Hãy cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để chủ động phòng chống bệnh sởi!
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, lũy tích cộng dồn đến tuần 40/2024 tại Thanh Hóa ghi nhận 215 ca mắc và nghi mắc sởi tại 26/27 huyện/thị xã/thành phố. Trên địa bàn tỉnh ghi nhận các ổ dịch cộng đồng ở TP Sầm Sơn; huyện Thường Xuân; Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (42 ca có dịch tễ khám và điều trị); 3 ca có dịch tễ khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành. Các trường hợp mắc sởi chủ yếu 1-5 tuổi (chiếm 47%); dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21%). Hầu hết các trường hợp mắc là các trẻ chưa được tiêm vắc xin hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng với vắc xin chứa thành phần sởi.
Tại các phường Bắc Sơn và Quảng Cư (TP Sầm Sơn), từ ngày 5 đến 8/10/2024, ghi nhận loạt ca bệnh gồm 10 ca sốt phát ban nghi sởi có yếu tố dịch tễ liên quan; nhập viện vào điều trị tại Khoa Nhi, Khoa Nội Lây thuộc Bệnh viện Đa khoa TP Sầm Sơn. Các bệnh nhân đã được cách ly, điều trị với tình trạng ổn định; kết quả xét nghiệm ngày 11/10/2024 có 7/11 có IgM (+); 8 bệnh nhân là những người có mối quan hệ gia đình, lây lan do tiếp xúc gần với nhau và tiếp xúc với 1 bệnh nhân được xác định mắc sởi trước đó. Ngày 11/10/2024, ghi nhận thêm 1 trường hợp nghi mắc sởi tại phường Quảng Cư, được hướng dẫn lên cơ sở y tế điều trị, hiện sức khỏe ổn định.
Tại xã Yên Nhân (Thường Xuân) từ ngày 6/10/2024, ghi nhận 5 trường hợp nghi mắc sởi tại các thôn Mỵ và Na Nghịu. 4 trẻ được nhập điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân; có 3/4 có kết quả xét nghiệm IgM (+).
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân Nguyễn Thành Thắng, cho biết: Tiếp nhận ca bệnh, bệnh viện đã tổ chức cách ly, điều trị tại phòng riêng thuộc Khoa Nội Lây. Hiện sức khỏe các bệnh nhân ổn định. Ngày 12/10/2024, hệ thống không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc và nghi mắc mới.
Bác sĩ Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong. Nguyên nhân khiến số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh tăng nhanh là do thời tiết giao mùa Thu - Đông thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Đặc biệt, qua kết quả rà soát tiêm chủng trong 5 năm trở lại đây (2019-2024), cho thấy có khoảng trống miễn dịch do trẻ không được tiếp cận vắc xin trong thời gian kéo dài; việc phòng nhiễm chéo tại các tuyến điều trị không đảm bảo là nguyên nhân gia tăng các ca mắc trong thời gian qua.
Thanh Hóa có số ca mắc sởi tăng mạnh từ trung tuần tháng 9 đến nay. Chỉ tính riêng trong 3 tuần qua, trên địa bàn tỉnh có 107 ca mắc và nghi mắc sởi, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc tại 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã ghi nhận ổ dịch tại cộng đồng, có thể đối diện với nguy cơ gia tăng số ca mắc ở các nhóm trẻ chưa được tiếp cận với vắc xin chứa thành phần sởi; các ca mắc mới có thể giảm sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm chủng MR cho trẻ 1-5 tuổi và 6-10 tuổi trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2024.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Sở Y tế và chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sởi theo quy định của Bộ Y tế. Ngành y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ sớm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, khi phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện sốt kèm viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc... cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phối hợp sởi - rubella khi trẻ đủ 18 đến dưới 24 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng và trong chiến dịch tiêm chủng do địa phương tổ chức.
- Kiểm tra tình trạng tiêm chủng của trẻ, nếu trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi, hãy thông báo cho nhà trường, trạm y tế, tổ dân phố để được bố trí tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo...
- Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như: mở cửa sổ thường xuyên, có ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí...
- Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến trạm y tế xã, phường, thị trấn; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.
- Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
- Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Đến nay, vắc xin sởi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng, do vậy phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
|
Theo Bài và ảnh: Tô Hà/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/canh-bao-nguy-co-dich-soi-bung-phat-227741.htm