Làm Báo – Sự cẩn trọng không bao giờ thừa (09/07/2025-10:02)
NLBTH - Một sáng đầu hạ, Phương - cô cháu gái ở Văn phòng Hội Nhà báo Thanh Hóa gọi cho tôi: - Bác ơi, hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tới đây Hội ra ấn phẩm đặc biệt, văn phòng Hội muốn đặt bác viết một bài cho ấn phẩm này, bác nhận lời bác nhé?! Trao đổi về chủ đề bài báo, Phương nói: Bác viết về những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề hoặc có gì hay hay bác viết cũng được ạ. Bỗng dưng, bao kỷ niệm với nghề ùa về trong tôi. Không ngần ngại, tôi nhận lời Phương.
Nhà báo Trần Thủy tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa
Ngày mới vào nghề, tôi được lãnh đạo phòng phân công phụ trách tuyên truyền khối đoàn thể. Nhiều người cho rằng tuyên truyền về đoàn thể dễ, vì viết về hoạt động của thanh niên, phụ nữ, công đoàn… chủ yếu là phong trào, vô thưởng vô phạt, không sợ sai sót. Thế nhưng, thực tế có phải vậy không? Còn nhớ, có lần theo giới thiệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, tôi cùng đồng nghiệp đến một doanh nghiệp tìm hiểu viết bài về phong trào hoạt động công đoàn ở đây, với điểm nhấn là ngoài chăm lo cho công nhân viên chức và người lao động sở tại, đơn vị còn phụng dưỡng mười mấy Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong suốt nhiều năm qua. Vì đã đấu mối và hẹn trước, khi đến nơi, chúng tôi được đón tiếp khá chu đáo. Các đồng chí trong Ban Thường vụ công đoàn cơ sở đều có mặt, tài liệu cũng được chuẩn bị đầy đủ. Sau khi nghe Chủ tịch Công đoàn báo cáo về tình hình hoạt động, chúng tôi trao đổi thêm một số nội dung còn chưa rõ, ra về không quên xin một bản báo cáo.
Hôm đó, hai chú cháu rất vui vì công việc suôn sẻ. Về nhà, tôi viết bài ngay, và bài báo được lên khuôn chỉ ít hôm sau đó. Khoảng nửa tháng sau, một hôm đồng chí Phó Tổng biên tập gọi tôi lên và bảo: - Chị viết lách kiểu gì mà để người ta kiện cáo thế? Tôi chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhưng mặt thì tái mét, người thì cứ run bắn cả lên. Sau “đòn phủ đầu”, đồng chí Phó Tổng biên tập ôn tồn nói: - Bài cháu viết về Công đoàn X. ấy, người ta nói Công ty X. có nuôi dưỡng nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng thế đâu? Cháu có làm việc với công đoàn X. không? Tôi vẫn chưa hết run: - Cháu… cháu có làm việc mà. Rồi tôi cố trấn tĩnh, và trình bày: Công đoàn ấy là công đoàn tiêu biểu trong hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, được Liên đoàn Lao động tỉnh giới thiệu để viết bài biểu dương. Hôm làm việc, có đầy đủ Ban Thường vụ công đoàn, họ còn cung cấp cho cháu bản báo cáo hoạt động công đoàn nữa mà! Nghe tôi nói thế, đồng chí Phó Tổng biên tập bảo: - Thế cháu có nắm được danh sách các Mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng không? Đến lúc này thì tôi ớ người ra, vì tôi chẳng có danh sách nào cả, chỉ ghi tên một vài mẹ làm ví dụ thôi. Tôi lo lắm, lập cập nói: - Cháu chỉ viết đúng như người ta cung cấp thôi, còn danh sách cụ thể thì không có. Phải làm sao bây giờ ạ?
