Năm nào cũng vậy, mỗi khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc cũng là lúc xuất hiện nỗi lo nhiều người “tận dụng” giờ hành chính để tổ chức du xuân tới các lễ hội, tới đền chùa cầu may dẫn tới công việc trì trệ, bị bỏ bê, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động và hình ảnh của cơ quan, tổ chức.
Đông đảo người dân, du khách đến thắp hương, lễ Phật trong động Hương Tích. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán là dịp hiếm hoi trong năm để mọi người đoàn tụ cùng gia đình, vui vẻ, xả hơi bên người thân, bạn bè sau một năm làm việc vất vả. Người xưa đã có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và sau kỳ nghỉ lễ dài, tâm lý vui chơi hậu Tết khiến nhiều người phải loay hoay để trở lại được guồng quay công việc.
Thực tế dịp đầu năm là thời điểm nhiều lễ hội được tổ chức thu hút khách thập phương; các đền chùa là điểm đến cầu an, cầu may mắn tài lộc của mọi người dân. Đó là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, nếu cứ để tâm lý vui xuân kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến thời gian và hiệu quả làm việc; chất lượng, hiệu quả nền hành chính; tác động tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước, đồng thời khiến người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đến tác phong, lề lối làm việc của cán bộ.
Chính vì vậy, ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết…
Chỉ thị nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi…; lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Trong cuộc họp ngày 16/2 đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy các cấp trong thời gian tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng lưu ý, ngay sau nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, bảo đảm hoạt động công vụ diễn ra thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, tình trạng cán bộ, công chức các cơ quan, ban ngành ở trung ương và địa phương tận dụng những ngày đầu năm mới để tổ chức gặp gỡ, liên hoan, giao lưu mừng xuân mới, sử dụng xe công tham gia các lễ hội đầu năm đã được hạn chế rất nhiều trong những năm gần đây. Đa phần các các cơ quan, tổ chức đã tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương lao động song đâu đó vẫn còn để xảy ra hiện tượng “tham nhũng thời gian làm việc” đáng phê phán này với những phương thức tinh vi hơn khi chia thành những nhóm nhỏ và sử dụng xe cá nhân để không gây sự chú ý.
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh một cách sâu rộng tiến trình, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Đảng và Nhà nước ta đang chỉ đạo quyết liệt để từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc xoá bỏ tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, những thói quen sinh hoạt, vui chơi kéo dài sau Tết, cũng như nâng cao đạo đức công vụ, kỷ luật lao động là hết sức cần thiết để guồng quay xã hội sớm trở lại bình thường.
Chính vì vậy, ngoài việc tuân thủ các qui định của Đảng và Nhà nước, chỉ thị của các cấp lãnh đạo, thì các cơ quan, đơn vị cũng phải siết chặt quản lý, những người đứng đầu phải thể hiện vai trò đầu tàu gương mẫu và đặc biệt là mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, thay đổi nhận thức để không còn tình trạng đủng đỉnh tân niên, hội hè và dư âm nghỉ lễ kéo dài.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã qua nên được xem là thời gian nạp lại năng lượng cho những mục tiêu, khát vọng mới; khí thế đầu xuân là nguồn cảm hứng, sự khởi đầu cho tinh thần làm việc hăng say của mỗi cá nhân với quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong năm mới Giáp Thìn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com