Thứ ba, ngày 03/12/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Chặn đứng lãng phí tài sản công (Bài 2) (28/10/2024-9:15)
    Lãng phí tài sản công (TSC) là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ việc quản lý kém, thiếu minh bạch, tham nhũng cho tới thiếu hụt kỹ năng và kiến thức trong chính đội ngũ những người được giao nhiệm vụ quản lý TSC.

 Tại số 30 phố Tô Hiệu là trụ sở Viện kiểm sát nhân dân, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội năm 2008, trụ sở này cũng bỏ không đến nay. Ảnh: Thế Đoàn

Bài 2: “Chỉ tên” những nguyên nhân gây lãng phí

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lãng phí TSC là những hạn chế trong công tác quản lý. Nhiều cơ quan nhà nước thiếu hệ thống quản lý hiệu quả để theo dõi và sử dụng tài sản. Việc không có quy trình rõ ràng dẫn đến tình trạng tài sản không được bảo trì, bảo dưỡng đúng cách, gây hư hỏng và lãng phí. Hơn nữa, một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng TSC cũng dẫn tới những khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tế.

Luật Quản lý, sử dụng TSC được Quốc hội khoá XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, do sự biến động nhanh, khó lường của kinh tế - chính trị thế giới tác động đến nền kinh tế Việt Nam, nên yêu cầu về việc quản lý, sử dụng TSC cũng có sự thay đổi, dẫn đến một số quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSC đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp. Đơn cử như việc phân cấp thẩm quyền được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo nhiều tiêu chí khác nhau và phân cấp cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng việc phân cấp này hiện chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương do theo quy định của Luật này thì HĐND cấp tỉnh chỉ phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới…

Theo qui định, TSC thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành, trong khi TSC của các cơ quan huyện, xã do ủy ban nhân dân tỉnh quản lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi sắp xếp lại cơ cấu đã có sự chuyển đổi phạm vi quản lý dẫn tới tình thiếu sát sao gây lãng phí lớn.

Rõ ràng, khi chuyển TSC cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng các đơn vị mới lại không có nhu cầu, trong khi cơ chế quản lý vẫn còn nhiều bất cập khiến cho số TSC bị lãng phí vẫn ở mức cao. Hơn nữa, khi muốn định giá để bán TSC cũng khó khi muốn tìm cơ quan định giá. Mặt khác, những vướng mắc về quản lý TSC, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng TSC ban hành vẫn còn bất cập và chậm.

Đánh giá tình trạng nhiều trụ sở công không được sử dụng sau sắp xếp, Chính phủ cũng cho rằng, nguyên nhân là do cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC chưa đầy đủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSC chưa đầy đủ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc xác định giá đất khởi điểm bán đấu giá rất phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của trụ sở không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại.

Đơn cử như những vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) ở phố Thụy Khuê, Hà Nội mà báo chí đã từng đề cập trong suốt nhiều năm qua. Mặc dù nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư vào lô đất này trong quá trình cổ phần hóa VFS, nhưng do vướng mắc trong định giá đất và xác định giá trị doanh nghiệp, quá trình này đã bị bế tắc, dẫn đến tình trạng lô "đất vàng" bị bỏ hoang nhiều năm. Theo Luật đất đai hiện hành, việc chuyển quyền sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân phải thông qua đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này gây khó khăn trong việc định giá tài sản nhà, đất công, dẫn đến bế tắc trong quá trình sắp xếp tài sản tại hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp.

Cùng với đó, nhiều thông tin liên quan đến TSC không được công khai, khiến việc giám sát trở nên khó khăn. Điều này tạo ra cơ hội cho sự quản lý không hiệu quả và tham nhũng. Khi có hành vi tham nhũng, TSC có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc giao cho những cá nhân, tổ chức không đủ năng lực và hậu quả là tài sản không được phát huy giá trị đúng mức, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Có thể thấy, lĩnh vực TSC liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn và việc quản lý TSC thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý TSC đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công.

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng lãng phí TSC là do quy trình mua sắm tài sản không hiệu quả. Quy trình đấu thầu không minh bạch thường dẫn đến việc không công bằng trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Trên thực tế, nếu không có sự cạnh tranh công bằng, có thể xảy ra tình trạng mua sắm với giá cao hơn giá thị trường hoặc lựa chọn nhà cung cấp kém chất lượng, dẫn đến lãng phí ngân sách. Mặt khác, nhiều trường hợp mua sắm TSC không dựa trên nhu cầu thực tế của cơ quan hoặc tổ chức và do những vướng mắc về thủ tục, quy trình mua sắm có thể kéo dài dẫn tới việc mất giá trị tài sản theo thời gian hoặc sự chậm trễ trong việc cung cấp tài sản cần thiết. Hơn nữa, nếu không có kế hoạch mua sắm đồng bộ với các dự án hoặc hoạt động của cơ quan, tài sản có thể không được sử dụng hiệu quả và điều này cũng dẫn đến tình trạng dư thừa tài sản hoặc tài sản không phù hợp với yêu cầu thực tế.

Chú thích ảnhNhiều trụ sở cơ quan bỏ hoang dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Ngọc Phước – TTXVN

Cuối cùng phải kể đến việc thiếu hụt về kỹ năng và kiến thức trong đội ngũ nhân viên quản lý tài sản công cũng góp phần vào tình trạng lãng phí. Nhân viên thiếu kỹ năng quản lý thường gặp khó khăn trong việc theo dõi tình trạng và giá trị tài sản và khi không có kỹ năng quản lý, nhân viên có thể không biết cách tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, dẫn đến tình trạng tài sản bị sử dụng sai mục đích hoặc không được khai thác đúng mức, gây lãng phí tài nguyên. Mặt khác, nhân viên không đủ kỹ năng thường thiếu khả năng lập kế hoạch sử dụng tài sản một cách hợp lý dẫn tới việc việc mua sắm thừa hoặc không phù hợp. Kỹ năng quản lý kém cũng khiến nhân viên khó phát hiện và xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản một cách kịp thời, dẫn tới tình trạng hư hỏng kéo dài và chi phí sửa chữa tăng cao. Cùng với đó, nhân viên thiếu kiến thức về các quy định và quy trình liên quan đến quản lý TSC có thể vi phạm quy định, dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc.

Trong bài viết về “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ: “Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức”.

Có thể thấy, lãng phí TSC không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước mà còn cản trở sự phát triển bền vững của xã hội. Để khắc phục tình trạng này, cần phải có các giải pháp đồng bộ và chỉ khi có những thay đổi tích cực, chúng ta mới có thể tối ưu hóa việc sử dụng tài sản công, từ đó nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý nhà nước.

 

Theo Hoài Nam/Báo Tin tức

 

Các tin khác:
  • Chặn đứng lãng phí tài sản công (Bài 1) (28/10/2024-9:10)
  • Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực trong học sinh (18/10/2024-10:07)
  • Chạm vào giấc mơ (14/10/2024-10:25)
  • Hiện thực ước mơ an cư của người nghèo (06/10/2024-10:19)
  • Sau cơn bão Yagi, dự báo GDP của Việt Nam ra sao? (26/09/2024-13:17)
  • Nghị quyết 143: Kịp thời, nhân văn, thiết thực (26/09/2024-15:01)
  • Vì nhân dân quên mình (23/09/2024-8:39)
  • Cứu trợ 'ba đúng' (19/09/2024-9:24)
  • Sâu nặng nghĩa tình đồng bào trong bão lũ (13/09/2024-8:07)
  • Trong bão còn có nỗi sợ không kém (11/09/2024-9:06)