Sản xuất các tác phẩm báo chí đa phương tiện tại Studio Báo Thanh Hóa.
Trong thời đại kỷ nguyên số, các cơ quan báo chí muốn tồn tại và phát triển không thể tách rời khỏi quá trình chuyển đổi số. Nói cách khác, cơ quan báo chí phải lấy chuyển đổi số làm trung tâm phát triển, động lực tạo ra những giá trị mới, hướng tiếp cận mới, nhằm thoát ra khỏi những vấn đề mang tính truyền thống, những nội dung mà bạn đọc đã có dấu hiệu bão hòa.
Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ và xã hội số đang đặt ra những thách thức và cơ hội không nhỏ cho báo chí. Công chúng báo chí từ vai trò tiếp nhận bị động đã dần chuyển sang chủ động. Các thiết bị công nghệ và sự đa dạng, phong phú của mạng xã hội đã giúp cho người dùng tự tạo nội dung, tạo ra những “nhà báo công dân”, và báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin trên Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Tiktok... từng giây, từng phút.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách với các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo là phải nhận diện đầy đủ những khó khăn, thách thức để khắc phục, nhìn thấy những cơ hội và lợi thế của báo chí trong xu thế phát triển mới của truyền thông hiện đại để thích ứng, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng. Trong khi mạng xã hội phát tán thông tin chưa qua kiểm định, báo chí chính thống phải làm tốt nhiệm vụ là bộ lọc thông tin, kiểm chứng, cung cấp thông tin chính xác, trung thực tới người đọc, nghe, xem. Báo chí khai thác những ưu thế từ mạng xã hội để thu thập nguồn tin, chủ động tiếp cận người dùng qua nhiều kênh, đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của các đối tượng công chúng. Đồng thời lan tỏa dòng chảy thông tin tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ với những mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí và những người làm báo đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí. Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. Trên 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số. Thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số báo chí là sự cụ thể hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để từ đó, báo chí cách mạng làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin báo chí trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.
Tại Báo Thanh Hóa, Ban Biên tập xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của đời sống báo chí hiện nay, là con đường mà các cơ quan báo chí “phải đi” để khẳng định vai trò, vị thế, chiếm lĩnh thị trường thông tin và bạn đọc trong bối cảnh truyền thông số nở rộ và cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Ban Biên tập tập trung đổi mới cách tiếp cận bạn đọc bằng việc đổi mới các tác phẩm, sản phẩm báo chí hiện có; đồng thời ra mắt những chuyên mục mới, sản phẩm mới phân phối trên nhiều nền tảng công nghệ. Những việc làm của Báo Thanh Hóa khẩn trương, nhưng cũng hết sức thận trọng, với quan điểm phải lấy bạn đọc làm trung tâm của công cuộc chuyển đổi, mọi hoạt động chuyển đổi đều phải hướng đến sự hài lòng của bạn đọc.
Trên phương diện phân phối nội dung và tiếp cận bạn đọc, chuyển đổi số cho phép người dùng có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết để tiếp cận nội dung của các cơ quan báo chí ở mọi lúc, mọi nơi, trên bất kỳ thiết bị nào họ đang sử dụng. Ở khía cạnh quản trị tòa soạn, chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung.
Cụ thể, Báo Thanh Hóa đã đưa vào vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học, xây dựng giao diện Báo Thanh Hóa điện tử và Chuyên trang Văn hóa & đời sống tương thích với tất cả các thiết bị di động thông minh, thân thiện với người dùng; xây dựng, vận hành 2 fanpage của Báo Thanh Hóa điện tử và chuyên trang điện tử Văn hóa & Đời sống, 2 tài khoản Zalo Official; phân phối video trên kênh Youtube Báo Thanh Hóa, Tiktok... Tất cả các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Thanh Hóa đều được lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội. Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng đã và đang xây dựng ứng dụng đọc Báo Thanh Hóa trên App Store và Google Play, giúp bạn đọc tiếp cận nội dung của Báo Thanh Hóa một cách nhanh nhất. Báo Thanh Hóa cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống studio và thiết bị chuyên dụng để sản xuất bản tin video hằng ngày, tổ chức các chương trình đối thoại trực tuyến định kỳ hằng tháng; xây dựng phần mềm lọc tin và ứng dụng các mạng xã hội trong công tác xuất bản. Bên cạnh đó, Báo Thanh Hóa cũng đã xây dựng kho dữ liệu nội dung, đặc biệt là ảnh, video clip, từng bước thực hiện báo chí dữ liệu.
