Trong khi vụ cháy nhà nhiều căn hộ (thuờng gọi là chung cư mini) trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người mất đi sự sống vẫn còn ám ảnh thì mới đây, đêm ngày 24/5, khu nhà trọ ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy làm 14 người tử vong lại khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót, sợ hãi.
Cũng giống như các vụ cháy thương tâm trước đó, khu nhà trọ nằm sâu trong con ngõ nhỏ, xe cứu hoả không thể tiếp cận được. Hơn nữa, khu nhà này thực chất là ngôi nhà ở kết hợp cho thuê trọ, trong đó tầng một kinh doanh xe đạp điện và sửa chữa xe điện. Khi đám cháy bùng lên đã bao trùm, chặn lối thoát duy nhất là cửa ra vào, chỉ có 6 người may mắn sống sót.
Liên quan vụ cháy nghiêm trọng này, chiều 25/5, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng có công điện yêu cầu rà soát toàn bộ cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6.
Sau mỗi vụ cháy thảm khốc, các vụ việc nhanh chóng được điều tra, khởi tố hình sự. Các cơ quan chức năng cũng rốt ráo cảnh báo nguy cơ cháy nổ, tổ chức diễn tập, rà soát, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các khu vực, loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Tưởng rằng, sau những lần vào cuộc rốt ráo như thế của các ngành chức năng thì sẽ ngăn chặn được các vụ hoả hoạn thảm khốc. Nhưng các vụ việc đáng tiếc vẫn tiếp tục xảy ra.
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Trong báo cáo của Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy năm 2023 gửi tới Thủ tướng mới đây cho thấy, với nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, qua kiểm tra gần 178.200 lượt cơ sở, phát hiện khoảng 101.700 lượt cơ sở (chiếm 57,1%) còn tồn tại vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, điện lực.
Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (61,2%), số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.016 vụ cháy (chiếm 29,5%). Các vụ cháy do sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Nhiều nguyên nhân của tình trạng trên đã được chỉ ra, trong đó có việc tại các địa phương, nhất là ở đô thị lớn, nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất kinh doanh... trong khi không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều người lao động, trong cuộc mưu sinh vất vả, cơ hội mua nhà nhất là ở những thành phố lớn ít, việc tìm nhà trọ dù biết có nguy cơ cháy nổ cao nhưng với thu nhập ít ỏi nên rất dễ “thoả hiệp” với chủ nhà, bỏ qua các tiêu chuẩn, quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Việc kiểm tra, giám sát phòng cháy, chữa cháy của các cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ, nhất là với các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ. Trở lại vụ hoả hoạn ở phố Trung Kính, trong đợt kiểm tra gần đây nhất (cách đây khoảng hai tháng) cơ sở kinh doanh này đã bị đưa vào diện có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ do không đáp ứng được các điều kiện về phòng cháy và đã có khuyến cáo. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao cơ sở này vẫn được hoạt động khi không đáp ứng được yêu cầu phòng cháy mà lẽ ra phải tạm dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong vi phạm?
Việc trang bị, lắp đặt các thiết bị phòng cháy, chữa cháy với từng loại nhà, công trình xây dựng cũng chưa được thực hiện nghiêm. Trong khi đó, điều này đã được quy định rất rõ. Theo đó, với công trình là nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên bắt buộc phải có thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Các công trình quy mô nhỏ hơn không cần xin thẩm duyệt nhưng được khuyến khích chấp hành phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh, cho thuê.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn lơ là, chủ quan trong thực hiện phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù sau mỗi vụ cháy, nhiều người dân thấp thỏm lo âu, bất an, tìm cách mua sắm vật dụng phòng cháy để phòng vệ (mà cuộc đua mua sắm đó có lúc vô tình đẩy giá các loại thang dây, mặt nạ phòng độc, bình cứu hoả… lên cao và khan hàng). Nhưng một thời gian ngắn, khi nỗi lo lắng từ các vụ cháy đã qua đi thì không ít người lại thờ ơ, thậm chí trở nên chủ quan, coi “hoả hoạn mới chỉ cháy tới nhà hàng xóm, chứ chưa tới nhà mình”.
Để công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả thực chất, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, rà soát kỹ các cơ sở có nguy cơ cháy cao, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao. Kịp thời phát hiện, đặc biệt là phải xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Việc phòng cháy, chữa cháy cần phải thực hiện liên tục, bằng nhiều biện pháp chứ không phải cứ sau mỗi vụ cháy lại rầm rộ ra quân, nhưng rồi mọi việc vẫn như “đánh trống bỏ dùi”, xử lý không dứt điểm, dẫn tới các vụ việc cháy nổ quá đau lòng vẫn tiếp tục diễn ra.
Công tác phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, không phải chỉ riêng của cơ quan quan lý hay các bộ, ban, ngành liên quan. Mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ hơn về công tác phòng cháy, chữa cháy, tránh để rơi vào thế bị động “mất bò mới lo làm chuồng”. Việc phòng cháy, không đơn giản chỉ là mua đủ các vật dụng thoát hiểm để sẵn trong nhà, mà còn trang bị cho mình kỹ năng sử dụng. Với những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như tại khu dân cư đông đúc, nhà trọ, cơ sở kinh doanh…, phải coi việc phòng “giặc lửa” là liên tục, cấp bách.
Căn cơ hơn, để góp phần giải quyết tận gốc của vấn đề, cần giải quyết triệt để tình trạng nhà trọ tự phát. Người lao động, nhất là những lao động khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận để thuê – mua với các dự án nhà ở xã hội.
Việc phòng cháy, chữa cháy cần cả những giải pháp vừa tình thế, vừa lâu dài, không thực hiện nửa vời. Trong mọi trường hợp “phòng cháy” vẫn tốt hơn “chữa cháy” để hạn chế thấp nhất các vụ việc đau lòng, đáng tiếc có thể xảy ra.