Nguyệt san “Hồn lao động” do Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thanh Hóa phát hành năm 1934.
Ngày 29-7-1930, một sự kiện trọng đại đã diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa: Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập. Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại. Từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua thử thách hiểm nghèo, cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Và cũng ngay trong ngày đầu thành lập, một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Đảng bộ Thanh Hóa xác định đó là: Tổ chức ngay cơ quan ấn loát truyền đơn tài liệu Đảng, phát hành tờ báo “Tiến lên" – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ nhằm tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh giành độc lập, tự do, thoát ách lầm than, nô lệ...
Số báo đầu tiên in tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ, làng Yên Trường (Thọ Xuân), số thứ 2 và thứ 3 in tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều làng Hàm Hạ (Đông Sơn). Mặc dù xuất bản với khổ nhỏ, số lượng ít nhưng báo Tiến lên đã “đánh dấu một mốc lịch sử của báo chí cách mạng trên địa bàn Thanh Hóa, khai sáng dòng báo chí cách mạng, đưa chủ nghĩa yêu nước vào quần chúng nhân dân Thanh Hóa, nhất là trong thanh niên, theo xu hướng cách mạng vô sản”. Báo Tiến lên đóng vai trò lịch sử hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cách mạng.
Ngay sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập 3/2/1930 và nhất là sau sự kiện Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời ngày 29/7/1930, thực dân Pháp và tay sai đã tập trung lực lượng điên cuồng khủng bố phong trào cách mạng, gây tổn thất nặng nề cho Đảng bộ Thanh Hóa. Hàng loạt cán bộ chủ chốt của đảng bị bắt cầm tù. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, đồng chí Trịnh Khắc Sản - một trong bảy đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời còn lại được giao nhiệm vụ chủ trì dẫn dắt phong trào quần chúng đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ cán bộ, đảng viên, bảo vệ cơ sở đảng và quần chúng cách mạng; Củng cố cơ sở in và tiếp tục in ấn tài liệu tuyên truyền, ấn hành kịp thời tờ báo Hồn Lao động.
Mặc dù chính quyền thực dân, phong kiến điên cuồng lùng sục, khủng bố gắt gao, song với sự cưu mang giúp đỡ, bảo vệ của quần chúng cách mạng tại làng Long Linh ngoại (xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân), Báo Hồn Lao động do đồng chí Trịnh Khắc Sản trực tiếp phụ trách đã được in ấn, xuất bản 7 số từ số 1 (vào giữa năm 1934) đến số 7 tại nhà đồng chí Trịnh Khắc Sản và nhà đồng chí Trịnh Văn Ích (tức Thu Lợi). Ngay sau khi tờ báo phát hành không lâu, bọn mật thám đã đánh hơi được nơi in ấn tờ báo nên đã tập trung lực lượng về làng Long Linh ngoại lùng sục khám xét nhà riêng đồng chí Trịnh Khắc Sản. Tuy nhiên, được quần chúng yêu nước tìm cách bảo vệ, cơ quan in báo đã kịp thời chuyển về vị trí mới an toàn.
.jpg)
.jpg)
.jpg)
Các tờ báo của Đảng bộ Thanh Hóa: Đuổi giặc nước, Tiến lên, Khởi nghĩa. (Ảnh do bảo tàng tỉnh cung cấp)
Chính nhờ có sự tuyên truyền giác ngộ thông qua báo Hồn lao động, với các chuyên mục Thơ ca, Xã thuyết, Luận đàm… các tác giả Thanh Long (bút danh đồng chí Trịnh Khắc Sản), Minh Sơn, Trần thị Nam… đã góp phần củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, khơi dậy lòng căm thù thực dân, phong kiến trong đảng viên và quần chúng nhân dân, tiếp tục nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng và cổ vũ phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó trong thời gian này mặc dù chính quyền thực dân phong kiến tăng cường bộ máy đàn áp, liên tiếp tiến hành khủng bố nhưng quần chúng cách mạng trong tỉnh vẫn dũng cảm đấu tranh bảo vệ và khôi phục lại Đảng bộ, phong trào cách mạng tỉnh nhà được quần chúng tin yêu hết lòng nuôi dưỡng, bảo vệ, đó là nền tảng vững chắc cho Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh nhà tiến tới cao trào đấu tranh vì Dân sinh, dân chủ 1936 – 1939, buộc chính quyền thực dân Pháp phải có nhiều nhượng bộ. Tranh thủ thời cơ đó, Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong quần chúng. Theo đó báo Tia sáng đã ra mắt thay cho tờ Hồn Lao động.
Báo "Tia sáng" - cơ quan tuyên truyền của Tỉnh ủy do đồng chí Trịnh Huy Quang làm chủ bút, đồng chí Lê Hồng Quế làm biên tập, trị sự và phát hành được đặt tại nhà đồng chí Lê Hồng Quế (thôn Phù Hưng, xã Yên Thái, huyện Yên Định) đã kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn, biểu dương phong trào cách mạng của quần chúng đòi xây dựng trường học chữ quốc ngữ, chống nạn thất học cho nhân dân lao động… Báo Tia Sáng tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đã thể hiện được sự mau lẹ trong việc nắm bắt vũ khí tuyên truyền và sự chuyển hướng hoạt động kịp thời của Đảng bộ theo đường lối cách mạng của Trung ương.
Cũng trong thời gian này, từ kết quả của phong trào dân sinh dân chủ, các báo công khai của Đảng như Lao động, Tin tức, Nhành lúa... được phát hành rộng rãi trên địa bàn Thanh Hóa nên Tỉnh ủy tạm đình chỉ phát hành báo Tia Sáng để chỉ đạo hướng dẫn việc phát hành sách báo công khai của Đảng.
Với sự năng động sáng tạo, Đảng bộ Thanh Hóa đã căn cứ vào báo chí công khai của Đảng sớm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tiến tới cao trào phản đế cứu quốc mà đỉnh cao là Chiến khu Ngọc Trạo (1940-1941).
Một sự kiện đáng chú ý là tháng 6-1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (tức Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI) trên đường đi công tác vào phía Nam đã dừng lại ở Thanh Hóa. Đồng chí Nguyễn Đức Cúc và các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Bảo (tức Hoạt) làm Bí thư đã quyết định in ấn phát hành tờ báo “Tự do" và xuất bản cuốn sách: Những điều cần biết của người cộng sản Đông Dương, để tuyên truyền, hướng dẫn Đảng bộ Thanh Hóa hoạt động theo tỉnh thần Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng, tạo điều kiện thống nhất Tỉnh ủy thành một tổ chức vững mạnh. Cuối tháng 11/1940 Tỉnh ủy quyết định lấy tờ báo “Tự Do” làm cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng bộ.
Có công cụ tuyên truyền, vận động, phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ. Tính đến đầu năm 1941, hàng chục cuộc đấu tranh đã diễn ra sôi sục ở các làng, tổng. Các chiến sỹ Cộng sản khu vực Thọ Xuân đã tổ chức cuộc mít tinh lớn gồm hàng trăm quần chúng tham dự tại khu vực Lam Kinh. Tại đây các đồng chí đã phát báo "Tự Do" và tài liệu kêu gọi nhân dân tham gia Hội Phản đế cứu quốc, phản đối hành động đầu hàng Nhật của thực dân Pháp, kêu gọi quần chúng vũ trang chống Pháp - Nhật. In Cờ đỏ sao vàng trên “Báo Tự Do”, phân phát cho quần chúng cách mạng trong tỉnh và kêu gọi toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tỉnh ủy quyết định phát động phong trào cách mạng rộng lớn trong toàn tỉnh, đưa quân chúng xuống đường đấu tranh hưởng ứng Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Báo “Tự Do” số 3 ngày 26-1-1941 đã viết: “Tình hình rất khẩn trương, lửa cách mạng đã bùng cháy ở Bắc, ở Nam, Thanh Hóa phải làm gì để Trung, Nam, Bắc cùng nổi dậy đánh tan quân đế quốc cứu lấy giang san Tổ quốc”. Các chiến sỹ Cộng sản đã phân chia về từng huyện, từng làng truyền đạt chủ trương và phát động phong trào cách mạng mà đỉnh cao là xây dựng Chiến khu Ngọc Trạo.
Trong trận chiến đấu không cân sức giữa chiến sỹ Ngọc Trạo với quân đội thực dân phong kiến vào ngày 19-10-1941, lực lượng chiến khu không giành được thắng lợi, một số chiến sỹ bị bắt, một số chiến sỹ hy sinh nhưng đó là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng.
Chiến khu Ngọc Trạo, một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc tuy bị tan rã nhưng đó là tiếng chuông báo trước một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tất yếu sẽ diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa...
Ngay sau khi Chiến khu Ngọc Trạo bị khủng bố, đầu tháng 7 năm 1942 Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa tổ chức hội nghị phân tích tình hình cách mạng trong tỉnh, khẳng định ý chí cách mạng kiên cường của quần chúng trong sự nghiệp chống giặc cứu nước. Hội nghị thông qua chủ trương công tác và quyết định ra báo Đuổi giặc nước, thành lập tổ chức “Thanh Hóa ái quốc hội” để tập hợp đoàn kết những người yêu nước trong mặt trận yêu nước, giải phóng dân tộc. Tháng 9 năm 1942 lại xuất bản thêm tờ báo Gái ra trận.
