Thứ hai, ngày 16/09/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Báo chí kiến tạo giải pháp - hành trình tìm lại những giá trị đích thực của chính mình (12/06/2024-8:57)
    Trong những ngày tháng 6 nhiều ý nghĩa, nhà báo Nguyễn Xuân Hải – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện cởi mở, sâu sắc xung quanh báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, báo chí xác tín thông tin, hướng đến sự chuyên nghiệp và nhân văn...

 Nhà báo Nguyễn Xuân Hải – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh trao đổi tại Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024 trong vai trò là Diễn giả. Ảnh: Quang Hùng

Vai trò định hướng dư luận là khách quan, tất yếu và không thể thay đổi của báo chí

+Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về báo chí kiến tạo giải pháp và đích đến của báo chí hiện đại là gì?

-Báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp hay báo chí truyền cảm hứng… thực chất là hành trình tìm lại những giá trị đích thực của chính mình. Mặt trái của cơ chế thị trường với những bon chen nghiệt ngã và chao chát đồng tiền, sự bành trướng mạnh mẽ của mạng xã hội, sự lên ngôi của công nghệ số… đặt báo chí truyền thống trước những thử thách sống còn: Hoặc là vượt lên khẳng định giá trị đích thực của một nền báo chí cách mạng nhân văn vốn có bằng sự chuyên nghiệp và hiện đại tất yếu hoặc rơi vào vòng xoáy của thương mại hoá, lá cải hoá và trục lợi thông tin. Đó chính là sự vượt thoát và thích ứng có tên gọi báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng hay báo chí kiến tạo. Bản chất của quá trình này được gọi tên chính xác là xác tín thông tin định hướng dư luận. Báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng, báo chí xác tín thông tin luôn hướng đến sự chuyên nghiệp và nhân văn. Trong đó, nhân văn là phẩm chất, là đặc tính và cũng là đích hướng. Trong bối cảnh chung của báo chí hiện nay, tiêu chí chung phải là: Sản phẩm số, báo chí số nhưng nội dung của nó luôn mang đậm tính nhân văn và có sứ mệnh cao cả lan truyền sự tử tế.

+Một số ý kiến cho rằng vấn đề cốt yếu của báo chí là thông tin. Nhiệm vụ của một nhà báo, một tờ báo là cập nhật nhanh và nhiều thông tin còn tiếp nhận, phân loại, thẩm định và xác tín chất lượng thông tin là quyền của công chúng, của người đọc. Ông có bình luận gì về điều này?

-Sức sống của báo chí là thông tin nhưng sự tồn tại của báo chí, sự phân biệt đẳng cấp của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo lại nằm ở chỗ anh có thể định hướng dư luận xã hội ở mức độ nào bằng lượng thông tin trung thực, khách quan, có kiểm chứng. Vai trò định hướng dư luận là khách quan, tất yếu và không thể thay đổi của báo chí. Báo chí ở ta ra đời là để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ công tác tư tưởng. Cho nên, không thể đặt vấn đề chỉ thông tin mà không cần hướng dẫn dư luận xã hội. Mặt khác, báo chí hướng dẫn dư luận xã hội bằng cách thông tin. Nếu bỏ một nhiệm vụ đi thì báo chí sẽ không còn là báo chí nữa. Cá nhân tôi và những người làm báo cách mạng luôn khẳng định một cách chắc chắn bằng tất cả xác tín nghề nghiệp của mình: Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải hướng dẫn dư luận hay nói một cách khác báo chí hướng dẫn dư luận bằng thông tin. 

Giữ gìn phẩm giá và lương tâm nghề nghiệp là nguyên tắc tối thượng 

+Vậy, có thể diễn đạt một cách ngắn gọn cơ chế cho việc định hướng dư luận của báo chí là gì, thưa ông?

-Thiên chức và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo là phải đưa thông tin thời sự, trung thực, khách quan, chính xác nhằm định hướng dư luận xã hội để báo chí thực sự là tiếng nói tin yêu của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội, là diễn đàn của nhân dân, là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực phản động, thù địch; là chiếc cầu hữu nghị gắn kết Việt Nam với bạn bè tiến bộ trên thế giới. Theo đó, nhà báo định hướng thông tin thể hiện ở chỗ lựa chọn, xử lý thông tin để mỗi thông tin khi lên mặt báo không gây tác động tiêu cực, không gây hậu quả xấu tới xã hội.