Tại các hội nghị và diễn đàn về chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí ở Việt Nam, các chuyên gia và diễn giả hàng đầu đều khẳng định chuyển đổi số là con đường phải đi, tuy nhiên sẽ không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Đây cũng không phải một cuộc cách mạng về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo. Nhận thức rõ vấn đề này, cùng với việc đổi mới mô hình tòa soạn, Báo Thanh Hóa đã tích cực triển khai chủ trương chuyển đổi số đến tất cả cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng; xây dựng đội ngũ những người làm báo am hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ trong sáng tạo các thể loại báo chí khác nhau.
Việc chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử, mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, thay đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đổi mới quy trình xuất bản các ấn phẩm và phân phối nội dung đến độc giả, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Báo Thanh Hóa trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của tỉnh.
Hiện nay quy trình xuất bản của Báo Thanh Hóa đã được số hóa một cách tối đa, ngoài 2 ấn phẩm điện tử, quy trình xuất bản 3 ấn phẩm in là báo hằng ngày, báo cuối tuần và báo hằng tháng cũng đã được số hóa. Lượng bạn đọc trên Báo Thanh Hóa điện tử duy trì ở mức 80.000 - 100.000 lượt đọc/ngày. Nhưng điều quan trọng hơn, rất nhiều cán bộ, phóng viên đã thay đổi cách tác nghiệp truyền thống sáng tác nghiệp đa kỹ năng, một phóng viên có thể độc lập sản xuất các loại hình báo chí khác nhau từ tin bài cho báo in, báo điện tử đến video clip, infographics, E-Magazine, Mega Story... Báo Thanh Hóa cũng mạnh dạn đầu tư, từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất nội dung như chuyển đổi văn bản thành giọng nói, đầu tư phần mềm Shorthand, phối hợp với các đối tác để tối ưu hóa và phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động cộng đồng…
Bên cạnh đó, Ban Biên tập đã kiện toàn Tổ nội sung số gồm 20 thành viên, do một đồng chí Phó Tổng Biên tập làm tổ trưởng, với nhiệm vụ tổ chức sản xuất, đăng tải toàn bộ nội dung trên báo Thanh Hóa điện tử, chuyên trang điện tử văn hóa &đời sống, các nền tảng số của Báo Thanh Hóa.
Sự nỗ lực, cố gắng phá bỏ giới hạn truyền thống, tiếp cận xu hướng báo chí hiện đại đã giúp Báo Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, đồng thời, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh đất và người Thanh Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, chặng đường chuyển đổi số của báo chí quy mô địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là việc làm thế nào để phát triển cùng lúc 3 nền tảng gồm: nền tảng quản lý tòa soạn; nền tảng phân tích thông tin, dư luận xã hội để kịp thời phát triển các nội dung số phù hợp với tâm lý, xu hướng tiếp nhận của đối tượng công chúng và nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của cơ quan truyền thông. Đây là bài toán khó mà lời giải không chỉ nằm ở nỗ lực của mỗi cơ quan báo chí, mà cần sự hỗ trợ, giúp sức từ cấp ủy, chính quyền trong việc tạo điều kiện để cơ quan báo chí tiếp cận với kho nguồn dữ liệu chính thống, tham gia vào các đề án chuyển đổi số để thật sự bắt nhịp với dòng chảy thông tin hiện đại, khẳng định vị thế và tầm vóc của các đơn vị truyền thông uy tín không những của địa phương mà còn trong khu vực.
Nhà báo Nguyễn Việt Ba,
Phó Tổng Biên tập Báo và Đài PT-TH Thanh Hóa,
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hoá/Nguoilambaothanhhoa.vn