Cũng dễ hiểu thôi, là bởi chúng ta chưa có những “hạt giống vàng”, những “thửa ruộng vàng”, cao hơn là “tư duy vàng” để có thể gặt những “mùa vàng”.
Đem so thể thao với cách làm nông nghiệp là khập khểnh, nhưng đầy liên hệ. Chúng ta đang nói về đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024.
Sau khi “trắng” huy chương tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam nhiều khả năng sẽ tái lập kỷ niệm buồn tại kỳ Olympic Paris 2024 đang diễn ra trên đất Pháp. Hiện tại thể thao Việt Nam chỉ còn lại 2 VĐV là Trịnh Văn Vinh ở môn cử tạ và Nguyễn Thị Hương ở môn Canoeing.
Sau những cái tên chứa chan hy vọng có thể giành huy chương cho thể thao Việt Nam như Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền ở môn bắn súng, Lê Quốc Phong ở môn bắn cung, Hoàng Thị Tình ở môn Judo... đã phải về nước sớm, thì hai cái tên còn lại này được hy vọng có thể vớt vát điều gì đó. Tối 7/8 lực sĩ Trịnh Văn Vinh bước vào vòng loại hạng cân 61kg nam với đối thủ có thành tích cao hơn; còn Nguyễn Thị Hương thi đấu vòng loại thuyền đơn nữ vào ngày 8/8. Theo giới chuyên gia, không dễ để hai VĐV này tạo ra bất ngờ, dù cả hai đều có thành tích tốt ở đấu trường SEA Games.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta từng có những VĐV lẫy lừng. Khởi đầu là Trần Hiếu Ngân - VĐV đầu tiên mang huy chương Olympic về cho thể thao Việt Nam, với tấm HCB ở môn taekwondo nữ tại Olympic Sydney 2000. Nhưng ngay sau đó là một kỳ thế vận hội thể thao Việt Nam “trắng” huy chương, phải đợi đến Olympic Bắc Kinh 2008 lực sỹ Hoàng Anh Tuấn mới mang về tấm huy chương thứ 2 cho thể thao Việt Nam, và vẫn là bạc. Tại Olympic 2012, VĐV Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ môn cử tạ. Kỳ Olympic diễn ra 4 năm sau đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV và 1 HCB ở môn bắn súng. Đây cũng là HCV đầu tiên và duy nhất của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic đến thời điểm này. Tất cả dồn vào kỳ thế vận hội lần này khi mà nhiều cái tên tham gia có bề dày thành tích ở đấu trường khu vực. Nhưng, những gì diễn ra trong những ngày qua đã cứa vào lòng người hâm mộ. Trên mạng xã hội nhiều người đã viết những dòng chua chát. Họ có lý do, và dĩ nhiên họ có quyền so sánh thể thao Việt Nam với thể thao nhiều nước trong khu vực.
Trước kỳ thế vận hội này Thái Lan đã giành 35 huy chương Olympic, trong đó có 10 HCV. Indonesia cũng đã có 8 HCV. Tại kỳ Olympic đang diễn ra trên đất Pháp, đoàn Philippines đã giành 2 HCV.
Tại SEA Games, thể thao Việt Nam từng xếp trên các quốc gia này, nhưng ở đấu trường lớn hơn, thì đã về sau. Việc thể thao Việt Nam “đi trước, về sau” có rất nhiều lý do, người hâm mộ cho rằng chúng ta chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho đấu trường danh giá nhất thể giới này. Lâu nay chúng ta vẫn chọn SEA Games như là sân chơi vừa sức để thể hiện mình, cao hơn là đấu trường châu Á, và lấy những nòng cốt giành huy chương để mong chinh phục huy chương ở đấu trường lớn hơn.
Điều đó được nhiều người cho là chưa phù hợp. Bởi, một VĐV giành nhiều HCV SEA Games không có nghĩa sẽ thi đấu tốt tại đấu trường Olympic. Hai môi trường thi đấu hoàn toàn khác biệt, áp lực là khác nhau. Để có thành tích ở đấu trường lớn, VĐV phải được tập luyện, thi đấu thường xuyên ở môi trường hàng đầu thế giới. Nhưng nguồn lực cho điều đó thì lại là thách thức không hề nhỏ. Trong khi VĐV không thể tập huấn dài ngày ở những quốc gia có nền thể thao phát triển và tham gia thi đấu ở nhiều giải quốc tế, chúng ta lại phải nghe những câu chuyện không vui, từ bớt khẩu phần ăn của VĐV, đến nghi án VĐV phải chia tiền thưởng...
Thêm một kỳ tham gia thế vận hội không như kỳ vọng của thể thao Việt Nam, dĩ nhiên là buồn. Nhưng điều quan trọng là phải bước qua nỗi buồn để hành động. Thêm một chuyến đi xa của thể thao Việt Nam ra “biển lớn”, có những điều bổ ích đã được rút ra, rất mong những người có trách nhiệm hãy nhìn gần lại. Trong đó, câu chuyện thành tích của các đoàn thể thao trong cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines... sẽ giúp chúng ta có cái nhìn hữu ích.
Theo Thái Minh/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/buoc-qua-noi-buon-221433.htm