Gia đình chị Nguyễn Thị Mai, thôn Phúc Lộc, xã Hoằng Lộc nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Gia đình anh Lê Huy Thống, chị Nguyễn Thị Mai (thôn Phúc Lộc, xã Hoằng Lộc) không những gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương mà còn là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương nhiều năm liên tục. Đó là lời nhận xét của bí thư chi bộ thôn Phúc Lộc Bùi Khắc Hưng về gia đình anh Thống, chị Mai. Tại đây, nhiều người đều khen ngợi gia đình anh chị hạnh phúc, gương mẫu, no ấm, có con cái học giỏi tiêu biểu của trường.
Trò chuyện cùng các thành viên trong gia đình chị Mai, chúng tôi càng hiểu thêm về giá trị của gia đình. Anh chị sinh ra và lớn lên trong gia đình luôn xem trọng việc xây dựng và gìn giữ nền tảng của gia đình. Những điều đó đã trở thành hành trang vững chắc để anh Thống, chị Mai từng bước xây dựng tổ ấm của riêng mình một cách no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nêu gương bố mẹ, chị Mai luôn làm gương cho các con noi theo, các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, chia sẻ, tôn trọng nhau, con cái chăm học, bố mẹ hăng say lao động, cống hiến.
Chị Mai chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt tình yêu thương lên trước cùng với sự tôn trọng lẫn nhau để duy trì và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, gia đình tôi luôn duy trì bữa cơm đầy đủ các thành viên và xem đây là quãng thời gian quan trọng trong ngày để các thành viên chia sẻ và gắn kết. Đối với các con, ngoài cho các con tình yêu thương, sự tôn trọng, vợ chồng tôi còn định hướng mục tiêu học tập, tương lai cho con, luôn theo sát, đồng hành như những người bạn để các con chia sẻ”.
“Cùng với trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đơn vị, trường học với mong muốn góp sức nhỏ của mình cho địa phương phát triển”, chị Mai cho biết thêm.
Với những điều cốt lõi luôn được duy trì, gìn giữ trong gia đình Việt: yêu thương, tôn trọng, sẻ chia, gắn kết, gia đình chị Mai đã trở thành gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Từ đó, hình thành những cá nhân gương mẫu, tiêu biểu cho xã hội, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình ra toàn xã hội, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, bền vững.
Chị Lê Thị Ngọc Dung, công chức văn hóa xã Hoằng Lộc cho biết, việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh luôn được địa phương, các hội, đoàn thể và các gia đình, cá nhân quan tâm thực hiện thông qua nhiều phong trào, mô hình như: xây dựng gia đình văn hóa, gia đình phát triển bền vững, phòng chống bạo lực gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan... Thông qua các phong trào, hoạt động, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn xã luôn đạt kết quả cao. Đến nay, toàn xã có 1.440/1.650 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 87,2%); 100% thôn văn hóa.
Không chỉ riêng xã Hoằng Lộc mà việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa những năm qua luôn đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, toàn huyện có 54.485/61.270 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 89%); có 50.083/61.270 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục (đạt 82%). 226/234 khu dân cư văn hóa (đạt 93%). Tình trạng bạo lực gia đình không phát sinh. Các gia đình tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào của địa phương. Người dân được tuyên truyền thường xuyên kiến thức về hôn nhân, gia đình, ứng xử trong gia đình, cách chăm sóc các thành viên trong gia đình... Các mô hình, câu lạc bộ liên quan đến gia đình được các phòng, ban, hội đoàn thể quan tâm duy trì và nhân rộng.
Có được kết quả đó, huyện Hoằng Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác gia đình, bình đẳng giới hằng năm. Trong đó chú trọng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, kỹ năng ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương, hội đoàn thể thực hiện tốt các phong trào, hoạt động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; thực hiện nếp sống văn minh, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục của địa phương.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình và nhiều giá trị truyền thống của gia đình đã và đang đứng trước không ít thách thức và biến động khó lường. Việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một nhiệm vụ cần được quan tâm thực hiện. Bởi, gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc thì xã hội và địa phương mới phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Do đó, để phát huy những kết quả đạt được, huyện Hoằng Hóa cần tiếp tục phát huy vai trò của toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Theo Bài và ảnh: Thùy Linh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/diem-sang-xay-dung-gia-dinh-no-am-tien-bo-hanh-phuc-van-minh-216332.htm