Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Thời gian gần đây, nhiều Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, bị khai trừ khỏi Đảng, thậm chí vướng vào vòng lao lí; đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Mới đây nhất, trong phiên họp ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Bà Lan đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Ngày 20/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Bình. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng với ông Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, tháng 1/2024, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị khai trừ ra khỏi Đảng sau khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tháng 10/2023, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cũng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng do giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Ông Thọ sau đó bị khởi tố, tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” trong vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Tháng 10/2022, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị khai trừ khỏi Đảng, sau đó lĩnh án tù liên quan đến vụ Việt Á. Tháng 7/2021, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, sau đó nhận án 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm bị xử lý đã được nêu công khai, minh bạch, không giấu giếm. Trong bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu… Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói “là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng”. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm.
Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây".
Việc xử lý cán bộ, đảng viên, tổ chức, kể cả cán bộ cấp cao vi phạm cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, tiếp tục khẳng định “không có vùng cấm” trong xử lý các sai phạm; được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên “thoái hoá, biến chất”, loại bỏ những “ung nhọt” cũng để các cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”; để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin tưởng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, các phần tử xấu, cơ hội, các thế lực thù địch nhân những vụ việc như thế này sẽ lợi dụng “khuyết điểm” để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Thâm độc hơn, còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn để kích động, chia rẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm giảm uy tín của Đảng.
Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thật sự công tâm, tỉnh táo, không để bị lợi dụng. Đặc biệt, trong những lúc “gió lớn, sóng cả”, càng phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng; đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc của Người: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Khi toàn dân ta quyết chí, đồng lòng, giữ vững niềm tin, đoàn kết nhất trí, triệu người như một, cùng Đảng tạo thành một khối thống nhất, thì không có bất cứ thế lực thù địch nào có thể lợi dụng hay chen chân vào phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng và nhân dân ta đã dày công gìn giữ.
Theo Xuân Phong/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/goc-nhin/giu-vung-niem-tin-su-doan-ket-trong-dang-20240321224047192.htm