Cách mạng tháng Tám năm 1945: Biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (20/08/2024-15:40)
“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do". Đúc kết được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong bài báo đăng trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942 đã được minh chứng qua thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ba năm sau đó. Việc xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã là cội nguồn thắng lợi của cuộc cách mạng "long trời, lở đất" cách đây 79 năm.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu
Lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết. Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm”. Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”, kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa. Lời kêu gọi đã dần dần thức tỉnh những người cộng sản, những người dân chủ ở các nước quan tâm nhiều hơn đến phong trào giải phóng dân tộc ở những nước đang bị chế độ thực dân xâm chiếm.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt”, Đảng đã vạch ra yêu cầu phải tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã vạch ra sự cần thiết phải xây dựng một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai tầng trong xã hội, các tổ chức chính trị, các cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh mọi nhân tố của dân tộc phấn đấu cho sự nghiệp chung giải phóng dân tộc.
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chỉ thị nhắc lại đường lối chiến lược và sách lược mà Luận cương cách mạng tư sản dân quyền của Đảng đã nêu rõ: Nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải kết hợp chặt chẽ với nhau, công nhân và nông dân là hai động lực chính của cách mạng, công nhân phải liên minh chặt chẽ với nông dân thì cách mạng mới thắng lợi, nếu giai cấp công nhân không tổ chức được toàn dân thành một lực lượng thật rộng, thật vững thì cách mạng cũng khó thành công.
Ngày 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh (11/1930 - 3/1935) ra đời. Sau đó, qua nhiều giai đoạn, Hội được biến đổi với nhiều tên gọi khác nhau: Hội Phản đế Liên minh (3/1935 - 10/1936), rồi Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (10/1936 - 3/1938), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938 - 11/1940), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (11/1940 - 5/1941)...
Đặc biệt, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ 10 - 19/5/1941) họp tại Pác Bó (Cao Bằng), do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì tiếp tục khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, quyết định giải quyết vấn đề dân tộc giải phóng trong phạm vi từng nước Đông Dương, chủ trương tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Vì lẽ đó, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời, chủ trương: "Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở".
Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi diễn ra Đại hội Quốc dân do Việt Minh triệu tập, ngày 16/8/1945. Ảnh: TTXVN
Ngày 25/10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Liên hiệp hết các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đặng cùng nhau đánh đuổi Nhật, Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Đánh thức tinh thần dân tộc, tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi
Lịch sử cho thấy, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Kể từ khi Mặt trận Việt Minh ra đời, như khẳng định trong cuốn “Cách mạng tháng Tám của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng trung ương”, “toàn bộ phong trào chống phát xít Pháp - Nhật của nhân dân ta mang tên là Phong trào Việt Minh, cái tên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chí quật cường của dân tộc ta”.
Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa. Tháng 8/1944, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào "sắm vũ khí đuổi thù chung", phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tổ chức các lớp huấn luyện, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.
Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh... Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân!... Thắng lợi nhất định sẽ về ta!"
Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Từ lời kêu gọi, nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân, cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định chủ yếu, tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.
Nói về nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Tám, trong “Thư gửi các đồng chí Tỉnh nhà” ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. - Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần là vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.
Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ta giai đoạn 5/1941 – 10/1956, 7/1986 – 12/1986, cũng nhận định: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần là do “toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy”.
Có thể khẳng định, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã thực sự là biểu tượng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com