho tác phẩm.

AI khó có thể thay thế được nhà báo

+Khoảng tháng 3 năm 2023, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện phóng sự truyền hình đầu tiên được viết bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Anh đánh giá thế nào về sản phẩm đầu tiên này?

-Sản phẩm đầu tiên đó khá ổn, được phát sóng, nhưng chỉ ổn ở góc độ thông tin, mang tính thưởng thức. Tuy nhiên, để kích thích khán giả, câu view, thu hút thêm lượng bạn đọc thì chưa được. Sản phẩm đó chỉ đáp ứng đủ nội dung ở mức độ trung bình khá. Do vậy, AI khó có thể thay thế được nhà báo.

Tuy nhiên, công nghệ AI của chúng tôi sử dụng từ đầu năm 2023 đến nay vẫn luôn được cập nhật. Điều thú vị là AI đã có những tiến bộ hơn. Giờ đây, với một nội dung chủ đề nào đó, AI không chỉ tạo ra kịch bản mà còn có thể đặt các câu hỏi với khách mời, sau đó sẽ có sự trao đổi liên tục giữa AI và khách mời, nghĩa là có sự tương tác chứ không đơn điệu như trước.

Tuy nhiên, những câu hỏi của AI với khách mời còn khá “lành”, phổ thông. Do vậy, người làm báo phải điều chỉnh lại để các câu hỏi có sự hấp dẫn, khăng khít, đúng vào trọng tâm hơn. Nhìn chung, so với việc không sử dụng AI, thì việc sử dụng AI tiết kiệm được khá nhiều thời gian.

+ Sự phát triển của AI sẽ song hành cùng với các công nghệ số mới trong hoạt động báo chí truyền thông. Liệu AI sẽ tiếp tục là xu hướng mà các tòa soạn hướng tới trong năm 2024?

-Nó không còn là xu hướng nữa mà là việc đã biết và đã làm. Vừa qua, Hội Nhà báo TP HCM tổ chức lễ trao Giải Bìa báo Xuân Giáp Thìn 2024. Trong số các bìa báo đó có tác phẩm được làm bởi AI, đó là hình bìa báo về năm con rồng.

Hay đơn giản, trên fanpage của HTV hiện nay cũng thường sử dụng nhiều hình ảnh cho các mục tin tức đang được AI vẽ. HTV còn yêu cầu AI lồng ghép thêm không khí xuân vào các bức ảnh, từ đó cho ra một bức tranh theo ý muốn. Các họa sĩ chỉ chỉnh sửa một số nội dung nhỏ. Hình ảnh này cũng được in làm phong bao lì xì của HTV NewZ.

 

moi toa soan can tan dung ai de phat trien nhanh hieu qua va ben vung hon hinh 3Nhà báo Ngô Trần Thịnh đồng sáng lập chiến dịch chuyển đổi số hàng quán cùng phụ nữ khởi nghiệp tại TP HCM liên tục 3 mùa, hỗ trợ khởi nghiệp tiệm ăn online cho hơn 300 phụ nữ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

 

Đồ họa truyền hình sắp tới cũng sẽ được thiết kế bởi AI. Đồ họa cũng sẽ được AI gợi ý, BTV sẽ lựa chọn. AI sẽ làm những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại và tạo ra sản phẩm tương đối nhanh chóng. Chỉ trong vài phút có thể tạo ra sản phẩm, từ đó các BTV, họa sĩ rảnh hơn để làm những thứ mang tính chất sáng tạo hơn.

Tôi nghĩ năm 2024 sẽ không bàn về AI là gì nữa mà là làm thế nào để tích hợp sâu hơn. AI sẽ thấm sâu vào từng phóng viên, từng công đoạn. AI sẽ thấm sâu vào từng phần từng vấn đề nhỏ để tạo nên tác phẩm báo chí. Để tạo được hiệu quả mà không ảnh hưởng đến hoạt động ở cả tòa soạn, AI cũng cần dần dần thấm vào từng mảng, từng phóng viên một theo cách tự nhiên, từ từ.

Chúng tôi coi AI như một viên “kẹo nhỏ” để cho các nhân sự có thể bình tĩnh ứng dụng một cách dễ dàng và dần dần. Ở đây chúng tôi không làm một đợt phát động rộng khắp trong tòa soạn, mà sẽ để cho mỗi cán bộ phóng viên trong tòa soạn tiếp cận từng bước một. Đầu tiên có thể là một phóng viên nhà báo lâu năm. Người này sau khi được đào tạo, ứng dụng AI vào công việc để tiết kiệm được thời gian, công sức, tăng hiệu quả chất lượng công việc. Từ một cá nhân này sẽ lan tỏa đến giới trẻ. Những nhà báo lâu năm chuyển đổi thành công sẽ là nguồn cảm hứng để nhà báo trẻ vốn hiểu biết công nghệ cũng ứng dụng học theo và thành công.

Tôi lấy ví dụ, vừa rồi tôi có hướng dẫn một chị phóng viên đã có kinh nghiệm lâu năm sử dụng AI và chị đã thích sử dụng công cụ này, vì nó giải quyết được những vấn đề chị đang gặp phải. Cụ thể là việc rà soát lỗi chính tả, các văn bản không bị lỗi từ dấu chấm dấu phẩy.

