Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Nỗi ám ảnh mùa hè (08/05/2024-9:56)
    Năm nào cũng vậy, mỗi khi hè về tình trạng đuối nước ở học sinh lại gia tăng và trở thành nỗi lo ám ảnh các phu huynh và gia đình, cũng như xã hội.

 Lực lượng chức năng tìm kiếm hai em nhỏ đuối nước ở chân cầu Hiệp Thanh, Uông Bí. Ảnh: TTXVN phát

Quả vậy, mùa hè khi thời tiết nóng nực và học sinh không còn phải đến trường thì ở nhiều địa phương các em vẫn có thói quen rủ nhau ra các khu vực ao hồ, sông ngòi bơi lội. Tuy nhiên, do thiếu những kỹ năng cần thiết khi rơi vào những tình huống bất ngờ nhiều em đã không thể tự xử lý được và dẫn tới tai nạn đuối nước. Ngoài ra, còn có những trường hợp các em đi cùng gia đình nghỉ mát ở các bãi biển nhưng lại thiếu sự giám sát của người lớn nên cũng dễ xảy ra những vụ việc thương tâm.

Trong thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đuối nước hết sức đau sót như vụ một nhóm học sinh lớp 7 ở xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cùng nhau ra ao tắm và 1 em không biết bơi đã bị hụt chân dẫn tới đuối nước. Trước đó, hồi cuối tháng 3 hai em học sinh lớp 6 ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng mất tích khi ra khu vực một con đập trên địa bàn tắm và thi thể chỉ được tìm thấy sau đó 1 ngày.

Gần đây nhất, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cũng ghi nhận một loạt các vụ đuối nước liên quan tới trẻ em như tại Hà Nam xảy ra hai vụ đuối nước làm 4 thanh, thiếu niên thiệt mạng tại xã Liêm Tuyền, Phủ Lý và xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; 3 học sinh bị đuối nước tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; hai em nhỏ tử vong khi tắm sông tại chân cầu Hiệp Thanh, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong 10 năm qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Mặc dù có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó một phần là do nhiều em không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thậm chí, cho dù có những em biết bơi nhưng do chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của địa hình sông ngòi, những hố sâu, dòng chảy phức tạp.

Cùng với đó, cũng cần phải lưu ý tới sự thiếu sát sao, giám sát của người lớn đối với hoạt động của trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, để chúng tự do vui chơi tại những khu vực có ao hồ, sông ngòi.

Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn có những nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như các công trình, các khu vực đào bới khai thác đã để lại các hố sâu ngập nước mà không có rào hoặc biển cảnh báo khiến cho trẻ em với bản tính hiếu động, nghịch ngợm có thể gặp nguy hiểm.

Chú thích ảnh

Trước thực trạng trên, cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và bản thân trẻ em về phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và gia đình.

Cơ quan chức năng cũng nên có kế hoạch rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước như ao, hồ, sông ngòi, khu vực nước sâu, nguy hiểm, các công trình xây dựng đang thi công... để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Đối với các bậc phụ huynh, cần nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người lớn đi cùng trông nom.

Việt Nam đã phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Cứ đến tháng 5 hằng năm, các bộ ngành liên quan và các địa phương đồng loạt phát động toàn dân tập luyện bơi. Các trường học cũng tích cực dạy kỹ năng bơi cho học sinh. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, trường nào cũng có điều kiện để dạy kỹ năng sinh tồn quan trọng này. Do đó, trách nhiệm hàng đầu vẫn thuộc về các bậc phụ huynh và gia đình và chỉ có như vậy thì mới có thể phần nào hạn chế được những tai nạn thương tâm liên quan đến đuối nước ở trẻ em.

Theo Hoài Nam/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước (02/05/2024-10:43)
  • Cuộc chiến không khoan nhượng, không chùn bước - Bài 3: Luận điệu xảo trá, mưu đồ nham hiểm (29/04/2024-12:07)
  • Cuộc chiến không khoan nhượng, không chùn bước - Bài 2: Sức mạnh của 'trên dưới đồng lòng' (29/04/2024-11:57)
  • Cuộc chiến không khoan nhượng, không chùn bước (29/04/2024-11:53)
  • Hành động sớm (29/04/2024-11:37)
  • Mong một ‘cú huých’ để có ‘xã hội đọc sách’ (16/04/2024-15:37)
  • Bịt lỗ hổng cháy nổ ngay lập tức (29/03/2024-12:33)
  • Giữ vững niềm tin, sự đoàn kết trong Đảng (23/03/2024-21:11)
  • Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam - Bài 4: Câu trả lời cho những vu cáo lạc lõng (14/03/2024-5:32)
  • Bóc trần luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam - Bài 3: Nhất quán, ưu việt trong tự do tôn giáo (12/03/2024-10:01)