Như hiểu nỗi lo lắng của một phóng viên trẻ mới vào nghề, đồng chí Phó Tổng Biên tập ồn tồn nói: - Đừng lo lắng quá! Cháu tổng hợp tài liệu đi, ta sẽ có buổi làm việc với Công đoàn công ty X. và cả Công ty X. nữa. Sau đó, Ban Biên tập đã bố trí một buổi làm việc với Công đoàn Công ty X. và Công ty X. đồng thời làm việc riêng với người đứng đơn về nội dung đơn kiện. Thì ra, người đứng đơn kiện nguyên là kế toán Công ty X. Do mâu thuẫn với Giám đốc nên đã nghỉ việc. Công việc nội bộ của Công ty X. trước đó người này nắm rất rõ. Trước đây, Công ty X. có nhận nuôi dưỡng mười mấy Mẹ Việt Nam Anh hùng thật và giao cho tổ chức công đoàn đảm nhận. Nhưng, nhiều năm trôi qua, các mẹ già yếu, nhiều người đã qua đời, chỉ còn lại vài mẹ. Song, hằng năm, Công ty X. và Công đoàn Công ty X. vẫn báo cáo lên các cấp là đang nuôi dưỡng mười mấy mẹ. Điều này cả Công ty X. và Công đoàn Công ty X. đều có lợi. Công ty X. thì hằng năm vẫn trích kinh phí nuôi dưỡng mười mấy mẹ, các mẹ không còn để nhận thì chảy vào túi cá nhân ai đó, còn Công đoàn thì được báo cáo thành tích hằng năm… mà chẳng ai hay?!
Vụ việc sau đó cũng được dàn xếp ổn thỏa. Công ty X. đã gặp người đứng đơn trao đổi để họ không làm to chuyện. Tôi cũng chỉ bị Ban Biên tập nhắc nhở chứ không phải kỷ luật, vì lỗi không phải do tôi mà do Công ty X. và Công đoàn Công ty X. báo cáo không trung thực. Nhưng với tôi – một phóng viên trẻ mới vào nghề thì được một bài học nhớ đời. Bài học về sự cẩn trọng khi khai thác tài liệu, dù đó là viết bài biểu dương. Giá như, khi khai thác tài liệu, tôi hỏi rõ tên tuổi, địa chỉ của cả mười mấy Mẹ Việt Nam Anh hùng thì có lẽ họ đã chột dạ, không báo cáo láo, và biết đâu, sẽ không có câu chuyện buồn như đã kể. Sau này, khi làm phóng viên hay làm công tác biên tập, quản lý tôi đều luôn tự nhắc mình và nhắc đồng nghiệp hãy cẩn trọng trong mọi công việc, nhất là khi khác thác tài liệu để viết bài, vì cẩn trọng không bao giờ thừa.
Tác giả trong chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Trải qua hơn 30 năm làm báo, với hàng trăm chuyến đi, hàng ngàn đứa con tinh thần ra đời đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Đó là chuyến đi phản ánh kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một điểm thi thuộc huyện Triệu Sơn, phải “bỏ của chạy lấy người” vì phụ huynh và người nhà học sinh ào ào chạy vào phòng thi ném bài, xô ngã cả giám thị và bảo vệ. Là những lần đi phản ánh dịch Cúm A/H5N1 trên gia cầm, mặc dù đã mặc bảo hộ mà vẫn “Tim đập, chân run” bởi đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm có thể lây sang người, gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Là những lần không đấu mối với cấp quản lý đơn vị, ngành, tự lần mò thâm nhập thực tế, khai thác phụ huynh, học sinh và người bệnh để viết bài phản ánh tình hình dạy thêm học thêm không đúng quy định, tệ lạm thu đầu năm học, hay công tác khám chữa bệnh trên địa bàn… Đặc biệt, là chuyến công tác ở Trường Sa – Một sứ mạng cao cả và hạnh phúc mà không phải nhà báo nào cũng có được…
Làm báo không chỉ là công việc, mà là một hành trình đầy cảm xúc, nơi mỗi dòng chữ là nhịp đập của trái tim, mỗi bài viết là tâm huyết gửi đến bạn đọc. Dẫu nghề báo có lúc gian nan, thử thách, nhưng niềm tin vào sự thật và khát vọng cống hiến luôn là ánh sáng dẫn đường. Năm tháng cứ trôi qua, nhưng những kỷ niệm về nghề thì còn mãi, nó khắc sâu trong tâm hồn những người đã chọn gắn bó trọn đời với sứ mệnh cao quý ấy.
Nhà báo Trần Thủy- Nguyên Phó TBT Báo Thanh Hóa/Nguoilambaothanhhoa.vn
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com