Đối với ảnh minh họa, phóng viên cần ảnh về vấn đề bạo hành gia đình, ảnh minh họa cho vấn đề bình đẳng giới, AI hình ảnh đã vẽ ra loạt ảnh, cho ra lựa chọn về chủ đề đó mà không bị trùng lặp, chưa từng được sử dụng, không phải dùng ảnh với con người thật để tạo ra. Hình ảnh đó không bị vi phạm bản quyền. Thay vì nhờ họa sĩ vẽ thì AI vẽ rất kỹ, tỉ mỉ... Chỉ cần một phóng viên trong tòa soạn làm được việc này sẽ lan tỏa ra rất nhiều phóng viên khác trong tòa soạn. Từ đó chất tác phẩm báo chí sẽ dần được nâng cao.

 

moi toa soan can tan dung ai de phat trien nhanh hieu qua va ben vung hon hinh 4Tại lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VIII - Tác phẩm "Niềm vui lớn - Trọng trách lớn" của HTV đạt giải B, trong đó có đóng góp của nhà báo Ngô Trần Thịnh (thứ 2 từ phải sang). Ảnh nhân vật cung cấp

 

+Để một cơ quan báo chí, bắt đầu từ con số 0 đến sử dụng AI một cách có hiệu quả họ cần có những giải pháp gì?

-Các cơ quan báo chí chưa bắt đầu thì cần có định hướng rõ ràng, có thể bắt đầu từ tham gia các chương trình của Hội Nhà báo Việt Nam, học hỏi ở những cơ quan đi trước, những người có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với AI. Các cơ quan báo chí sẽ không phải tốn kém nhiều, không như việc thực hiện đầu tư cho một tòa soạn số. Bài toán về AI hiện đã quá tốn kém thì các tập đoàn lớn đã làm rồi, như Google, Microsoft... họ đã đưa lại những giải pháp miễn phí cho mọi người cùng sử dụng.

AI thường được sử dụng qua các phần mềm, qua các công cụ trình duyệt web, như Google Gemini, Meltwater, Google trend, Tubular Labs... tất cả không xâm nhập vào các nội dung cá nhân trên thiết bị vì thế sẽ khá an toàn và bảo mật. Tòa soạn báo và phóng viên sẽ tiết kiệm được kha khá tiền để sử dụng những công cụ miễn phí mà vẫn đảm bảo tính an toàn, giúp cho người làm công việc được nhanh hơn. Tất nhiên sẽ có những cấp độ cao hơn, phải trả phí, ví dụ như phân tích người đọc bằng AI, đó là level tiếp theo của các tòa soạn cần trả tiền.

Thực tế cho thấy, một phóng viên sử dụng AI tạo ra hiệu suất công việc gấp 2, 3 lần so với người không sử dụng. Tuy nhiên không có câu chuyện AI làm thay hay AI chiếm công việc của nhà báo, mà chúng ta vẫn luôn chủ động, phóng viên vẫn biết tự chọn lọc và dần dần AI sẽ như 1 công cụ bình thường trong đời sống báo chí, cái đó là xu hướng và được ủng hộ.

Ngoài ra, để ứng dụng AI một cách thành công, người lãnh đạo cơ quan báo chí cần dùng AI hàng ngày, câu chuyện AI cũng như là câu chuyện chuyển đổi số, nó bắt nguồn từ người lãnh đạo, người lãnh đạo thích thú và thúc đẩy điều này sẽ truyền tải đến nhiều người hơn trong cơ quan mang đến một tòa soạn AI là tòa soạn của những phóng viên dùng AI hiệu quả.

Cám ơn những chia sẻ thú vị từ anh!

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, tốt nghiệp Đại học Greenwich (London, Anh) với đồ án thuộc tốp 5 xuất sắc nhất khoa và nhận bằng thạc sĩ quản trị truyền thông ở Đại học Stirling. Không ở lại làm việc tại các công ty công nghệ nước ngoài, anh về nước vào làm phóng viên tại HTV.

Anh và các đồng nghiệp ở HTV đã dành được nhiều giải thưởng báo chí, như xuất sắc nhận Giải A - Giải Báo chí quốc gia năm 2023 và Giải Bạc - Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2023 và gần đây là giải B (thể loại phóng sự chuyên đề) Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023...

 

Các tin khác:
  • Công bố và trao giải Búa Liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023: Báo Thanh Hóa đoạt giải chuyên đề (02/02/2024-13:42)
  • Tổng kết công tác phối hợp tuyên truyền giữa Công an Thanh Hóa với các cơ quan báo chí (23/01/2024-9:31)
  • Báo Thanh Hóa không ngừng chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc (20/01/2024-16:43)
  • Báo chí góp phần nâng cao vị thế tỉnh Thanh Hoá (12/01/2024-10:43)
  • 29 tác phẩm đoạt giải báo chí Búa Liềm Vàng tỉnh Thanh Hóa năm 2023 (12/01/2024-10:35)
  • Cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo (11/01/2024-9:18)
  • Đa phương tiện hội tụ để tạo ra các giá trị đột phá - xu thế tất yếu của thời đại (11/01/2024-9:15)
  • Phát thanh truyền hình trong kỷ nguyên công nghệ: Thay đổi để tồn tại (09/01/2024-16:32)
  • Phóng viên trẻ làm phóng sự điều tra: Vượt qua thách thức, chiến thắng chính bản thân mình (04/01/2024-14:38)
  • Những điều chạm đến trái tim trong chuyến tác nghiệp lịch sử (02/01/2024-10:03)