Bà Nguyễn Thị Hoạt (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa), hưởng niềm vui tuổi già bên con cháu sau khi được địa phương quan tâm cấp đất và làm nhà. Ảnh: Hương Thảo
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, với việc thấm nhuần quan điểm “lấy dân” làm gốc, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hóa vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả. Trong đó, việc tập trung tháo gỡ “nút thắt”, thực hiện tốt vấn đề “an cư” cho người dân vẫn là nỗi niềm trăn trở, đau đáu của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ.
An cư cho người yếu thế
Gần cả cuộc đời lênh đênh sông nước, sống vật vờ những tháng ngày cơ cực, một chữ cắn làm đôi không rõ, mảnh giấy tờ tùy thân cũng không có, bà Nguyễn Thị Hoạt (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) từng nghĩ: “Rủi mình có chết đi rồi cũng chẳng biết nơi nào làm nơi yên nghỉ”. Ấy vậy mà, gần 70 tuổi đời, niềm vui đến với gia đình bà quá đỗi lớn lao. Gia đình bà Hoạt là 1 trong 183 hộ trên tổng số 247 hộ sinh sống trên sông được tỉnh Thanh Hóa quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bố trí cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí làm nhà ở với tổng kinh phí 71 tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng gần 19 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà hơn 52 tỷ đồng. Đây là “trái ngọt” từ sự quyết tâm và quyết liệt triển khai thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông của các cấp ủy đảng, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
“Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã cấp đất, làm nhà cho gia đình tôi và nhiều bà con làng chài sinh sống trên sông khác nữa. Đời chúng tôi từ nay bước sang trang mới, tươi đẹp hơn. Nhiều lúc nằm trong chăn ấm đệm êm, tôi nghĩ thương cha ông mình nhọc nhằn hết kiếp. Và rồi lại nghẹn ngào rơi nước mắt khi thấy đời con, đời cháu mình đã có thể vui sướng hơn. Có được căn nhà tử tế rồi, chúng nó cũng yên tâm tính chuyện tương lai. Con của chúng nó sinh ra sẽ được làm giấy khai sinh, sẽ làm căn cước báo danh với cuộc đời, lớn lên sẽ được đi học, tương lai rộng mở hơn. Nghĩa là chúng nó được hưởng thụ rồi!” – giọng nói run run, bà Hoạt đưa tay quệt đi giọt nước mắt lăn dài trên má - giọt nước mắt của niềm vui, hạnh phúc và hy vọng tương lai thế hệ sau tốt đẹp.
Ngôi nhà mới có diện tích khoảng 60m2 với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, trong đó có 80 triệu đồng hỗ trợ theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là điều mà ngay cả trong giấc mơ ông Vũ Đình Dai không dám nghĩ tới. “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa” nhưng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ngôi nhà trước đây của ông Vũ Đình Dai lúc nào cũng xơ xác trong giông gió. Thu nhập ít ỏi từ công việc đồng áng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay ai thuê gì làm đấy của ông chẳng đủ trám lại những vết nứt nẻ chằng chịt trên bức tường gạch lâu năm tróc lở, ẩm mốc. Mỗi khi trời mưa lớn, ông co thân mình chỗ nào cũng lem nhem, dột ướt, đi qua những đêm thấp thỏm ngôi nhà đổ sập, khép lại cuộc đời mình. Đời ông như điệp khúc buồn. Những nỗ lực, cố gắng của người đàn ông nghèo trong suốt 12 năm cùng vợ lay lắt chạy thận giành giật từng ngày sống khiến kinh tế gia đình suy kiệt. Ngày vợ mất, ông Dai lầm lũi trong bóng nhà liêu xiêu.
Khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời, hạnh phúc mỉm cười với ông Dai. Không chỉ có nhà mới, ông Dai có người phụ nữ thương yêu, thông cảm cho hoàn cảnh của mình mà dọn về cùng nhau chung sống, xây dựng tổ ấm. Bà Nguyễn Thị Nhung tươi cười bên chồng: “Vợ chồng tôi đến với nhau từ hai bàn tay trắng. Ngôi nhà mới được xây dựng đã cho chúng tôi thêm niềm tin, hy vọng. Chúng tôi tự hứa với nhau rằng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, để không phụ tấm lòng của mọi người”.
