Thứ năm, ngày 21/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Biến đổi khí hậu: Cảnh báo cuộc sống tại các thành phố lớn sẽ trở nên không thể chịu nổi (20/09/2024-10:05)
    Các đợt nóng ngày càng thường xuyên và kéo dài hơn, nhu cầu gia tăng điều hòa không khí và bệnh tật lây lan khiến cuộc sống tại các thành phố sẽ trở nên không thể chịu nổi nếu hành tinh tiếp tục ấm lên với tốc độ hiện nay. Đây là cảnh báo của các nhà nghiên cứu đưa ra ngày 19/9.

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Viện Tài nguyên thế giới (WRJ) đã nghiên cứu những gì có thể xảy ra tại gần 1.000 thành phố lớn nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục hướng tới mức tăng 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng tác động đối với các thành phố này và 2,1 tỷ dân sống ở đó sẽ khủng khiếp so với kịch bản khi Trái Đất ấm lên ở mức giới hạn 1,5 độ  C. 

Theo các nhà khoa học, với mức ấm lên 3 độ C, nhiều thành phố có thể đối mặt với nắng nóng kéo dài hằng tháng, nhu cầu năng lượng tăng vọt cho điều hòa không khí, cũng như nguy cơ phổ biến các loại dịch bệnh do côn trùng gây ra.

Hiệp định Paris đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015, trong đó khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nhất trí một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên theo đánh giá mới nhất của Liên hợp quốc, với các cam kết khí hậu của thế giới ngày nay, mức tăng nhiệt độ Trái Đất có thể lên tới 2,9 độ C.

Ông Rogier van den Berg thuộc WRI, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh sự khác biệt giữa kịch bản 1,5 độ C và kịch bản 3 độ C là cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.  

Chú thích ảnhNgười dân làm mát bên đài phun nước do trời nắng nóng tại hạt Orange, bang California, Mỹ ngày 22/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo nhấn mạnh nguy cơ đặc biệt đối với các thành phố đang phát triển nhanh ở các nước thu nhập thấp.

Vào năm 2050, 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố và hơn 90% sự tăng trưởng đô thị này sẽ xảy ra tại châu Phi và châu Á. Người dân sống tại các thành phố có thu nhập thấp sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Tại các thành phố lớn nhất, WRI ước tính đợt nắng nóng dài nhất hằng năm có thể kéo dài trung bình 16,3 ngày theo kịch bản 1,5 độ C và 24,5 ngày theo kịch bản 3 độ C. Tần số của chúng cũng có thể tăng, từ trung bình 4,9 đợt nắng nóng mỗi năm ở thành phố lên đến 6,4 đợt/năm.

Điều này làm gia tăng nhu cầu về năng lượng và điều hòa không khí. Các thành phố nóng hơn cũng tạo điều kiện tối ưu cho muỗi vốn mang virus như sốt xuất huyết, zika và chikungunya phát triển, dẫn tới dịch bệnh tràn lan.

 

Theo Thúc Anh (TTXVN)/Báo Tin tức

 

 

Các tin khác:
  • Mức hưởng như thế nào khi đi khám chữa bệnh khác nơi đăng ký ban đầu? (19/09/2024-9:13)
  • Cảm động tấm lòng người dân Thanh Hoá hướng về Yên Bái sau trận mưa lũ lịch sử (19/09/2024-9:02)
  • Trung thu mùa lũ (17/09/2024-7:57)
  • Đã có trên 1.000 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (15/09/2024-18:42)
  • Bão số 3: Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo chuyển tiền hỗ trợ đồng bào thiên tai (12/09/2024-10:14)
  • Siêu bão sắp đổ bộ, người dân cần phòng ngừa tai nạn và hỏa hoạn có thể xảy ra (06/09/2024-15:22)
  • Thanh Hóa tăng cường giải pháp đảm bảo ATGT dịp nghỉ lễ 2/9 và khai giảng năm học mới (29/08/2024-12:43)
  • Bệnh ho gà có dễ thành dịch lớn? (26/08/2024-8:53)
  • Cảnh báo trang mạng xã hội giả mạo Ocean Edu lừa đảo phụ huynh và học sinh (19/08/2024-10:57)
  • Tự động trừ điểm giấy phép lái xe: Không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo (12/08/2024-18:32)