Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng, chiều 15/11/2017. (Ảnh: TTXVN)
Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, từ sau 13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024 có cùng những ngôn từ, tình cảm đặc biệt dành cho ông: Một tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản; một nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam; một người suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân… Tất cả những tố chất tốt đẹp đáng trân quý ấy của con người trong đất nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Việt Nam, phải chăng cũng chính là những tố chất của một nhà văn hóa chính trị? Vì thế, khi cái quan định luận, ai cũng muốn gọi ông là nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng làm thần tượng cho cuộc sống tinh thần.
Điều đầu tiên nói về con người - nhà văn hóa ấy qua nhiều trang tin báo, cả cá nhân và cơ quan đoàn thể, tổ chức, trong và ngoài nước, đều ghi dưới hình ảnh lá quốc kỳ Việt Nam rủ tang một câu nói bất hủ của ông “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Lời hiển ngôn đó không phải một lần ông phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (30/6/2022), mà nhiều lần trước và sau đó ông vẫn thường căn dặn cán bộ, đảng viên, dùng câu chuyện văn hóa về nhân vật Pa-ven trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy với tuyên ngôn “Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.
Dường như nhiều thế hệ, nhiều lực lượng đấu tranh cho tự do độc lập và giải phóng ở nhiều quốc gia dân tộc trong thế kỷ XX vẫn lấy hình tượng đó làm thần tượng, lấy lời nhiệt huyết đó để truyền lửa cho nhau.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hà Nội ngày 24/11/2021, càng nghe rõ lời phát biểu của nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng về tư cách và nhân cách một con người văn hóa nói chung, ông nói như tâm sự: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đánh cồng với đồng bào dân tộc Mường trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (13/11/2011). (Ảnh: TTXVN) |
Nhà văn hóa trong vai trò Tổng Bí thư một Đảng cầm quyền đã nỗ lực chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước triển khai đồng bộ trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Ông là một trong những Tổng Bí thư thổi được luồng gió văn hóa vào công cuộc đổi mới để phát huy những thành tựu của cách mạng Việt Nam, trước hết là trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội.
Ông cùng Đảng và Chính phủ, Quốc hội ráo riết thực hiện di huấn quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1966): “Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” và Di chúc của Người (1969): “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi đầu trong kiên định đường lối mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hội nhập, xác lập một Việt Nam minh bạch và duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao suốt nhiều năm qua (kể cả trong lúc thế giới sau Đại dịch có bức tranh kinh tế màu xám). Phải chăng đó chính là hiện thân của văn hóa-kinh tế-xã hội Việt Nam đương đại, mà nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng là một trong các tác giả chủ biên có sức phác họa những gam màu sáng tươi.
Ở một khía cạnh khác của bức tranh văn hóa chính trị-xã hội đang thấy còn nhiều việc tiếp tục phải làm trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ở đó cũng thấy nhà văn hóa chính trị Nguyễn Phú Trọng được ví như là “Vị tướng” cầm quân xông pha trận mạc với những lời “tuyên chiến “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; “củi tươi, củi khô”, thậm chí cả “gang thép hạng sang” vào đây cũng phải cháy. Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng trở thành “người đốt lò vĩ đại”, từng năm, từng tháng, từng đợt “chiếu yêu” vào tất cả các loại “Giặc” tham nhũng tiêu cực, bất kể là ai, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, trong mọi lĩnh vực công tác… đều bị tóm gọn. Vậy nên nhân dân và cán bộ càng tiếc thương “vị tướng” dũng cảm, dũng mãnh, dũng chí, càng quyết tâm ủng hộ và làm theo ông với thực chất là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng bằng cái tâm của người làm văn hóa “Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, xử một vài người để cứu muôn người”.