Không chỉ có vợ chồng ông Dai, bà Nhung được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc trong những ngôi nhà được dựng xây từ “ý Đảng – lòng dân”. Sức lan tỏa rộng khắp từ Chỉ thị số 22-CT/TU đã tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc. Có lẽ, những giá trị nhân văn, thiết thực ấy đã lan tỏa, chạm đến trái tim mỗi người, đã khơi dậy “nghĩa đồng bào” vừa gần gũi, thân thuộc vừa lớn lao, cao cả, đồng thời lan tỏa thông điệp đủ sức hiệu triệu, kết nối muôn vạn tấm lòng để cùng chung sức đồng lòng “vì sự phát triển của cộng đồng”, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chỉ sau gần 5 tháng triển khai cuộc vận động, đến ngày 10/9/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam ba cấp (tỉnh, huyện và xã) đã tiếp nhận hơn 159 tỷ 730 triệu đồng. Cuộc vận động diễn ra trong thời gian ngắn, với nguồn lực huy động nhiều nhưng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên nêu rõ: “Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, thể hiện sự đồng tình rất lớn của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đối với một chủ trương rất nhân văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”. Từ nguồn kinh phí tiếp nhận, Ban Chỉ đạo đã cân đối, kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng phân bổ theo mức độ ưu tiên. Đến ngày 6/9/2024, đã có 16 huyện, thị xã, thành phố khởi công xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Tổng số là 422 nhà, trong đó xây dựng mới 372 nhà và sửa chữa 50 nhà...
Quyết sách “ý Đảng – lòng dân”
Với những công dân nước Việt – những con người cùng lớn lên với ý niệm thiêng liêng, cao đẹp về hai chữ “đồng bào”, về cội nguồn “con Lạc cháu Hồng”, an sinh xã hội không đơn thuần là hệ thống các chính sách, các chương trình của Đảng, Nhà nước, cá nhân, tổ chức nhằm chăm lo, đảm bảo các điều kiện sống cơ bản cho đối tượng yếu thế trong xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. “Dân thụ hưởng” - đó là sự khẳng định sâu sắc hơn bản chất ưu việt của chế độ XHCN, của Nhà nước dân chủ.
Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng ấy, nhiều năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa đã, đang tập trung nhiều nguồn lực cho hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề “an cư” – nhà ở cho bộ phận yếu thế trong xã hội, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua những quyết sách thấm đẫm tinh thần nhân văn, “vì dân” như: Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông” và gần đây nhất là Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025”. Các cuộc vận động, chương trình, đề án được thực hiện bài bản, khoa học, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhìn vào những quyết sách an sinh xã hội thời gian qua, câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao tỉnh Thanh Hóa lại đặc biệt quan tâm và dành nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề “an cư” cho người dân như vậy?
Đó là sự trăn trở, đau đáu của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua nhiều thời kỳ trước thực tế, yêu cầu bức thiết đặt ra tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, luôn thấp thỏm lo sợ về hiểm họa thiên tai gây ra. Ký ức về trận lũ kinh hoàng ở Sa Ná (Quan Sơn), bản Poọng (Tam Chung, Mường Lát) cũng đã phần nào vơi bớt ám ảnh trong tâm trí, người dân từng bước ổn định đời sống trong những khu tái định cư được tỉnh Thanh Hóa xây dựng theo hình thức đầu tư khẩn cấp. Tuy nhiên, nỗi đau mất mát người thân, nhà cửa bị cuốn trôi, vùi lấp ấy là thực tế không gì có thể bù đắp được... Bao đời lênh đênh trên sông nước, chẳng có nổi “mảnh đất cắm dùi”, đồng bào sinh sống trên sông ở địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định..., 3 - 4 thế hệ trôi dạt trên con thuyền như những cánh chuồn chấp chới, mỏng manh trước muôn vàn khắc nghiệt cuộc sống. Nếu không được quan tâm, hỗ trợ ổn cư, chẳng biết đến bao giờ cuộc đời họ mới “sáng” lên được. Và ngay trong lòng đô thị, trong lòng các làng quê nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở cần sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội.
Những câu chuyện đã lắng nghe, những phận đời đã gặp gỡ và tất cả lời cảm ơn chân thành mà họ gửi đến Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt hơn thông qua những quyết sách kịp thời, nhân văn, thực thi trách nhiệm, “đến nơi đến chốn” khiến mỗi chúng ta càng thêm vững tin vào đường hướng, quan điểm, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với việc giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập bền vững, ổn định thì “an cư” chính là gỡ “nút thắt” quan trọng trong vấn đề an sinh xã hội của tỉnh Thanh Hóa, đảm bảo một trong những nhu cầu cơ bản nhất của đời sống Nhân dân. Nhiều cuộc đời như được “tái sinh” trong những ngôi nhà “ý Đảng – lòng dân”.
Theo Thùy Dương – Hương Thảo/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/dan-thu-huong-o-xu-thanh-bai-1-go-nut-that-an-cu-225311.htm