Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà báo dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, sáng 9/8/2015, tại Hà Nội.( Ảnh: Vietnam+)
Gặp Tổng Bí thư qua màn ảnh nhỏ truyền hình hay các kênh thông tin truyền thông, với tôi là sự yêu kính, ngưỡng mộ, nhưng được gặp trực tiếp, nghe Tổng Bí thư phát biểu lần đó, tôi xúc động, hạnh phúc khôn tả. Cái cảm giác hạnh phúc lúc ấy vẫn còn nguyên đến hôm nay, nhất là cái nắm tay ân cần và nụ cười hiền mà Tổng Bí thư dành cho nhà báo, văn nghệ sĩ. Cho đến khi Tổng Bí thư qua đời, với nhân dân cả nước và thế giới là sự mất mát, tiếc thương vô hạn. Tôi cũng bần thần nhìn bức hình chụp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tóc bạc trắng như ông Tiên hiền từ, đứng trung tâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chụp chung thân ái cùng các nhà báo, văn nghệ sĩ đứng quanh, thật không cầm lòng nổi. Tôi hình dung về một ngôi sao sáng trên bầu trời ẩn đi nhưng còn soi rọi thông qua một thứ ánh sáng diệu kỳ. Ánh sáng của trí tuệ, niềm tin và hy vọng thông qua hệ thống tư tưởng, lý luận và tuyên truyền trong công tác báo chí mà Tổng Bí thư đã để lại cho đời.
Riêng với nghề báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X năm 2015, nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đã dành sự trân quý và thấu cảm sâu sắc: “Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân”. Đó là tư tưởng xuyên suốt, là kim chỉ nam để các nhà báo hướng đến. Tư tưởng đó như Tổng Bí thư vẫn đang hiện hữu dẫn dắt sự nghiệp báo chí nước ta hôm nay và mai sau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trải qua các cương vị quan trọng: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII. Tổng Bí thư đã chứng tỏ là một nhà chính trị, nhà tư tưởng đặc biệt xuất sắc. Trong mọi hoàn cảnh, Tổng Bí thư luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản có tầm nhìn chiến lược; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, các nguyên tắc của Đảng; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tiền phong, gương mẫu, khiêm tốn, bình dị, gần gũi Nhân dân.
Tổng Bí thư được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và bạn bè thân thiết trên thế giới kính trọng, biết đến với tư cách của một nhà lãnh đạo xuất sắc, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng có một điều rất đặc biệt: trước khi là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Tổng Bí thư là một nhà báo gắn bó lâu năm với nghề báo, trưởng thành từ làm báo và là tấm gương sáng của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại.
Sau gần 30 năm gắn bó với Tạp chí Cộng sản – Cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư có được nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm về nghề báo và thực tiễn quý giá. Tổng Bí thư là cây bút sắc sảo, có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, thể hiện tư duy chiều sâu và tầm nhìn dự báo của một nhà báo chính luận. Trong một lần phát biểu trước các nhà báo ở Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Và quả thực, nghề báo cho Tổng Bí thư những trải nghiệm thực tiễn, cái nhìn chi tiết, cụ thể, có chiều sâu, với tư duy biện chứng cùng những định hướng đúng đắn cho sự nghiệp chính trị về sau.
