Góp ý Hiến pháp: Cơ hội phát huy cao nhất trách nhiệm công dân! (15/05/2025-10:21)
Bắt đầu từ ngày 6/5 vừa qua, việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được triển khai rộng khắp tại tất cả các địa phương, trên cả nền tảng số VNeID để đảm bảo tính dân chủ, toàn diện, và thực chất. Hơn lúc nào hết, mỗi công dân Việt Nam đang có cho mình cơ hội để thể hiện, phát huy hết mức quyền làm chủ cũng như trách nhiệm chủ nhân đất nước.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đã luôn quan tâm tới quyền làm chủ của nhân dân. Người tuyên bố dứt khoát: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Theo Người, ở nước ta, mọi quyền hành và lực lượng đều là của nhân dân, từ nhân dân mà ra.
Cũng từ quan điểm “địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”, tuyên bố chủ trương “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, để “nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Và bản Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập được hình thành - Hiến pháp năm 1946 - đã là cơ sở pháp lý để tiến hành công việc của đất nước. Ngay trong Điều 32 Hiến pháp năm 1946 đã nêu rõ: “Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra cho nhân dân phúc quyết”.
Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta kế thừa trọn vẹn. Trong 4 thập kỷ đổi mới, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Để thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân hơn nữa, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, “dân thụ hưởng”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”. Điều này một lần nữa được minh chứng với việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 như một sự kiện chính trị sâu rộng của toàn xã hội.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 6/5, các cơ quan liên quan tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thời gian lấy ý kiến nhân dân trong vòng 1 tháng. Đặc biệt, nét mới trong kỳ sửa đổi Hiến pháp lần này là việc thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VNeID; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện góp ý trên ứng dụng VNeID. Việc sử dụng công nghệ số như nền tảng VNeID được đánh giá là để đảm bảo tính dân chủ, toàn diện, và thực chất của việc lấy ý kiến.
Mới đây, trong cuộc họp Ban Bí thư về việc triển khai và tình hình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đa dạng hóa các hình thức để nhân dân đóng góp ý kiến, không hạn chế bất cứ hình thức nào; đảm bảo phát huy dân chủ, thực chất; tăng cường vận động nhân dân góp ý thông qua ứng dụng qua VneID, đồng thời tuyên truyền đậm nét đây là ứng dụng công dân số quốc gia, hạn chế các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương ứng dụng công dân số.
Tổng Bí thư chỉ rõ, các cơ quan theo nhiệm vụ phân công cần làm tốt công tác tổng hợp ý kiến của nhân dân, đảm bảo ghi nhận đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp theo đúng phạm vi, nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; tăng cường công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa cho thấy, trong quá trình lập hiến, lập pháp của đất nước, người dân luôn được đặt ở vị trí quan trọng nhất. Mỗi một đóng góp mang tính xây dựng của người dân để sửa đổi, bổ sung một số điều của đạo luật gốc chắc chắn sẽ được lắng nghe, được xem xét kỹ lưỡng.
Để đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hiện đại hoá, số hóa, xanh hoá và phát triển bền vững, hết thảy các ý kiến đều cho rằng đã đến lúc cần có những đột phá về thể chế. Và trong đột phá thể chế ấy, đột phá lớn nhất không gì khác là bản Hiến pháp cũng cần được sửa đổi cho phù hợp. Như Báo Nhà báo và Công luận đã từng khẳng định, sửa Hiến pháp, vì thế, không chỉ là sửa một văn bản. Đó là cách một dân tộc tự điều chỉnh để đi xa hơn, vững chắc hơn trên hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Và để dân tộc Việt có thể đi xa hơn, vững chắc hơn, chắc chắn, không chỉ nhờ tài chèo lái của Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn rất cần sự góp sức từ mỗi người dân. Việc góp ý cho Dự thảo Hiến pháp lần này chính là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự chung tay góp sức ấy.
Chính lúc này chứ không phải là thời điểm nào khác, mỗi người dân Việt phải thể hiện cho hết quyền làm chủ, thể hiện cho hết tinh thần trách nhiệm cũng như tâm huyết, trí tuệ của mình cho đạo luật gốc - nền tảng pháp lý tối cao của đất nước. Nỗ lực trồng cây mới mong có được trái ngọt. Nếu mỗi công dân chúng ta hôm nay thực sự phát huy được vai trò chủ nhân của mình thì mai này, chính chúng ta cũng sẽ là những người có cơ hội được thừa hưởng những thành quả từ sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com