Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Cục An toàn thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến mới (27/05/2024-9:59)
    Ngày 26/5, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông) ra thông báo về 5 hình thức lừa đảo trực tuyến nổi bật, trong đó có tạo gian hàng ảo trên sàn thương mại điện tử để lừa đảo; lừa "ứng tiền thanh toán hộ"; Cảnh báo chiêu lừa xuất khẩu lao động sang Australia làm nông nghiệp; đánh cắp thông tin khi dùng dịch vụ làm hộ chiếu trên mạng...

 Tội phạm mạng gia tăng lợi dụng YouTube để lừa đảo. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Cục An toàn thông tin nhận định, lừa đảo trực tuyến đang gia tăng nhanh chóng, với các hình thức, thủ đoạn luôn có sự thay đổi, đan xen cũ - mới và ngày càng tinh vi hơn. Nhiều nhóm lừa đảo còn tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện.

Trong nội dung "Điểm tin tuần" từ ngày 20/5 đến 26/5, Cục An toàn thông tin cập nhật 6 thông tin nổi bật về nguy cơ mất an toàn thông tin, lừa đảo trực tuyến:

Tạo gian hàng ảo trên sàn thương mại điện tử để lừa đảo

Một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử vừa bị Công an Phú Thọ bắt giữ. Nhóm này đã tạo ra các gian hàng ảo trên sàn Shopee để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp này thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.

Kịch bản lừa đảo gồm nhiều công đoạn, từ lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn, tìm mã giảm giá, cho đến áp mã giảm giá và đặt đơn mua hàng ảo, thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả nhằm lừa Shopee chuyển tiền khuyến mãi.

Mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa "ứng tiền thanh toán hộ"

Một phụ nữ sống trên địa bàn quận Tây Hồ vừa bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng, thông qua thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ để nhận hoa hồng. Cụ thể, đối tượng lừa đảo mời nạn nhân ứng tiền thanh toán đơn hàng hộ công ty để được nhận tỷ lệ hoa hồng. Sau khi nạn nhân bị lừa đặt cọc thanh toán hộ với số tiền lớn, đối tượng đưa ra nhiều lý do để nạn nhân không rút được tiền hoặc muốn rút ra thì phải đóng thêm tiền.

Cảnh báo chiêu lừa xuất khẩu lao động sang Australia làm nông nghiệp

Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia hồi tháng 3 đã ký kết kế hoạch thực hiện bản ghi nhớ giữa 2 chính phủ Việt Nam và Australia về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo ‘Chương trình PALM’. Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh doanh nghiệp được Chính phủ chọn để thu tiền của người lao động không đúng quy định, có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Cảnh báo nguy cơ bị đánh cắp thông tin khi dùng dịch vụ làm hộ chiếu trên mạng

Gần đây, trên Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm đăng các bài giới thiệu về ‘Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh’, ‘Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội’ với mức chi phí cao hơn nhiều so với lệ phí theo quy định. Trong tờ khai cấp hộ chiếu, các đối tượng không ghi số điện thoại người dân mà ghi số điện thoại của chúng hoặc ghi sai địa chỉ thường trú nhằm cản trở việc cán bộ quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ. Đến khi không được nhận hộ chiếu, người dân liên hệ Phòng quản lý xuất nhập cảnh mới biết hồ sơ của mình chưa được bổ sung để xử lý. Đáng chú ý, một số đối tượng còn lợi dụng việc này để đánh cắp thông tin cá nhân nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Tội phạm mạng gia tăng lợi dụng YouTube để lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin, thông tin từ Avast Threat Intelligence đã cho thấy, lừa đảo trên nền tảng mạng xã hội YouTube đang ngày một phổ biến với những thủ đoạn tinh vi. Trong đó, thủ đoạn được dùng nhiều trên YouTube là tạo dựng những nội dung giả mạo. Nội dung lừa đảo đáng chú ý gần đây là những video Deepfake để mạo danh người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Đối tượng dùng AI để giả mạo giọng nói, quảng bá và dẫn dụ mọi người sử dụng những dịch vụ chứa mã độc.

Mạo danh hãng FedEx để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một phụ nữ sống tại Karnataka (Ấn Độ) mới đây đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo liên quan tới dịch vụ vận chuyển FedEx. Mạo danh nhân viên FedEx, đối tượng lừa đảo gọi thông báo nạn nhân có 1 kiện hàng chứa hàng cấm được vận chuyển tới Đài Loan (Trung Quốc) và đang bị giữ tại sân bay Mumbai. Sau đó, nạn nhân còn nhận tiếp cuộc gọi từ kẻ mạo danh tự xưng là cảnh sát thông báo với nạn nhân sẽ tiến hành lệnh bắt giữ khẩn cấp. Dưới sự thúc ép dồn dập của những kẻ lừa đảo, chỉ trong vòng 2 ngày người này đã bị lừa mất hơn 10 triệu rupee, tương đương khoảng 3 tỷ đồng.

Từ trường hợp kể trên, Cục An toàn thông tin lưu ý người dùng tại Việt Nam cũng cần cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, tỉnh táo để nhận ra các dấu hiệu bất thường có nguy cơ lừa đảo. Người dân cần bình tĩnh, xác minh danh tính đối tượng bằng nhiều cách khác nhau, trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

 

Các tin khác:
  • Đã thật sự vì con trẻ? (27/05/2024-9:43)
  • Tăng cường quản lý hoạt động bán hàng khuyến mại “trá hình” (25/05/2024-22:01)
  • Ứng xử văn minh trên môi trường mạng (16/05/2024-20:20)
  • Đi tìm lời giải cho bài toán bảo đảm an toàn thực phẩm- Bài 1: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ thói quen ăn uống tùy tiện (16/05/2024-20:09)
  • Cảnh báo mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lừa đảo (16/05/2024-20:01)
  • Công ty CP Dạ Lan đoạt giải Nhất tại cuộc thi Đầu bếp Vàng năm 2024 (15/05/2024-7:52)
  • Sự ám ảnh ở thời điểm tưởng như an toàn nhất (13/05/2024-8:09)
  • Mạng xã hội là ảo nhưng “sức công phá” là thật (09/05/2024-8:39)
  • Tỉnh táo thoát “bẫy” lừa đảo (04/05/2024-15:30)
  • Cảnh báo thủ đoạn giả danh công an hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID để chiếm đoạt tài sản (02/05/2024-11:44)