Thứ ba, ngày 03/12/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Điều chỉnh tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo in là phù hợp nhưng chưa mang tính chất căn cơ (15/11/2024-10:40)
    Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang xem xét, sửa đổi Luật Quảng cáo, với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo, hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác - việc điều chỉnh này được các đại biểu và lãnh đạo cơ quan báo chí hoan nghênh, song các nhận định cũng cho rằng, điều đó chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

Quảng cáo báo in sụt giảm không phanh

Doanh thu của báo chí, đặc biệt là từ quảng cáo sụt giảm mạnh, trong khi nguồn thu từ các hình thức, mô hình mới thì mới chỉ manh nha và chưa bù đắp được sự mất mát từ báo in. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề kinh tế báo chí, truyền thông Việt Nam chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số và đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tháo gỡ…

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in. Theo đó, diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo, hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. Con số này trong Luật Quảng cáo năm 2012 lần lượt là 15% và 20%.

Đánh giá về vấn đề này, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, việc tăng diện tích quảng cáo trên báo in là phù hợp, song cũng chưa thực sự có tác động tích cực trong việc giải quyết khó khăn trong hoạt động báo chí.

Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ, qua thực tiễn báo chí, những năm trở lại đây, quảng cáo trên các ấn phẩm in sụt giảm “không phanh”, có những tờ báo giảm từ 70 - 80%, có tờ báo thậm chí giảm 90%. Nhiều tờ báo trước kia có hàng chục trang quảng cáo, nhưng hiện nay lác đác còn vài trang. Trong một tuần, liên tiếp có những số báo không có trang quảng cáo nào. “Tăng tỷ lệ diện tích quảng cáo trên các ấn phẩm in có thể chỉ mang tính biểu tượng chứ không có thực chất, bởi quảng cáo trên báo in đang có nguy cơ không còn”, ông Sưởng nói.

Tổng Biên tập Nguyễn Công Sưởng cho rằng, nên chăng các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Bên cạnh đó, theo ông Sưởng, các cơ quan báo chí đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách.

Tạo hành lang thông thoáng hơn cho quảng cáo trên ấn phẩm điện tử

Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng cho biết, Tiền Phong là tờ báo tự chủ từ rất lâu, một trong những trụ cột quan trọng là khoản thu từ quảng cáo và phát hành. Tuy nhiên những năm gần đây, cơ cấu nguồn thu của báo giấy, đặc biệt là phát hành chỉ chiếm 10 - 16%. “Các ấn phẩm in tạo ra doanh thu nhưng không có lợi nhuận thậm chí là lỗ”, ông Sưởng nhấn mạnh.

 

dieu chinh ti le dien tich quang cao tren bao in la phu hop nhung chua mang tinh chat can co hinh 2

 

Để phát triển nguồn thu, nhà báo Phùng Công Sưởng cho hay, Báo Tiền Phong đẩy mạnh quảng cáo trên ấn phẩm điện tử, tăng cường các hoạt động nâng cấp sự kiện và tìm kiếm nguồn thu mới, trong đó chú trọng hình thức tổ chức sự kiện như phát huy cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, mở rộng Giải Vô địch Quốc gia và Cự ly dài Báo Tiền Phong, trong hoạt động kinh tế có chương trình “Ngày thẻ Việt Nam”. Bên cạnh đó, Báo tăng cường tổ chức hội thảo, toạ đàm, mở ra các không gian mới, tăng cường phối hợp với các đơn vị đối tác truyền thông, phát triển Công ty truyền thông Tiền Phong…

Đồng quan điểm, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, trước sự phát triển bùng nổ của quảng cáo trực tuyến, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh. Ông cũng cho rằng chủ trương tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính là chủ trương tích cực nhưng việc điều chỉnh tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

Cần nhìn nhận rằng, sản phẩm của báo chí không phải là sản phẩm hàng hóa đơn thuần mà mang đặc trưng các yếu tố chính trị, văn hóa. Trong khi doanh nghiệp có thể đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì các cơ quan báo chí không thể muốn đưa sản phẩm nào ra thị trường cũng được vì cùng với thông tin thì sản phẩm báo chí còn gánh vác các chức năng chính trị, giáo dục, định hướng xã hội...

Và không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam được định danh là “Báo chí Cách mạng” với sứ mệnh “phụng sự Nhân dân”, là nguồn nội lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Thực tế việc tạo nguồn thu của cơ quan báo chí, điều mà chúng ta vẫn quen gọi là làm “kinh tế báo chí” cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng với nhiều cơ quan báo. Để có thể phát triển vững chắc, ngoài cơ chế đặt hàng từ Nhà nước, cũng cần có chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng hơn, cởi mở hơn để giúp báo chí làm phong phú thêm nguồn thu. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đa dạng hoá trong truyền thông quảng cáo trên báo điện tử và mạng xã hội.

“Hiện nay các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có lượt truy cập rất lớn và chi phí quảng cáo rất rẻ - các cơ quan báo chí không đủ sức cạnh tranh. Do đó cần có những quy định linh hoạt hơn trên báo điện tử để cải thiện và phát triển nguồn thu cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn như Báo Thanh Niên chẳng hạn”, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Toàn cho hay.

Theo Hòa Giang/Báo NB&CL

https://www.congluan.vn/dieu-chinh-ti-le-dien-tich-quang-cao-tren-bao-in-la-phu-hop-nhung-chua-mang-tinh-chat-can-co-post321255.html

 

 

Các tin khác:
  • Báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo: Mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho người làm báo (12/11/2024-9:40)
  • Lãng phí - Nhìn từ các dự án đầu tư công chậm tiến độ (01/11/2024-10:16)
  • Nhà báo Lý Văn Sáu - sức hút của một nhân cách, một tài năng (01/11/2024-10:12)
  • Giải ảnh Khoảnh khắc Báo chí 2024: Đón những khoảnh khắc chạm đến trái tim độc giả! (01/11/2024-10:03)
  • Báo chí truyền cảm hứng tạo ra kỷ nguyên mới cho doanh nghiệp khởi nghiệp (30/10/2024-16:40)
  • Cần có 'cơ chế công bằng' hơn nữa với báo chí (24/10/2024-11:03)
  • Bàn các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho người làm báo và cơ quan báo chí (24/10/2024-11:00)
  • Kế hoạch tổ chức Giải thưởng báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông năm 2024 (16/10/2024-14:27)
  • Sức ép từ mạng xã hội: Cơ hội để báo chí định vị lại giá trị của mình (11/10/2024-8:20)
  • Báo chí - Doanh nghiệp: Tạo “xung lực mới” trong đồng hành, hợp tác… (06/10/2024-10:13)