+Từ thực tế của hoạt động báo chí trong thời gian qua, ông có thể nói thêm về việc cần và phải làm gì để báo chí và nhà báo thể hiện đúng và hiệu quả vai trò định hướng dư luận xã hội của mình?

-Thời gian qua, bên cạnh việc đề cao điển hình, cổ vũ cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi, báo chí cũng đã dành một phần đáng kể cho chủ đề đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Có thể nói, bằng tấm lòng vì nghĩa cả, cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã không nề hà gian khổ, thâm nhập thực tế để tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao.

 

bao chi kien tao giai phap  hanh trinh tim lai nhung gia tri dich thuc cua chinh minh hinh 2

 

 Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, có thể nhận thấy, những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là sự tha hóa về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng. Thực tế cho thấy, không ít những người làm báo và một số cơ quan báo chí đã thiếu nghiêm khắc trong việc tuân thủ Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, coi nhẹ chức năng định hướng thông tin như là chức năng quan trọng hàng đầu của nền báo chí cách mạng... là những bài học đau xót và đầy cảnh tỉnh với bất cứ người làm báo nào.

Thực tế ấy càng khẳng định việc giữ gìn phẩm giá và lương tâm nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần coi đó là một nguyên tắc tối thượng của việc hành nghề. Nền báo chí cách mạng của chúng ta là một nền báo chí nhân văn, dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài mà phải đặt lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc lên trên hết. Suy cho cùng, đó chính là vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí mà nếu coi nhẹ nó, báo chí sẽ tự đánh mất mình, đánh mất sự tồn tại của mình!

Để làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, báo chí và nhà báo chịu sự chi phối và quyết định của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tính chính trị và sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay. Sự nhạy cảm được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của một phóng viên báo chí, thể hiện rõ đạo đức báo chí. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

Có thể khẳng định, nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong nỗ lực chung cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà và sự trưởng thành về kỹ năng chuyên môn, sự hoàn thiện về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo, Hội Nhà báo Hà Tĩnh, các cơ quan báo chí, các hội viên cần phải đi sâu vào cuộc sống, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền để góp phần đổi mới tư duy, nhận thức. Qua đó, định vị rõ hơn về Hà Tĩnh (về lợi thế so sánh trong tương quan quốc gia và quốc tế, những mâu thuẫn, thách thức đang phải đối mặt và yếu kém, hạn chế) để từ đó cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng thuận cao hơn, đồng thời nêu bật, làm rõ, truyền tải được những vấn đề trọng tâm, đột phá mà Hà Tĩnh đang thực hiện trong lộ trình phát triển trước mắt và lâu dài.

Những nhiệm vụ chính trị cao cả và cũng là nhu cầu tự thân ấy của giới báo chí chỉ có thể hoàn thành khi người làm báo luôn coi sự trung thực, tôn trọng sự thật và tính chính trị cùng sự nhạy cảm nghề nghiệp như là một yêu cầu tối thượng và là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí!

+Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

Các tin khác:
  • Phóng viên các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Thanh Hoá đi thực tế tại huyện Triệu Sơn (05/06/2024-11:02)
  • Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang: Lan toả những giá trị từ công nghệ (05/06/2024-10:50)
  • Báo chí có đặc quyền về tiếp cận nguồn tin và có trách nhiệm với nguồn tin (25/05/2024-20:08)
  • Sớm hoàn thiện tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, II (23/05/2024-8:11)
  • Nguyễn Viết Tôn, cây bút của biên cương, biển đảo (20/05/2024-8:29)
  • Ra mắt trang thông tin điện tử của Viện Phát triển văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (13/05/2024-9:43)
  • Giao ban công tác báo chí tháng 5 (09/05/2024-14:43)
  • Phát động Cuộc vận động viết về điển hình tiên tiến trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (08/05/2024-9:51)
  • Truyền thông Quốc tế đưa tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024-14:10)
  • Ký ức chiến thắng Điện Biên Phủ trong trái tim người lính, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (16/04/2024-15:29)