Nhưng có lạ không, khi cả thế giới chiêm ngưỡng hình ảnh thực tế nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng tiếp 3 nguyên thủ quốc gia, thuộc những nước lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga) theo 3 cách uyển chuyển của trường phái ngoại giao “cây tre” do chính ông - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, khi cả ba cường quốc không hẹn mà cùng đến Việt Nam trong vòng một năm; cả năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cả bảy đối tác chiến lược toàn diện và hơn 190 đối tác nói chung, ai cũng tin và thừa nhận một Việt Nam “thời Ông Trọng” đất nước “chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Phải chăng đó cũng là hiện thân của văn hóa ngoại giao Việt Nam đương đại.
Cho đến ngày cuối cùng khi ông là người thứ 88 ở Việt Nam được nhận phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam - Huân chương Sao vàng, nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng đã đi trọn sự nghiệp vì dân vì nước - Sự nghiệp có phần bắt đầu từ luận án Phó tiến sĩ năm 1983 với đề tài “Nghiên cứu về đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tăng cường mối quan hệ với nhân dân”. Nhà văn hóa ấy gồm cả nhà khoa học lịch sử, cả nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà cầm quân chuẩn mực cho cả một hệ thống chính trị của đất nước trăm triệu dân.
Nhà văn hóa ấy còn nêu tấm gương sáng về đạo đức và sự liêm khiết, bởi ông muốn chính là thực nghiệm và cơ sở cho khả năng thực thi khi thể chế hóa về công tác cán bộ, từng bước đưa công tác cán bộ đi vào nề nếp, đúng với định hướng của Đảng “cán bộ là then chốt của then chốt”. Ông cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi với không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh, trình độ trí tuệ, phát huy mối quan hệ truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân.
Vì vậy, bấy lâu nay ta vẫn thấy rõ chân dung đời thường của nhà văn hóa gần gũi, thiết thực, chân phương ấy. Ông về lại trường xưa THPT Nguyễn Gia Thiều, ông đi thăm thầy giáo cũ Lê Đức Giảng, viết thư tay cho cô giáo cũ Đặng Thị Phúc; ông lội ruộng lúa chết khô ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre khi thăm hỏi và chia sẻ khó khăn với bà con nông dân năm hạn mặn lịch sử 2016; ông đến với gia đình thương binh Đinh Phi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê (Gia Lai); ông mặc áo thổ cẩm cùng múa điệu truyền thống của đồng bào dân tộc tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum năm 2017; ông tiếp xúc cử tri lắng nghe tâm tư và trả lời những câu hỏi của bà con đúng với nghĩa cử người đại biểu của dân (chứ không phải “quan dân”)…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc (Hà Nội, 18/12/2017). (Ảnh: TTXVN) |
Chân chất và gần gũi nữa là hình ảnh gia đình nhỏ của ông như hàng triệu gia đình truyền thống Việt Nam: người vợ làm cán bộ thường thường ở nơi cư ngụ, người con gái và con trai là những công chức làm công ăn lương, không ai sắm siêu xe như con nhà giàu, hay thanh niên thời thượng… Lại càng thấy thật đẹp và ý nghĩa khi ai đó chụp được hình ảnh ông ngồi ở nhà gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán (năm 2019)…
Có một người Hàn Quốc tên Cho Chul Hyeon viết cuốn sách “Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”- cuốn sách đầu tiên trên thế giới viết riêng về ông xuất bản bằng tiếng Hàn Quốc tháng 5/2024, đang xuất bản sang tiếng Việt tháng 7/2024 thì nghe tin Tổng Bí thư từ trần. Nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản với lý luận uyên thâm, Cho Chul Hyeon đã rất tinh tế khi chọn ba cụm từ “Sỹ phu Bắc Hà”, “Ngoại giao cây tre”, “Người đốt lò” để gọi đó là những “Di sản” to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam và Nhân dân Việt Nam; Cho Chul Hyeon còn nói “không chỉ thế hệ trẻ của Việt Nam mà người dân trên thế giới có rất nhiều điều cần học hỏi từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.