Đoàn thiện nguyện thị xã Việt Yên (Bắc Giang) mang chăn, quần áo, đồ dùng thiết yếu đến cho người dân xã Xuân Hoà, huyện Bảo Yên, chiều 16/9. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Khi siêu bão Yagi càn quét, gây ra những hậu quả đau lòng ở nhiều tỉnh phía Bắc, khắp các trang mạng xã hội, các trang báo điện tử tràn ngập vô vàn hình ảnh ấm lòng: người người nhà nhà chung tay góp công, góp của, với mong muốn chia sớt phần nào những khó khăn của đồng bào. Ngay khi nước lũ còn ngập trời, bùn đất sạt lở ngổn ngang, rất nhiều đoàn cứu trợ, mang theo những chuyến hàng chủ yếu là đồ ăn, thức uống, quần áo, các vật dụng cần thiết khác… đã tấp nập đổ tới những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Nhiều nhóm thiện nguyện không quản ngại gian khó, vượt qua địa hình hiểm trở để đến với những ngôi làng bị cô lập… Tất cả đều cố gắng để kịp thời hỗ trợ, đưa lương thực, nhu yếu phẩm tới tay người dân, và chắc chắn những chuyến hàng đầy ắp tình thương đó đã phần nào hỗ trợ được nhiều đồng bào ta trong cơn hoạn nạn. Hoạt động hỗ trợ không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn lan tỏa giá trị tinh thần, giá trị đoàn kết dân tộc, là niềm an ủi to lớn cho những người đang đối mặt với mất mát và đau thương.
Tuy nhiên, khi hàng cứu trợ ùn ùn kéo tới một cách tự phát, cũng là khi những bất cập về tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” lại tái diễn, như từng xảy ra trong những đợt thiên tai, bão lũ trước đây. Nhiều câu hỏi lại được đặt ra: Làm thế nào để cứu trợ hiệu quả, đúng người, đúng những thứ cần và đúng thời điểm? Làm thế nào để cứu trợ không “nóng” chỗ này, “nguội” chỗ kia, hay “nóng” vào thời điểm cấp tập trước mắt, rồi “nguội” khi tình huống khẩn cấp trôi qua, mà những khó khăn lâu dài của người dân thì vẫn còn đó?
Anh Đàm Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) chia sẻ với phóng viên TTXVN: “Hiện tại, người dân đang rất cần mắm, muối, mỳ chính, thuốc đánh răng, bột giặt, gạo… để duy trì sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ đang đưa vào cho người dân chủ yếu là mỳ tôm, bánh mỳ và sữa, số lượng quá nhiều vừa gây lãng phí và cũng không đúng với nhu cầu thực tế”.
Nhiều nơi khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bánh chưng, bánh bao, cơm nắm chưa kịp tiếp tế cho bà con đã bị hỏng; mì tôm thì dư thừa ở nhiều nơi, quần áo cũ chất chồng không có người để phân loại và chia cho bà con. Những khu vực dễ tiếp cận thì hàng cứu trợ quá nhiều về một số chủng loại, dẫn đến lãng phí, trong khi vùng xa hơn, khó tiếp cận hơn thì người đang cần vẫn thiếu. Lực lượng chức năng ở một số nơi vừa phải lo cứu hộ, lại vừa phải thêm việc "giải cứu"... hàng cứu trợ mà người dân gửi đến. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và cả tấm lòng của người dân cả nước khi những món quà cứu trợ không đến được tay người gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc tham gia cứu hộ, cứu nạn trong hoàn cảnh thiên tai phức tạp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nhiều đoàn cứu trợ tự tổ chức thuyền đi thẳng đến các vùng ngập lụt trong điều kiện không thông thạo địa hình, kỹ năng ứng cứu, sinh tồn chưa đảm bảo. Và trên thực tế, ngay trong đợt thiên tai bão lũ này, chuyện đau lòng đã xảy ra vào sáng 10/9 khi một đoàn cứu trợ tại vùng ngập lụt ở thành phố Yên Bái bất ngờ bị lật thuyền trong lúc tiếp tế người dân, khiến một người tử vong, một người bị thương.
Và đặc biệt là, khi bão lũ qua đi, nước rút, thì đời sống của người dân vùng chịu ảnh hưởng vẫn còn muôn vàn khó khăn. Nhu cầu đảm bảo an toàn sức khỏe, khôi phục đời sống sinh hoạt, học tập, sản xuất, hoạt động kinh tế là vô cùng quan trọng. Khi đó, các hoạt động thiện nguyện vẫn cần phải được duy trì, với những sự trợ giúp có tổ chức và quy mô hơn như tái thiết nhà cửa, trường trạm, cơ sở vật chất giáo dục, sản xuất. Những nguồn lực khổng lồ cho giai đoạn này sẽ cần đến sự chung tay của cả nhà nước và đông đảo người dân. Vì vậy, bên cạnh cứu trợ khẩn cấp, các đoàn thể, cá nhân cũng có thể tính toán những mục tiêu hỗ trợ khác mang tính lâu dài hơn, như dành nguồn lực hỗ trợ về y tế, vệ sinh môi trường hay hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa; xây dựng, sửa sang trường lớp, trang bị sách vở, thiết bị giáo dục v.v…
Để có thể tổ chức được hoạt động cứu trợ một cách toàn diện, hiệu quả, thì việc thành lập một hệ thống điều phối, có sự kết nối chia sẻ thông tin từ trung ương đến từng địa phương, nhằm kêu gọi, hướng dẫn và điều tiết các hoạt động hỗ trợ, ứng cứu là vô cùng cần thiết. Lực lượng điều phối sẽ có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật thông tin từ các địa phương chịu ảnh hưởng, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của người dân để từ đó có thể điều tiết hoạt động cứu trợ, ứng cứu kịp thời, phù hợp. Thông tin về hoạt động điều phối cứu trợ phải được cập nhật liên tục, được công khai để các tổ chức, nhóm, cá nhân tham gia hoạt động quyên góp, cứu trợ nắm bắt được.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế để quản lý hoạt động của các tổ chức, nhóm hoặc cá nhân tham gia các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ nhằm phát huy hiệu quả với người dân đang gặp khó khăn, bảo đảm an toàn cho chính lực lượng thiện nguyện, cũng như đảm bảo sự minh bạch của hoạt động cứu trợ, giữ được niềm tin nơi những tấm lòng hảo tâm. Hiện nay khung pháp lý điều chỉnh hoạt động thiện nguyện nói chung và cứu trợ thiên tai ở nước ta vẫn còn nhiều khoảng trống cần được bổ sung, điều chỉnh phù hợp, theo tinh thần khuyến khích tương thân, tương ái nhưng phải hoạt động có tổ chức, kỷ luật, đảm bảo hiệu quả, an toàn và bền vững.
Cứ mỗi lần thiên tai ập xuống nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S, trái tim mỗi người dân Việt Nam lại nhói đau và thôi thúc tình nghĩa đồng bào. Những giá trị tương thân tương ái vô cùng tốt đẹp ấy sẽ càng được nhân rộng, được phát huy rộng lớn hơn nữa nếu như mọi tình cảm, vật chất mà người dân gửi gắm cho đồng bào đang gặp hoạn nạn luôn gặp được đúng người, đúng thứ cần và đúng thời điểm.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
|