Sâu nặng nghĩa tình đồng bào trong bão lũ (13/09/2024-8:07)
Giống như bao “cuộc chiến” phòng, chống thiên tai, địch hoạ khác, giữa lúc người dân đang căng mình chống bão, khắc phục hậu quả nặng nề do bão gây ra, thì cũng là khi nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái được thể hiện rõ nhất.
Khu chung cư A7 Tân Mai 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C, nên việc di dời dân tránh bão là việc làm cấp thiết của phường Tân Mai. Ảnh: TTXVN
Bão số 3 đã và đang để lại những hậu quả vô cùng nặng nề với nhiều người dân, ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Sức tàn phá ghê gớm của cơn bão đang hiện diện không chỉ ở tâm bão quét qua là Hải Phòng, Quảng Ninh; mà ở hàng loạt các địa phương khác như Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định… Nhiều nơi ngập nặng, người dân phải di dời nhà cửa; có nơi sập cầu, lũ ống, lũ quét, có nơi đê vỡ; hoa màu ngập úng…; thiệt hại về người và tài sản chưa thể thống kê hết được.
Nhưng càng trong lúc khó khăn như thế này thì tinh thần đoàn kết, những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân ta lại càng phát huy mạnh mẽ; góp phần tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, làm ấm lòng bà con vượt qua bão lũ.
Những nghĩa cử cao đẹp đó được thể hiện trong suốt những ngày qua. Trước khi bão đổ bộ, ở Hà Nội, khoảng 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai (quận Hoàng Mai) được chính quyền di dời đến trường Tiểu học Tân Mai ngay trong đêm 6/9 để tránh những bất trắc không may có thể xảy đến. Có những người dân đăng lên mạng xã hội dành căn hộ để trống cho người lao động khó khăn trú nhờ. Hay ở Cô Tô, một chủ khách sạn đăng thông tin kèm địa chỉ, số điện thoại để người dân không có nhà ở kiên cố có thể liên lạc, tránh trú trong những ngày bão…
Khi cơn bão bắt đầu đổ bộ, những nghĩa cử vô cùng cao đẹp, tạo sức lan toả rất lớn, khiến bao người xúc động. Đó là hình ảnh những chiếc ô tô nối dài đi chậm lại để che chắn cho những chiếc xe máy đang bị bạt gió khi qua cầu Nhật Tân (Hà Nội) trưa ngày 7/9. Cũng trong sáng 7/9, một hình xúc động khác được người dân ghi lại ở Hải Phòng, khi một xe ô tô của lực lượng cảnh sát cứu nạn, cứu hộ đã đi chậm trên cầu để che gió cho nhiều xe máy đi qua. Một chiến sĩ còn đứng bám phía sau xe đỡ cho người đi xe máy.
Khi bão quét qua gây hậu quả nặng nề ở nhiều tỉnh, thành phố, trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, ngập lụt, mưa lũ, nhiều tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp khác của người dân các nơi cũng hướng về bà con vùng lũ. Tối 9/9, khi trời vẫn đang mưa khá nặng hạt, hàng chục chiếc xuồng được một nhóm hộ dân ở khu vực bến Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) lần lượt chất lên xe tải, đi thành nhiều chuyến, từ khu vực chùa Hương lên Thái Nguyên. Không chỉ thế, người dân chùa Hương còn bố trí cả tay chèo có kinh nghiệm, di chuyển ngay trong đêm để có thể trực tiếp tham gia ứng cứu người dân đang bị ngập lụt.
Điều đáng trân quý là, trước những khó khăn, không ai bảo ai, hàng loạt cá nhân, hội nhóm, tài khoản trên mạng xã hội cũng chung tay kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ bà con vùng ngập nặng. Ai có gì thì giúp nấy, người có bến bãi đổ xe sẵn lòng cho ai có nhu cầu gửi xe miễn phí, không lo ngập; người có phương tiện (xe tải thùng) có thể chở thuyền, tàu, cano về vùng ngập với “cước xe 0 đồng”. Người quyên góp mì tôm, nước uống, áo phao cùng nhiều đồ dùng thiết yếu khác, từ cả miền Trung, miền Nam, bằng nhiều cách, chuyển về vùng lũ một cách nhanh nhất có thể.
Đáng trân trọng hơn nữa, khi tinh thần đoàn kết, tinh thần thương thân tương ái, thể hiện rõ khi các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, dù thiệt hại rất nặng nề sau bão vẫn “nhường” suất cứu trợ của Trung ương (100 tỷ đồng/địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3 ngày 8/9) cho các địa phương khác khó khăn hơn. Sau khi Quảng Ninh và Hải Phòng báo cáo tự cân đối nguồn lực địa phương, ngày 9/9, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho 5 tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3 là: Nam Định, Hải Dương, Yên Bái Thái Bình và Hưng Yên.
Cùng với công tác khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, việc quyên góp cứu trợ người dân cũng đã nhanh chóng được triển khai. Chiều 10/9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Tại Lễ phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và các địa phương đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 407 tỷ đồng. Căn cứ tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương thống nhất hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại với tổng số tiền là 380 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả cơn bão, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Mọi sự quan tâm của chính quyền các cấp, các lĩnh vực, các bộ, ngành liên quan và người dân cả nước đều đang hướng về bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực điện, y tế, viễn thông, công thương, giao thông… đã thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng nhằm đảm bảo cung cấp tốt nhất và khắc phục hậu quả để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Sự chủ động, tích cực phối hợp của các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích… đã góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Chung tay góp sức hướng về đồng bào bị ảnh hưởng do bão, bằng tấm lòng và những nghĩa cử cao đẹp, trong lúc muôn vàn khó khăn như thế này, chính là truyền thống tương thân tương ái muôn đời nay của dân tộc ta. Càng trong khó khăn, hoạn nạn càng đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Việc khắc phục hâu quả bão số 3, hơn lúc nào hết, như tinh thần chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là: Toàn hệ thống chính trị và nhân dân không được chủ quan, tăng cường cảnh giác, chủ động các phương án đối phó với diễn biến bất thường, nguy hiểm của thời tiết; huy động tối đa các nguồn lực để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã yêu cầu các cấp, ngành tập trung cao độ thực hiện kế hoạch và phương án khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Trong đó, tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa. Không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh… Việc bảo đảm an toàn cho nhân dân, tất cả vì cuộc sống của nhân dân là trên hết, trước hết.
Với sự đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, hướng về đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tất cả đều mong muốn chia sẻ, giúp đỡ bà con vơi bớt phần nào khó khăn, mất mát. Để rồi, bão lũ rồi cũng sẽ qua đi, còn tình người thì ấm mãi!
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com