Thanh Hoá siết chặt công tác tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí (04/03/2024-10:41)
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá vừa có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong tiếp, làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí.
Thanh Hoá tăng cường công tác tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá cho biết, những năm qua, ngoài hoạt động tác nghiệp bằng Thẻ Nhà báo theo quy định, nhiều cơ quan báo chí vẫn sử dụng hình thức cấp giấy giới thiệu cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để tác nghiệp, liên hệ công tác và yêu cầu cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ quan báo chí, người làm báo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp khi hoạt động tác nghiệp, vẫn có một số cơ quan báo chí và phóng viên, cộng tác viên đã lạm dụng, biến tướng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu (dùng đi dùng lại nhiều lần cho nhiều nội dung, nhiều cơ quan, đơn vị …); nội dung yêu cầu cung cấp thông tin ghi trên giấy giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra, vượt quá chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí.
Có một số cơ quan báo chí còn để tình trạng phóng viên, cộng tác viên sử dụng một số giấy tờ kèm theo giấy giới thiệu nhưng không phải văn bản chính thống của cơ quan báo chí, với nhiều nội dung đề nghị cung cấp thông tin. Tình trạng này gây bức xúc cho cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan; đồng thời, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành trong tiếp, làm việc và cung cấp thông tin cho báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Văn bản số 397/STTTT-TTBCXB ngày 27/02/2024 hướng dẫn một số nội dung, cụ thể như sau:
(1) Về tiếp xúc, làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí: Nhằm rút ngắn thời gian xử lý, công khai, minh bạch, tối ưu hóa các quy trình phối hợp, tương tác giữa cơ quan nhà nước với cơ quan báo chí, các cơ quan, đơn vị tăng cường tiếp nhận và ưu tiên giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin, đề nghị làm việc, phối hợp công tác của cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, kể từ ngày 01/3/2024; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, thuận tiện, nhanh chóng hơn cho các cơ quan báo chí liên hệ công tác, tác nghiệp và góp phần sớm xóa bỏ các phương thức yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác thiếu minh bạch, sai quy định.
Các cơ quan, đơn vị phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin đối với những yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy định, đúng tôn chỉ, mục đích; kịp thời xử lý các yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí theo quy định, bảo đảm cho các cơ quan báo chí tiếp cận được thông tin chính thống, chính xác; thực hiện công bố thông tin của những người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (người đứng đầu, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn) trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Khi có người giới thiệu, xưng danh là phóng viên báo chí đăng ký làm việc, thu thập thông tin, làm công tác truyền thông - quảng cáo trên báo chí, các đơn vị lưu ý thực hiện việc kiểm tra giấy tờ theo quy định, không để xảy ra hiện tượng mạo danh báo chí để thực hiện các mục đích khác, đồng thời xem xét cung cấp nội dung thông tin phù hợp với tôn chỉ, mục đích của báo, tạp chí. Cụ thể:
- Đề nghị phóng viên xuất trình Thẻ Nhà báo còn thời hạn sử dụng, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Trường hợp chưa có Thẻ Nhà báo, phải xuất trình Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, do Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập ký, kèm theo giấy tờ tùy thân để đối chiếu, xác minh. Giấy giới thiệu phải đang trong thời hạn có giá trị, ghi tên cơ quan, tổ chức được giới thiệu đến làm việc, nội dung và thời gian làm việc cụ thể.
- Trường hợp phóng viên không xuất trình được một trong hai giấy tờ nêu trên, các đơn vị, địa phương có quyền xem xét việc hợp tác hoặc từ chối cung cấp thông tin. Trường hợp có dấu hiệu mạo danh, ép buộc, sách nhiễu thì báo với cơ quan công an hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để xác minh.
