Thực trạng cắt giảm nhân lực và các sáng kiến (06/08/2024-10:07)
Nhiều cơ quan báo chí trên toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng do doanh thu quảng cáo bị thu hẹp. Nhiều đơn vị đã buộc phải cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa hoàn toàn. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải thực sự coi báo chí là hàng hóa công, là dịch vụ thiết yếu, để từ đó có những thay đổi cơ bản và toàn diện trong những chính sách hỗ trợ đối với báo chí.
Trụ sở BBC. (Ảnh: SCMP)
Nhiều sáng kiến ra đời
Thời gian qua, báo chí thế giới chứng kiến thực trạng các tòa soạn cắt giảm quy mô khi doanh thu và lượng phát hành tiếp tục giảm, dẫn đến việc sa thải nhân viên, cắt giảm lương phóng viên. Nghề báo trở thành một trong những nghề chịu nhiều rủi ro và đãi ngộ thấp hiện nay. Trong thập kỷ qua, số lượng công việc báo chí được trả lương ở Mỹ đã bị cắt giảm hơn một phần ba. Tình trạng này đều diễn ra ở các mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Đài BBC thông báo sẽ cắt giảm 500 việc làm vào tháng 3/2026, sau khi đã cắt giảm 10% biên chế trong 5 năm qua, tương đương gần 2.000 việc làm.
Đây là đợt sa thải mới nhất khi BBC đang phải đối mặt với áp lực lạm phát, tình trạng thiếu hụt nguồn tài trợ và những thay đổi rộng hơn trong việc xem các phương tiện truyền thông. Công ty sẽ xóa bỏ hoặc chuyển giao một số vị trí, cũng như tạo ra những vị trí khác ở "khu vực tăng trưởng".
Hơn lúc nào hết ngành báo chí đang đứng trước những khó khăn chưa từng có. Để tiếp tục tồn tại và phát huy chức năng của mình, các tòa soạn buộc phải tìm ra một mô hình phát triển mới phù hợp với môi trường truyền thông số, và có một cơ cấu nguồn thu mới và đa dạng.
Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam, đây không chỉ là vấn đề của riêng ngành báo chí mà còn là vấn đề của toàn xã hội, vì báo chí có vai trò như một loại hàng hóa công và dịch vụ thiết yếu.
Mặc dù có những đặc điểm của hàng hóa công và có thể được coi như dịch vụ thiết yếu như chăm sóc y tế và giáo dục, song phần lớn các cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang vận hành dựa trên cơ chế thị trường. Tại Việt Nam, ngay cả Đài Truyền hình Việt Nam VTV cũng đang vận hành theo cơ chế tự chủ toàn bộ. Rất nhiều cơ quan báo chí dựa vào nguồn thu trực tiếp chủ yếu đến từ bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ báo chí và dịch vụ quảng cáo.
Tuy nhiên trong những năm vừa qua nguồn thu từ quảng cáo của báo chí đang bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết, mô hình “Báo chí là hàng hóa công” là một đề xuất được nhiều tổ chức và chuyên gia truyền thông ủng hộ, kêu gọi toàn xã hội tăng cường hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, kêu gọi tăng cường nguồn viện trợ từ các nhà tài trợ cũng như đóng góp thiện nguyện cho các hoạt động sản xuất tin tức. Tất cả nhằm đảm bảo rằng báo chí có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả như một dịch vụ công.
Trên thế giới đã ra đời rất nhiều các sáng kiến và chương trình hỗ trợ báo chí, để giúp báo chí tồn tại và vượt qua khó khăn. Ví dụ những sáng kiến như Journalism Trust (Tin cậy Báo chí), NewsGuard (Gác cổng tin tức) đến Ad for News (Quảng cáo cho Tin tức), để sàng lọc các nguồn cung cấp tin tức báo chí tin cậy cung cấp cho các nhà quảng cáo, qua đó nắn dòng quảng cáo hướng đến hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho hay, tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đăng tải công khai danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo. Trong danh sách này bao gồm 301 báo, tạp chí điện tử.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà. (Ảnh: VTV)
"Bộ cũng cho biết sẽ sớm thành lập Liên minh quảng cáo số như một nỗ lực cứu vãn nguồn doanh thu quảng cáo quay lại với báo chí. Trên thực tế các nhà quảng cáo cũng muốn liên kết thương hiệu của họ với các nguồn thông tin chính xác, chất lượng cao nên đây là những sáng kiến khả thi trong việc tăng doanh thu cho báo chí", nhà báo Thu Hà nói.
