Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội (03/06/2024-14:21)
    Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trình bày Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Đồng thời, tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… Chương trình được thực hiện trong 11 năm (từ 2025 đến 2035), chia làm 3 giai đoạn, gồm giai đoạn năm 2025, 2026-2030 và 2031-2035.

Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, đó là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Cùng với đó là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Về mục tiêu của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Cụ thể, về mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều; trong đó, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại, có những nội dung là mục tiêu cụ thể.

Về các mục tiêu cụ thể, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, các mục tiêu cụ thể cần hướng đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát, bảo đảm tính khả thi, phù hợp hơn với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, sẽ xây dựng các giải pháp và xác định nguồn lực, tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu.

Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và có số liệu đầy đủ về hiện trạng; bổ sung nhận định làm cơ sở đề xuất hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu; bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình.

Về cơ chế, giải pháp thực hiện Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình Chính phủ đã đề xuất. Ủy ban đề nghị, cần cụ thể hóa về nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện đối với giải pháp hoàn thiện thể chế; xác định rõ hơn nữa các giải pháp huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của địa phương, có sự phân định một số nhóm địa phương khác nhau; cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa; xác định rõ một số nội dung, nhiệm vụ tập trung ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị, cần cụ thể hóa về nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện đối với giải pháp hoàn thiện thể chế; xác định rõ hơn nữa các giải pháp huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của địa phương, có sự phân định một số nhóm địa phương khác nhau; cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa; xác định rõ một số nội dung, nhiệm vụ tập trung ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội.

Theo Đỗ Bình (TTXVN)/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/thoi-su/de-van-hoa-thuc-su-tro-thanh-nen-tang-tinh-than-vung-chac-cua-xa-hoi-20240603114650901.htm

 

 

Các tin khác:
  • Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (03/06/2024-14:14)
  • Những sự kiện nổi bật trong tuần từ 27/5 đến 02/6/2024 (02/06/2024-9:24)
  • Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 (23/05/2024-8:24)
  • Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài cuối): “Phòng” từ cơ chế hay từ mỗi cán bộ (23/05/2024-8:20)
  • Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 2): Cái giá của lòng tham (23/05/2024-8:17)
  • Quy định chặt chẽ để tránh xử lý oan sai với người không uống bia, rượu tham gia giao thông (23/05/2024-8:06)
  • Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng (21/05/2024-9:26)
  • Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 1): Khi chức vụ đi tìm vụ lợi (21/05/2024-9:15)
  • Xã luận: Niềm tin vững chắc (20/05/2024-8:45)
  • Quê hương trong trái tim Bác Hồ (20/05/2024-8:38)