Trên cương vị là một nhà lý luận, Tổng Bí thư đã có nhiều đóng góp, cống hiến đặc biệt với nhiều công trình, tác phẩm, sách, bài viết mang tầm lý luận, có giá trị cao. Với tư chất của một nhà báo cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng kiên định, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã có những bài báo quan trọng, những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ những trải nghiệm thực tiễn, cái nhìn chi tiết, cụ thể, có chiều sâu, với góc nhìn và tư duy biện chứng, nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã cho ra đời nhiều bài báo có chất lượng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 35 cuốn sách, trong đó có nhiều nội dung tập hợp từ các bài báo, tiêu biểu như các tác phẩm: “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”; “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”... Đó là những sản phẩm báo chí minh chứng cho năng lực xuất sắc của nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Trong lĩnh vực công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí, truyền thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người làm báo thực thụ, rất sắc bén, trở thành cây đại thụ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Điểm đặc biệt nổi bật trong các bài viết của Tổng Bí thư là luôn mang tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng, nhưng vô cùng gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính chiến đấu cao và có sức lan tỏa, tác động, cảm hóa sâu sắc. Nhiều câu thơ, ca dao, tục ngữ, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư vận dụng trong lối viết báo, vừa thể hiện tính sắc sảo, tầm vóc trí tuệ, chứa đựng tư tưởng chỉ đạo lớn lao của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa thể hiện bút pháp phong phú, đa dạng của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Bởi vậy, nội dung thông điệp dù rất trừu tượng, từ học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến lý luận xây dựng Đảng, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đường lối văn hóa, đường lối đối ngoại, quốc phòng - an ninh… đều được truyền tải hết sức dung dị, dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trở thành “cẩm nang” sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị. Những bài viết, bài nói của đồng chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; làm cho hệ tư tưởng của Đảng dần chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động hơn trong nhận diện, đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó cũng góp phần định hướng dư luận tích cực, chủ động, kịp thời, dự báo đúng và trúng, nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, xử lý thông tin từ khi mới manh nha, không để tích tụ thành vấn đề lớn. Những bài viết, bài nói của Tổng Bí thư đã góp phần vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhanh chóng đưa các quyết sách của Đảng vào cuộc sống, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trên tinh thần ý chí, quyết tâm, nỗ lực đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử với những dấu ấn nổi bật, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng cao, bền vững.
Nói chuyện với các nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Báo chí là người thầy, người bạn”. Người thường xuyên khích lệ những người làm báo: “Con đường của chúng ta còn thênh thang rộng mở” với 2 câu thơ rất khí thế và hiệu triệu:
Tâm sáng, trí cao, ngòi bút sắc
Thênh thang đường lớn vượt lên nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn gọi nhà báo là đồng nghiệp, luôn yêu cầu nhà báo phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”. Những lần đồng chí Nguyễn Phú Trọng tới thăm cơ quan báo chí, các nhà báo cảm nhận khi ấy giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với anh em làm báo không có khoảng cách. Đồng chí bắt tay chân tình và hỏi han rất gần gũi mọi người. Các nhà báo được đón nhận một nhân cách lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ẩn sâu bên trong người lãnh đạo bình dị và gần gũi.
Nhiều nhà báo lão thành nhớ mãi hình ảnh người phóng viên, biên tập viên Nguyễn Phú Trọng cần mẫn, tâm huyết với nghề báo. Là nhà báo giỏi, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khiêm tốn trong nghề. Đồng chí căn dặn: “Nghề báo là nghề cao quý nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn”. Tin tưởng vào sự trưởng thành của báo chí nước nhà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn báo chí tiếp tục truyền cảm hứng cho các tầng lớp Nhân dân để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam: “Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc”. Trong ký ức của những người đã từng tiếp xúc và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì ông là người đồng nghiệp đáng quý, người thầy gần gũi và chân thành, sẵn sàng trao đổi, sẻ chia những kinh nghiệm về nghề. Với những người làm báo, những lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư là những gợi mở tư duy sáng tạo và phương châm hành động. Nhà báo Đỗ Phú Thọ - người nhiều năm là phóng viên chuyên trách, tháp tùng Tổng Bí thư trong nhiều chuyến công tác, đã đúc kết được những bài học ý nghĩa khi tiếp nhận được từ nhà lãnh đạo vốn xuất thân từ một nhà báo. Còn với nữ nhà báo Thu Hồng - từng công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và có thời gian dài làm phóng viên chuyên trách theo dõi hoạt động của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng và trong cả giai đoạn đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội cũng như Tổng Bí thư, thì ấn tượng về đồng chí là một nhà lãnh đạo rất mực giản dị, tinh tế, sâu sắc. Còn chúng ta dù không được gần gũi nhiều với Tổng Bí thư, nhưng đều chung cảm nhận đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn cổ vũ, đồng hành, khích lệ những người làm báo. Đó là nguồn động lực vô cùng quý giá, không gì so sánh được.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù đã đi về thế giới người hiền, nhưng trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, dấu ấn sáng ngời của Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà văn hóa lớn, trong đó không thể không nhắc nhớ về một nhà báo xuất sắc, một nhà báo chân chính, là tấm gương của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại.
Thy Lan – Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh/Nguoilambaothanhhoa.vn