Thứ sáu, ngày 22/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Cảm hứng giữ bạn đọc (03/06/2024-14:11)
    Những đứa trẻ chẳng biết đi đâu trong những ngày hè? Câu trả lời là hãy đưa chúng đến thư viện. Kinh nghiệm quản lý con trẻ thông qua việc làm thẻ thư viện cho những đứa trẻ đã được nhiều gia đình áp dụng từ mấy năm nay.

Đến thư viện trẻ được an toàn, được sống trong thế giới sách, báo. Nhưng chẳng lẽ khi mà chúng chẳng biết đi đâu cả khi người lớn vắng nhà, nên đành chọn thư viện hay sao? Vì lý do ấy thì thật buồn cho thư viện. Thư viện không thể trở thành nơi trông trẻ bất đắc dĩ như thế được.

Việc có thẻ bạn đọc thư viện trong những ngày hè một thời gian dài là sự chờ mong của nhiều đứa trẻ. Đến thư viện, những đứa trẻ sẽ được đọc những cuốn sách mà chúng thích. Thường những cuốn sách quý, sách đắt tiền chỉ có ở nhà sách và thư viện. Mà ở nhà sách thì không phải đứa trẻ nào cũng có thể tiếp cận được. Vì thế, đến thư viện là dịp không gì tốt bằng để bổ sung kiến thức và giải trí thông qua việc đọc những cuốn sách yêu thích. Có rất nhiều đứa trẻ từng “sống” cùng thư viện. Chúng ngồi chờ thư viện mở cửa và tiếc nuối khi hết giờ.

Thư viện đã dần mất vị trí khi văn hóa đọc có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sách số, mạng internet và các thiết bị cầm tay đã làm thay đổi thói quen đọc sách của con người, gồm cả những đứa trẻ. Rất nhiều thư viện được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Nhưng sự thay đổi ấy chưa thể làm thay đổi thói quen đọc sách. Bạn đọc vắng dần, nhiều người ví thư viện là tu viện.

Những ngày này, thư viện đông đúc khác thường. Phần vì những đứa trẻ vừa nghỉ hè, muốn thức lại thói quen đọc sách. Phần nữa vì nhiều học sinh cuối cấp cần không gian yên tĩnh để ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Không nhiều người tin là những đứa trẻ ấy sẽ trở lại thư viện sau khi chúng thi xong. Bởi khi ấy chúng có còn phải học đâu mà cần đến không gian như thư viện.

Những đứa trẻ đến thư viện, dù lý do gì đi chăng nữa, cũng có nghĩa là chúng còn nhìn ra ích lợi của thiết chế này. Những người làm công tác thư viện hãy bằng cách nào đó lan tỏa, nhân lên văn hóa đọc, tinh thần yêu sách trong tâm hồn những đứa trẻ, để chúng thấy hết sự cần thiết của thư viện, và trở lại sau thi.

Thư viện không chỉ đơn giản là kho sách. Hãy biến thư viện thành một điểm đến, ở đó có thể cung cấp cho bạn đọc nhiều tiện ích khác ngoài sách. Để thực hiện điều đó, thư viện có thể liên kết mở ra các dịch vụ được phép theo quy định của pháp luật. Những năm gần đây một thiết chế văn hóa tương đồng là bảo tàng đã nỗ lực đổi mới, đa dạng hình thức tiếp cận để thu hút khách. Đó là cảm hứng để thư viện thoát khỏi sự lệ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách, có biện pháp giữ bạn đọc cho mình.

Theo Tuệ Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử

https://baothanhhoa.vn/cam-hung-giu-ban-doc-215710.htm

 

Các tin khác:
  • Dạy trẻ cách thoát hiểm khi xe ôtô bị khóa (02/06/2024-9:44)
  • Cục An toàn thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến mới (27/05/2024-9:59)
  • Đã thật sự vì con trẻ? (27/05/2024-9:43)
  • Tăng cường quản lý hoạt động bán hàng khuyến mại “trá hình” (25/05/2024-22:01)
  • Ứng xử văn minh trên môi trường mạng (16/05/2024-20:20)
  • Đi tìm lời giải cho bài toán bảo đảm an toàn thực phẩm- Bài 1: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ thói quen ăn uống tùy tiện (16/05/2024-20:09)
  • Cảnh báo mạo danh Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lừa đảo (16/05/2024-20:01)
  • Công ty CP Dạ Lan đoạt giải Nhất tại cuộc thi Đầu bếp Vàng năm 2024 (15/05/2024-7:52)
  • Sự ám ảnh ở thời điểm tưởng như an toàn nhất (13/05/2024-8:09)
  • Mạng xã hội là ảo nhưng “sức công phá” là thật (09/05/2024-8:39)