Các tờ báo và tạp chí quy mô lớn cũng đang nỗ lực xoay sở sang các sáng kiến kinh doanh mới. Nhiều tờ báo phát triển mạnh dịch vụ tổ chức sự kiện, livestream, kinh doanh thương mại điện tử, thiết lập các app riêng với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Những dự án kinh doanh mới này được thiết kế chủ yếu để đa dạng hóa nguồn thu và tạo ra các nguồn thu nhập mới nhằm bù đắp cho doanh thu quảng cáo đang sụt giảm. Tuy nhiên, theo bà Hà, những chiến lược này chỉ phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, trong khi các cơ quan báo chí quy mô nhỏ thì rất khó triển khai đa dạng hóa nguồn thu theo cách này.
Gần đây cũng đã xuất hiện nhiều giải pháp tài trợ cho hoạt động báo chí bền vững vì lợi ích cộng đồng, bao gồm cả mô hình giao nhiệm vụ, đơn đặt hàng đối với các cơ quan báo chí, đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức công, các quỹ phát triển và các tổ chức phi lợi nhuận. Các cơ quan báo chí Việt Nam cũng đang tích cực đẩy mạnh nguồn thu này với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
Trợ cấp và giảm thuế
Khủng hoảng kinh tế báo chí không chỉ khiến báo chí và các nhà báo lo lắng, mà các chính phủ và các tổ chức xã hội cũng quan ngại không kém, bởi vai trò của thông tin báo chí đối với sự phát triển tiến bộ của xã hội và mỗi quốc gia là không thể thay thế.
Một số chính phủ đã đưa ra các chính sách trợ cấp trực tiếp cho báo chí. Tại châu Âu, Liên minh Châu Âu đã đưa ra các chương trình tài trợ lớn như MEDIA cho hoạt động sản xuất phim và truyền hình. Ở cấp quốc gia, hầu hết các chính phủ đều nhận thức được khủng hoảng mà báo chí đang phải đối mặt, và tìm cách trợ cấp cho báo chí để bù đắp phần nào tổn thất doanh thu của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ tài chính của chính phủ cho báo chí có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia.
Mô hình “Báo chí là hàng hóa công” là một đề xuất được nhiều tổ chức và chuyên gia truyền thông ủng hộ.
Nhìn nhận thực tế này tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết, các cơ quan phụ trách báo chí trong đó có Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo phối hợp với Bộ Tài chính đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế đặt hàng truyền thông đối với báo chí.
Nội dung này cũng được đề xuất đưa vào Luật Báo chí sửa đổi để luật hóa cơ chế này nhằm tạo nguồn thu ổn định cho báo chí thời gian tới. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, mục tiêu trước mắt năm 2024 là quy trình đặt hàng truyền thông của các cơ quan tổ chức đối với báo chí phải được rút gọn, đơn giản và khả thi, đồng thời có hướng dẫn cụ thể để giúp cơ quan báo chí khơi thông nguồn doanh thu quan trọng này.
Một giải pháp hỗ trợ gián tiếp nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với cơ quan báo chí mà các chính phủ đang áp dụng là xem xét giảm thuế cho các cơ quan báo chí. Tại Mỹ, một đạo luật được đề xuất có tên là Đạo luật bền vững báo chí địa phương, được đưa ra tại Quốc hội vào năm 2021, cung cấp các khoản ưu đãi thuế cho các tờ báo địa phương trong các khoản lương cho nhà báo. Tại Canada, Chính phủ Liên bang đã công bố một chính sách đầy tham vọng vào năm 2018 cung cấp các khoản tín dụng thuế và các ưu đãi khác để hỗ trợ khoảng 600 triệu USD cho hoạt động báo chí trong vòng 5 năm.
Ở Việt Nam, hiện nay các cơ quan báo in đã được nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, theo nhà báo Thu Hà, hiện nay nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu.
Do đó Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.
"Rất nhiều sáng kiến đang được triển khai trên khắp thế giới, trong đó có những sáng kiến của chính các cơ quan báo chí và những sáng kiến của các chính phủ, các tổ chức xã hội, nhằm hỗ trợ sự tồn tại và phát triển của báo chí. Khi cơ chế thị trường thất bại là lúc báo chí cần tỏ rõ vai trò như một dịch vụ thiết yếu và hàng hóa công, và nhận lại những quy chế đãi ngộ và nguồn lực tương xứng với vai trò đó", nhà báo Nguyễn Thu Hà nhận định.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com