Nước mắt, niềm đau… đã từ lâu lắm rồi, mới lại hiển hiện nhiều đến thế, rõ đến thế trên khuôn mặt mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, khi tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bất giác tôi nhớ những dòng viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Cách khóc mỗi người mỗi khác… Chỗ này chỗ kia… nhưng không mấy khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát”.
Tới khoảng 10h sáng hôm nay (26/7), tại cả 3 địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang, hàng ngàn người dân vẫn tiếp tục xếp hàng dài "đội nắng" chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ghi nhận của phóng viên các báo, rất, rất nhiều người dân từ mọi miền đất nước đã có mặt tại đây từ 2-3h sáng, thậm chí nhiều người đã thức trắng đêm chỉ để chực chờ kịp được vào viếng Tổng Bí thư.
Như chia sẻ của anh Nguyễn Đình Năm (43 tuổi, ở thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa)- người cùng vợ đã vượt quãng đường hơn 100km đến Hà Nội- là một trong những người dân đầu tiên được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 26/7. Anh Năm cho biết, đã có mặt tại phố Hàn Thuyên từ 3h sáng và chờ suốt 4 tiếng đồng hồ.
"Mong muốn của chúng tôi là hôm nay tiễn bác, nhìn thấy bóng hình của bác lần cuối, tiễn đưa một người tuyệt đối trung thành với cách mạng. Chúng tôi không thể vắng mặt ngày hôm nay được" - Cựu chiến binh Lại Thị Luân (60 tuổi, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) chia sẻ.
Còn tại khu vực nghĩa trang Mai Dịch, từ sáng sớm nay, nhiều người dân đã có mặt đối diện khu vực nghĩa trang chờ đến giờ làm lễ an táng. "Mình ngồi đây để đợi giờ nhìn thấy đoàn xe đưa Tổng Bí thư đi qua là mãn nguyện rồi" - một người đàn ông nói.
Điều đáng nói là cho đến 23h đêm 25/7, dòng người vẫn không ngừng đi về phía Nhà tang lễ Quốc gia và tại xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội với mong mỏi có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Mọi người thành kính, trật tự xếp hàng dài hàng khuya, dòng người ngày càng đông.
Trong hàng dài những người chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có rất đông người tuổi cao, bước chân không còn vững, phải chống gậy nhưng vẫn muốn tới tận nơi để bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương với Tổng Bí thư. Ban tổ chức lễ Quốc tang ở xã Đông Hội cho biết tính đến khoảng 21h ngày 25/7, Ban tổ chức đăng ký cho hơn 36.000 lượt người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại điểm viếng ở Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Một số hình ảnh đầy xúc động khi đông đảo các tầng lớp nhân dân có mặt trên các nẻo đường để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh trong bài: Quang Hùng.
Rất nhiều người dân từ mọi miền đất nước, đã bằng mọi cách để có thể được đến viếng Tổng Bí thư. Như bà Nguyễn Thị Mưu (75 tuổi, Hải Phòng) quyết tâm đi thật sớm sáng ngày 25/7 lên Hà Nội để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dậy từ 3h sáng, bà cùng chồng và 2 người hàng xóm thuê xe taxi, vượt hơn 100km để lên Hà Nội; Từ xã vùng cao Tả Phời, Sa Pa, TP Lào Cai, sáng 25/7, anh Lý A Huân (23 tuổi, người dân tộc Dao) vượt qua chặng đường hơn 300km để xuống Hà Nội; Để có thể kịp về viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước giờ truy điệu, đoàn 45 bà con dân tộc Tày thành phố Lào Cai đã di chuyển suốt đêm, từ 0h ngày 25/7 tới quê hương Lại Đà (Đông Anh, Hà Nội) để thắp hương thành kính….
Tại TP HCM, cơn mưa lớn ngày 25/7 như trút nước bất ngờ ập đến nhưng không ngăn được dòng người tìm đến Hội trường Thống Nhất, thắp nén nhang, tiễn biệt vị Tổng Bí thư đáng kính… Theo Ban tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, ngày 25/7 đã tiếp nhận hơn 40.000 lượt người đăng ký viếng.
“Tổng Bí thư mất không chỉ tôi khóc mà có hàng trăm, hàng triệu người khóc vì công lao của Tổng Bí thư quá lớn”. Đúng như lời ông Đoàn Thanh Vũ (SN 1944, ngụ quận 1, TP HCM), đã có rất nhiều trái tim đau nhói cùng những đôi mắt đỏ hoe và dòng lệ lăn dài thương tiếc, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi như mất đi người thân"- bà Đoàn Thị Ngọc Loan (65 tuổi, Hội Cựu chiến binh thôn Phúc Xuyên, xã Võng Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) rưng rưng chia sẻ.
Ngày 25/7, trời chưa sáng, ông Vương Khắc Duy 85 tuổi, bạn học thời thơ ấu với Tổng Bí thư được đưa lên xe lăn, đẩy vào viếng Tổng Bí thư. “Chúng tôi ngồi cùng bàn với nhau cả cấp 1 và cấp 2, hai anh em thân nhau nhất. Ngày đó đi học chỉ có 2 củ khoai bỏ trong chiếc túi vải, tôi và bạn Trọng chia nhau ăn, cứ thế trải qua những năm tháng tuổi thơ cùng nhau”- mắt ông Duy đỏ hoe, tay liên tục gạt nước mắt, miệng mếu máo.
Bà Ngô Đình Thủy (người cùng thôn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) rơi nước mắt khi nhắc đến Tổng Bí thư. Theo bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi nhưng cũng đầy nghiêm khắc. "Nhân dân thôn Lại Đà luôn yêu quý và tự hào về Bác Trọng" - bà Ngô Đình Thủy nói.
Trong những ngày qua, phải tiễn đưa nhà lãnh đạo hết mực tin yêu là nỗi đau thật khó có thể diễn tả hết được bằng lời của hàng triệu triệu người dân Việt, nhất là khi họ đã cảm thấu được trọn vẹn những cống hiến vô giá của một người cộng sản chân chính đã dành trọn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, sống cuộc đời trọn vẹn liêm khiết.
Tôi tâm đắc với câu mà các bạn trẻ chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội những ngày qua: Không ai bắt bạn phải tỏ ra đau buồn nhưng hãy biết ơn. Cũng đâu đó đã từng vang lên câu nói: nhân dân không bao giờ sai. Khi hàng triệu đôi mắt không ngừng đỏ hoe, nhoè lệ vì sự ra đi của một con người, thì tôi tin, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã cảm thấu trọn vẹn những gì con người ấy đã mang lại cho họ, cho cuộc sống của họ. Và bởi nhân dân không bao giờ sai, nên niềm tin, sự yêu mến, kính trọng và cả những giọt nước mắt họ đã rơi, thực sự đã dành cho đúng người.
80 năm cuộc đời, 57 năm tuổi Đảng, người cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã thực sự sống một cuộc đời đáng sống, thực sự đã là “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”, không sống hoài sống phí.
Người cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã thực sự làm được điều lúc sinh thời ông từng tâm niệm: “Nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".
Trái tim ấy, con người ấy, vì thế, xứng đáng có được niềm tiếc thương từ lòng dân.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com