Sơn cờ Tổ quốc là một trong số ít ỏi các “trend” ý nghĩa, lành mạnh gần đây.
Ảnh: Facebook
Gần đến Ngày Quốc khánh 2/9, “trend” (xu hướng) sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà đang khiến nhiều người hào hứng làm theo và có xu hướng lan rộng ra nhiều nơi.
Bắt đầu từ hồi tháng 7 theo ý tưởng của một thanh niên ở Vĩnh Phúc, xu hướng sơn cờ trên mái nhà đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam, Tây Ninh…
Mạng xã hội liên tục xuất hiện các hình ảnh, clip ghi lại cảnh nhiều người sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà mình. Không chỉ giới trẻ, có cả một số người cao tuổi cũng hưởng ứng sôi nổi trào lưu “biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ”.
Không chỉ cờ Tổ quốc, người dân còn sáng tạo hơn khi sơn cả cờ Đảng với biểu tượng búa và liềm. Không sơn được cờ trên mái nhà, một số người đã biến tấu thành sơn cờ trên cửa cuốn hay đơn giản là sơn lá cờ nhỏ trước tường nhà.
Nhiều người chia sẻ cảm thấy hành động này có ý nghĩa, thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lan tỏa tinh thần tích cực khi đóng góp một hành động nhỏ để chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc.
Trào lưu này xuất hiện tự phát mà không cần cơ quan, tổ chức nào phát động, vì chỉ cần ý tưởng tốt đẹp là đã đủ để tạo nên sức mạnh lôi cuốn và lan tỏa.
Tuy nhiên, để tránh hình ảnh cờ Tổ quốc bị bôi xấu, gây phản cảm, cần phải sơn cờ ở những vị trí đẹp, trang trọng và đảm bảo tỷ lệ, kích thước, màu sắc theo đúng quy định. Cờ Tổ quốc rất thiêng liêng nên cần lưu ý rằng không thể thích vẽ, thích đặt ở đâu cũng được.
Nhận xét khách quan thì có thể nói rằng “trend” sơn cờ Tổ quốc là lành mạnh nhất, có ý nghĩa nhất, lan tỏa tinh thần tích cực nhất. Trước đó, nhiều “trend” vô thưởng vô phạt, vô bổ, thậm chí độc hại để câu “like”, câu view” đã xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội ở Việt Nam gần đây, như đổ nước đá lên đầu, đi chợ với 5.000 đồng, nhảy múa khoe thân, giang hồ mạng…
Thế nhưng, “trend” nào cũng không tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Trên mạng xã hội, một số người bày tỏ không đồng tình với xu hướng thể hiện lòng yêu nước kiểu này với những lý do như sơn có nhiều hóa chất và sẽ bị nước mưa cuốn xuống rồi gây ô nhiễm môi trường, hoặc lá cờ cần phải tung bay, không nên nằm bất động như phủ lên quan tài, rằng sơn cờ không làm cho người ta yêu nước hơn…
Thậm chí, một số trang của các tổ chức phản động như Việt Tân đã lợi dụng ngay “trend” này để tranh thủ bình luận bôi xấu lòng yêu nước của người Việt Nam.
Vì thế, dù chỉ là theo “trend” nhưng cũng cần phải tìm cách để tránh bị rơi vào những tình huống không hay, nhất là khi “trend” đó lại liên quan tới một hình ảnh phải được trân trọng như quốc kỳ.
Nhưng cũng như các trào lưu khác đã xuất hiện trước đây, rồi “trend” sơn cờ Tổ quốc cũng sẽ thoái trào và đi vào dĩ vãng. Có lẽ chỉ một thời gian nữa, không ai còn hăm hở trèo lên mái nhà để bỏ công sức, thời gian đo đạc, vẽ một lá cờ đỏ sao vàng sao cho đúng tỷ lệ, màu sắc. Với những người đã theo “trend”, có thể họ sẽ không đủ kiên nhẫn và nhiệt huyết để sơn lại lá cờ đã bạc màu do thời tiết hết lần này đến lần khác, nhất là khi lá cờ chiếm một diện tích tương đối lớn. Có những người rồi sẽ phải trả lại màu sơn cũ cho mái nhà, cửa cuốn vì không thể giữ gìn cho lá cờ trên mái nhà mãi thắm sắc đỏ và vàng tươi cánh sao.
Tuy vậy, “trend” này thoái trào hoặc biến mất không có nghĩa là lòng yêu nước cũng thoái trào và biết mất. Xu hướng sơn cờ đỏ sao vàng này chỉ nên là một trong vô số biểu hiện của lòng yêu nước. Trong đó có những biểu hiện đơn giản, mang tính thường nhật, thầm lặng, thay vì chỉ yêu nước theo “trend”, theo những hô hào, khoa trương trên mạng xã hội. Như nhà văn Liên Xô Ilya Ehrenburg đã viết trong tùy bút của mình: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”.
Từ đó, có thể soi chiếu vào những hành động nhỏ mà có ý nghĩa của chúng ta để định nghĩa lòng yêu nước. Không xả rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp là một biểu hiện của lòng yêu nước. Không nói và viết những lời, những từ ngữ lai căng, thô tục để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước. Và còn rất nhiều điều tương tự nữa.
Từ xu hướng sơn cờ này, tôi chợt nghĩ tới bác tổ trưởng tổ dân phố nơi mình sống, người mà trước dịp lễ tết đều kiên nhẫn gõ cửa từng nhà nhắc mọi người treo cờ Tổ quốc. Có người treo cờ ngay, nhưng cũng có người “vâng dạ” rồi những ngày lễ dần trôi qua mà lá cờ vẫn nằm im ở một chỗ nào đó trong nhà.
Treo quốc kỳ trước nhà vào các dịp lễ theo quy định có lẽ là hành động đơn giản và dễ làm nhất. Nhưng có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nếu lá cờ được treo thường xuyên thay vì mỗi năm chỉ vài dịp như hiện nay. Nhìn hình ảnh ngõ nhỏ, phố nhỏ hay những tòa chung cư rợp màu cờ đỏ, chắc hẳn đều khơi gợi lên trong lòng mỗi người Việt Nam cảm xúc và niềm tự hào dân tộc.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com