Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay quốc tế Jorge Chávez ở thủ đô Lima. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
APEC 2024 - dấu mốc 35 năm của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Năm 1989 là thời điểm toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, các quốc gia, khu vực ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng hợp tác kinh tế ngày càng lớn.
Từ nhu cầu ấy, xu hướng liên kết kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhất là ở châu Âu với việc EU đẩy mạnh liên kết nội khối và châu Mỹ với sự ra đời của Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico. Nhiều nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời điểm đó, khao khát việc được đứng chung trong một cơ chế hợp tác để đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ngày 6 - 7/11/1989, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 12 nền kinh tế nằm hai bên bờ Thái Bình Dương gồm Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia đã nhóm họp tại Thủ đô Canberra (Australia) lần đầu tiên tổ chức hội nghị và ra quyết định chính thức thành lập APEC.
Đến năm 1993, từ một diễn đàn kinh tế đa phương ở cấp bộ trưởng, hội nghị hàng năm của Diễn đàn bắt đầu được tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu nền kinh tế đó hoặc người đại diện cho người đứng đầu. Hội nghị thường niên của APEC ngay sau đó được đổi tên thành “Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC”.
Đến nay, sau 35 năm, Diễn đàn bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp hơn 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Hợp tác trong APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, Thuận lợi hoá kinh doanh, Hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Điều quan trọng nhất là APEC ngày càng khẳng định vai trò đi đầu và sứ mệnh thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2024 được xem là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, là dịp để các thành viên rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới.
Tuần lễ cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 10 đến 16/11/2024 là điểm nhấn quan trọng của năm APEC 2024.
Trong vai trò Chủ tịch Năm APEC 2024, nước chủ nhà Peru tiếp tục đề cao tăng trưởng bao trùm, bảo đảm rằng mọi người dân đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC. Trên tinh thần đó, chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng” trong Năm APEC 2024 được nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính gồm: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Việt Nam: Đóng góp tích cực, chủ động cho Diễn đàn APEC
Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với chính sách đối ngoại cũng như sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, ngày 15/6/1996, Việt Nam đã gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC. Tháng 11 năm đó, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996-2000; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”. Ngày 14/11/1998, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 10 đã kết nạp Việt Nam cùng với Nga và Peru.
Từ đó đến nay, trong hơn 25 năm tham gia APEC (1998-2024), Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC, và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn.
Nổi bật, như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Thứ nhất, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017, khẳng định năng lực điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC, đóng góp thành công của các Hội nghị, thúc đẩy đà hợp tác và liên kết kinh tế của APEC và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta cũng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong các cơ chế khác nhau của APEC, trong đó có Ban Thư ký, Nhóm ASEAN, các Ủy ban/Nhóm công tác. Vừa qua, Việt Nam một lần nữa được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đăng cai Năm APEC 2027.
Thứ hai, chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc duy trì đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Với việc đề xuất, triển khai gần 190 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như cải cách cơ cấu, phát triển nhân lực, trao quyền cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thương mại điện tử…, Việt Nam đã góp phần làm cho các nội dung hợp tác APEC ngày càng phong phú và toàn diện, đưa APEC thích ứng với những biến chuyển của tình hình quốc tế và bắt kịp những xu hướng phát triển mới của thời đại, khẳng định vai trò không thể thiếu của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Thứ ba, chúng ta đã khởi xướng và tham gia định hình tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC. Nổi bật là việc xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”. Đây là cơ sở để các Nhà Lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 và các cuộc họp liên quan cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường sẽ nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.
Chủ tịch nước cũng sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu, kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Nguyễn Hà/Báo NB&CL
https://www.congluan.vn/truyen-tai-thong-diep-ve-khat-vong-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-trong-ky-nguyen-moi-post321263.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo