Người dân huyện Thiệu Hóa treo cờ Tổ quốc mỗi khi đất nước có sự kiện trọng đại.
Trào lưu biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc ban đầu được bắt nguồn từ một TikToker, sau đó việc vẽ và sơn cờ đỏ sao vàng lan rộng ra toàn quốc và có nhiều biến tấu. Người dân đã sử dụng mái tôn đỏ có sẵn trên mái nhà, đo đạc và vẽ hình ngôi sao, sơn màu vàng để hoàn thiện ngôi sao trên nền tôn đỏ, tạo nên hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Thậm chí, nhiều người còn vẽ cờ lên mái ngói, cửa cuốn, tạo nên một trào lưu rộng khắp cả nước.
Đây là cách thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự hào dân tộc trong các dịp lễ lớn như Quốc khánh (2/9), Ngày Thành lập Đảng (3/2) hoặc các sự kiện quan trọng. Hành động này cũng góp phần lan tỏa hình ảnh quốc gia ra cộng đồng quốc tế, tạo nên một cảm giác gắn kết trong xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có không ít cá nhân lợi dụng trào lưu này để đu “trend” thực hiện các hành vi câu like, câu view, thậm chí là trục lợi bằng cách chia sẻ, đăng tải hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc lên mạng xã hội nhằm thu lợi bất chính. Có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Đơn cử, trên địa bàn tỉnh, mạng xã hội xuất hiện thông tin lan truyền hình ảnh nhiều mái nhà trên địa bàn thị trấn Quán Lào (Yên Định) sơn cờ Tổ quốc dày đặc. Hình ảnh lan truyền cho thấy, hầu hết nhà dân, công sở phía trên mái tòa nhà đều vẽ cờ Tổ quốc. Tác giả ảnh là một công dân sinh sống tại khu phố 3, thị trấn Quán Lào đã sử dụng photoshop đăng lên. Tuy nhiên, hình ảnh đưa lên không đúng đã gây bão trên mạng xã hội. Việc không có mà đưa thông tin lên sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của địa phương khi mọi người biết không có thật.
Cần phải hiểu rằng, Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ về việc treo quốc kỳ - một biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, thế nhưng các hình thức thể hiện mới như vẽ, sơn trên các bề mặt khác nhau lại chưa được điều chỉnh rõ ràng. Điều này vô tình tạo ra một khoảng trống pháp lý và quản lý văn hóa, khiến những hành động xuất phát từ lòng yêu nước có thể trở thành những biểu hiện không phù hợp hoặc thiếu tôn nghiêm, gây ra hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.
Cờ Tổ quốc, không chỉ là biểu tượng của những giai đoạn quan trọng trong lịch sử mà còn là biểu tượng sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Hình chữ nhật đỏ, ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa tượng trưng cho sự đoàn kết các tầng lớp Nhân dân bao gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da, cho “ánh sáng vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng”. Nền cờ màu đỏ tượng trưng dòng máu đỏ, màu của nhiệt huyết, ý chí, niềm tin, tinh thần chiến đấu, hy sinh cho cách mạng của Nhân dân Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, ngày 31/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, khẳng định tầm vóc của cờ đỏ sao vàng: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn, bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó”. Ngày 9/11/1946, Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ sao vàng đã được Quốc hội Việt Nam chính thức công nhận trong bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày nay, lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc, trong những sự kiện quan trọng của đất nước, trên các đường phố, nhà nhà trong mỗi dịp lễ, tết... nhằm tiếp tục khẳng định sự tự do, độc lập, toàn vẹn của đất nước cũng như sự đoàn kết một nhà của toàn thể dân tộc ta. Bởi vậy, việc sử dụng hình ảnh này, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng đòi hỏi một sự tôn trọng và cẩn trọng đặc biệt để không làm giảm giá trị thiêng liêng của biểu tượng quốc gia.
“Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định chi tiết tại Điều 13 Hiến pháp 2013: “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Quốc kỳ là loại cờ dùng làm biểu trưng cho một đất nước. Hành vi xúc phạm Quốc kỳ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự tôn nghiêm của quốc gia, dân tộc vì vậy cần phải xử lý hình sự để loại bỏ hành vi này ra khỏi xã hội.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 được quy định chi tiết tại Điều 351 như sau: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
|
Theo Bài và ảnh: Lê Phượng/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/ve-co-to-quoc-nguoi-dan-can-can-trong-223827.htm