Lưu ý: Các loại giấy tờ khác, như: Thẻ phóng viên, thẻ hội viên, thẻ công tác, thẻ ra vào cơ quan báo chí, thẻ cộng tác viên… không có giá trị thay thế Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu khi tác nghiệp báo chí (theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3366/BTTTT-CBC ngày 28/9/2016). Trường hợp cần thiết, có thể sao chụp, đối chiếu các loại thẻ nói trên với Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp (mẫu thẻ được công bố kèm theo Quyết định số 2279/QĐ-BTTTT ngày 23/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) để phân biệt, tránh nhầm lẫn.
- Khi chưa có thông tin đầy đủ và chính xác để cung cấp theo đề nghị của phóng viên, người có thẩm quyền phát ngôn của đơn vị, địa phương chủ động sắp xếp lịch làm việc cụ thể để cung cấp thông tin trực tiếp hoặc qua các hình thức khác; tăng cường tiếp nhận và ưu tiên giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin, đề nghị làm việc, phối hợp công tác của cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia... Việc sắp xếp lịch phải đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.
- Sao chụp lại Thẻ Nhà báo hoặc giấy giới thiệu và các giấy tờ, thông tin liên quan để lưu hồ sơ công việc, phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
(2) Công tác phản hồi báo chí: Các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm thông tin báo chí phản ánh liên quan đến lĩnh vực, địa phương phụ trách để tham mưu xử lý và thực hiện việc phản hồi thông tin. Trong đó:
- Khi thông tin báo chí phản ánh khách quan, đúng thực tế, đơn vị, địa phương cần tiếp thu để khắc phục những sai sót, khuyết điểm. Đồng thời, có văn bản phản hồi tiếp thu nội dung mà cơ quan báo chí đã phản ánh (cùng gửi Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, theo dõi); kịp thời cung cấp kết quả xử lý các vấn đề báo chí nêu cho cơ quan báo chí đã phản ánh. Đối với những vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian giải quyết thì cung cấp thông tin xử lý ban đầu và dự kiến nội dung các công việc sẽ thực hiện trong thời gian tới cho cơ quan báo chí.
- Khi các đơn vị, địa phương có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, đơn vị thì có quyền gửi ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông), hoặc khởi kiện tại Tòa án theo Điều 43 của Luật Báo chí năm 2016.
Trích yếu văn bản gửi cơ quan báo chí ghi rõ “Phản hồi thông tin báo nêu”; nội dung văn bản không được vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín của cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả, tác phẩm báo chí.
(3) Về quảng cáo trên báo chí:
- Quảng cáo trên báo chí là nhu cầu chính đáng của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được pháp luật quy định. Nếu hai bên có nhu cầu và thỏa thuận được việc quảng cáo, đăng bài viết thì thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có nhu cầu thì có quyền từ chối quảng cáo hoặc các dịch vụ truyền thông tương tự.
- Khi thực hiện quảng cáo phải có xác định rõ nội dung, lựa chọn đơn vị phù hợp để thực hiện đúng quy trình, không vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo.
- Trong trường hợp có người xưng danh là phóng viên báo chí đăng ký làm việc (qua điện thoại, email, văn bản...) để làm công tác truyền thông, quảng cáo thì cần kiểm tra giấy tờ theo quy định để tránh trường hợp mạo danh, lừa đảo.
(4) Cảnh giác đối với các hành vi giả mạo phóng viên báo chí, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để trục lợi: Trong quá trình làm việc với phóng viên hoặc người tự xưng là phóng viên, nếu có dấu hiệu nghi vấn nhân danh, mạo danh báo chí để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cần báo ngay cho cơ quan Công an hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xác minh, xử lý theo quy định.
Trường hợp cần hỗ trợ, liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ:
- Địa chỉ: Tầng 6 -Tòa nhà Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa, Đại lộ Nam Sông Mã, phố Ái Sơn 2, P. Đông Hải, TP. Thanh Hóa.
- Số điện thoại liên hệ: Phòng Quản lý Thông tin - Báo chí - Xuất bản (gặp Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng, điện thoại: 0904.569776; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên, điện thoại: 0912.162699). Hoặc có thể phản ánh qua đường dây nóng của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông: ĐT: 0865.282828; email: duongdaynongbaochi@mic.gov.vn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com