Báo Đuổi giặc nước số đầu tiên được in ấn và phát hành vào tháng 8/1942 tại một cơ sở cách mạng ở làng Thổ Phụ (huyện Vĩnh Lộc), đến tháng 3/1943 chuyển về nhà Mẹ Tơm làng Hanh Cù (Hải Lộc, Hậu Lộc) do đồng chí Tố Hữu trực tiếp phụ trách. Tờ báo ra đời đã nhanh chóng thổi bùng một làn gió mới góp phần tuyên truyền, vận động, cổ vũ quần chúng tích cực tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập lực lượng Tự vệ cứu quốc, đẩy mạnh các phong trào “Sắm vũ khí đuổi thù chung”, “Chống Nhật Pháp bắt nhổ lúa trồng đay”, “Phá kho thóc của giặc Nhật và tay sai cứu đói”…
Trong khí thế sục sôi cách mạng, nhận thức rõ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền sắp đến gần, tháng 2 năm 1945, Tỉnh ủy chủ trương đổi tờ báo Đuổi giặc nước thành tờ báo Khởi nghĩa nhằm kịp thời động viên, chỉ đạo quần chúng chuẩn bị điều kiện vùng lên... Báo Khởi nghĩa số ra đầu tiên ngày 15 tháng 2 năm 1945 (Xuân Ất Dậu) ra lời kêu gọi: “... Hỡi các giới đồng bào yêu nước! Hỡi các đồng chí cứu quốc! Cơ hội khởi nghĩa không đợi người, bỏ lỡ dịp tốt này là tội lớn…”
Để chuẩn bị tổng khởi nghĩa, ngày 20 tháng 5 năm 1945, chiến khu Quang Trung (gồm ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) được thành lập. Tờ báo “Khởi nghĩa” của Thanh Hóa được chuyển làm cơ quan tuyên truyền chung cho toàn chiến khu.
Nhận chỉ thị từ Trung ương, trong không khí khởi nghĩa sôi sục của cả nước, đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, Üy ban Khởi nghĩa tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhân dân và tự vệ các huyện vùng lên như vũ bão quét sạch Đảng Đại Việt và Chính quyền bù nhìn thân Nhật. Trong không khí vui mừng phấn khởi của nhân dân trong tỉnh, ngày 23-8-1945, từ căn cứ Thiệu Hóa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa tiến về Thành phố Thanh Hóa ra mắt đồng bào trong tỉnh. Hàng vạn quần chúng và tự vệ đã tổ chức mít tỉnh chào đón chính quyền cách mạng tại phố Vườn Hoa.
Sau ngày hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, báo chí cách mạng của Đảng bộ Thanh Hóa càng được quan tâm phát triển.
Đầu năm 1962, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập toà soạn báo “Thanh Hoá đổi mới"- cơ quan ngôn luận của Đảng bộ đặt dưới sự chỉ đạo của đồng chí thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đến tháng 5/1966, Báo Thanh Hóa đổi mới được đổi tên thành Báo Thanh Hóa.
Cùng với đó, ngày 26/9/1956, Đài Truyền thanh Thanh Hoá (tiền thân của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa ngày nay) chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động.
Trải qua hành trình 100 năm báo chí cách mạng của Đảng bộ Thanh Hóa, Đài PT-TH Thanh Hóa đã và đang dần phát triển thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu thông tin, giải trí, nâng cao dân trí của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Báo Thanh Hóa đã tăng thêm kỳ trở thành nhật báo với các loại hình báo in, báo điện tử và nhiều ấn phẩm hấp dẫn như Báo Thanh Hóa cuối tuần, Báo Thanh Hóa hằng tháng, Chuyên trang Điện tử Văn hóa và Đời sống… đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc, bạn xem báo ở mọi lứa tuổi. Theo số liệu công khai trên SimilarWeb được ONECMS Blog tổng hợp, Báo Thanh Hóa điện tử (baothanhhoa.vn) nằm trong top 10 báo Đảng địa phương có lượng truy cập cao nhất cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mới đây ngày 9/5/2025 hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tiếp theo là hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí thế giới và khu vực. Việc hợp nhất các cơ quan báo chí của tỉnh sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn về tổ chức bộ máy, tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm cho cơ quan báo chí sau hợp nhất hoạt động tốt hơn, thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với báo chí.
Những thành tựu đã đạt được trong hành trình 100 năm báo chí cách mạng tỉnh nhà là nền tảng, là tiền đề quan trọng để báo chí Thanh Hóa vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Trịnh Duy Hoàng/Nguoilambaothanhhoa.vn