Doanh nghiệp cần phát huy 6 tiên phong. Ảnh minh họa
Tại Thông báo số 447/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nêu rõ: Chính phủ cam kết đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Doanh nghiệp cần phát huy 6 tiên phong
Đối với các doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ đề nghị hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thường trực Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong: Thứ nhất, tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng của đất nước (như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và đẩy mạnh hơn nữa vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), đóng góp vào ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiên phong tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia. Sẵn sàng nhận các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Thứ ba, tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, tiên phong cùng Chính phủ, chính quyền địa phương phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng văn hóa; đặc biệt hạ tầng giao thông về phát triển đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng; hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi xanh.
Thứ năm, tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng quản trị thông minh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước.
Thứ sáu, tiên phong trong hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần 4 cùng: "Cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nguyên tắc 3 không
Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nguyên tắc 3 không: "Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm khi doanh nghiệp có kiến nghị, đề xuất".
Xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và tổ chức thực hiện theo nguyên tắc 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm, kết quả". Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo các lĩnh vực như tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư, giải quyết các giấy phép đầu tư…
Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại cuộc họp, lưu ý các đề xuất giao nhiệm vụ tham gia thực hiện các dự án trọng điểm của đất nước như: Xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, nhà ở xã hội, nâng cao thể chất, dinh dưỡng cho trẻ em và người dân... trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ", trình Chính phủ trong Quý IV năm 2024.